Để Bác tự đi

 Được cấp trên cho biết Bác Hồ sẽ về thăm Hợp tác xã cấp cao Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, lãnh đạo Đảng, chính quyền và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đều lo toan chuẩn bị. Nào là bố trí làm tổng vệ sinh khu vực làm việc của Đảng ủy, ủy ban và trụ sở Hợp tác xã. Cuộc họp lãnh đạo nhất trí là phải thông báo cho dân biết tin này để cùng chuẩn bị đón Bác. Thế là Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã phân công cán bộ đến từng nhà dân ở gần trụ sở ủy ban và gần nơi đón Bác. Những nhà gần đó đều được xã cử thanh niên đến sửa soạn lại trong nhà sao cho ngăn nắp. Có 4 gia đình ở gần hội trường nhất thì cho người mượn thêm tủ, bàn ghế sang trọng ở những nhà khác xa hơn đưa đến đặt vào, để khi Bác đến sẽ thấy đời sống của dân ở đây khấm khá thật.

 Thế là ngày hôm sau, Bác Hồ đã đến thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành. Sau khi nói chuyện xong với cán bộ và nhân dân, Bác nói cho Bác đi thăm một số gia đình. Lãnh đạo xã mời Bác đi và dẫn Bác theo con đường có mấy nhà đã chuẩn bị trước. Ra khỏi hội trường đi được khoảng mươi mét đến ngã ba đường làng, ông Chủ tịch xã chỉ mời Bác đi đường này. Nhưng Bác xoa tay nói: "Để Bác tự đi để biết đúng thực tế, có lẽ ở đó các chú đã bố trí rồi". Thế là Bác Hồ đi theo con đường khác. Bác đi vào nhà một gia đình bình thường có ngôi nhà tranh nhỏ bé. Trong nhà chỉ có một cái sập nhỏ đựng lúa làm bàn thờ và hai cái giường gỗ nhỏ cũ kỹ. Sau khi nói chuyện và hỏi thăm bà già đang ngồi bồng cháu trên chiếc võng, Bác lại đi thăm một số gia đình khác.

Trích theo sách: Tư tưởng lớn qua những câu chuyện nhỏ, Nxb Nghệ An, 2005

 Bác hướng dẫn làm kinh tế thời kháng chiến

 Thời gian rỗi, Bác cùng anh em trong cơ quan chơi bóng chuyền, tập thể thao, tăng gia sản xuất, trồng bí trồng bầu, nuôi gà, nuôi bò. Trong thời gian này, Bác nảy ra ý quản lý kinh tế theo phương thức khoán sản phẩm. Bác bảo các đồng chí, giao bò cho dân địa phương nuôi, khi bò phát triển thì một phần để lại cho nhân dân còn một phần cho tập thể. Trồng được nhiều bí, cả một bãi rộng dày đặc quả, khi thu hoạch anh em kiểm số lượng quả vì nhiều nên bị lẫn liên tục, Bác bày cho cách: Đếm xong quả nào cắm một que tre, khi cắm hết chỉ cần gom số que là ra số quả tăng gia được và giao cho người quản lý.

Trích theo sách: Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ
, Nxb Văn hóa thông tin, H.2008

 Biết mực nước lụt thường xuyên như chỉ huy nắm địch

 Vào mùa nước sông Hồng đang lên, Bác cho gọi đồng chí Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi lên hỏi: Chú cho Bác biết mực nước sông Hồng lên bao nhiêu?" "Thưa Bác tối qua mực nước là..." Bác ngắt lời: "Tối qua Bác biết rồi, Bác muốn biết lúc này là bao nhiêu?". Đồng chí Thứ trưởng không trả lời được, Bác nghiêm giọng nói: "Thủy - hỏa - đạo - tặc, giặc lụt tai hại bao nhiêu chắc chú đã biết rõ, vậy sao chú nắm tình tình không sát, phải như Bộ Chỉ huy nắm địch ấy.

Trích theo sách: Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ
 Nxb Văn hóa thông tin, H.2008

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”.

 Đó là một sáng tháng 8 năm 1962, tất cả xã viên và cán bộ Mai Xá đang dồn hết sức mình ứng cứu lúa trên trận tuyến dài gần một cây số ở cánh đồng Sao. Hàng trăm chiếc gầu, hàng chục chiếc guồng nghiêng đồng đổ nước ra sông. Bác đến rất bất ngờ. Cả công trình chống úng của Mai Xá tưng bừng nhộn nhịp hẳn lên trong niềm vui được đón Bác. Mọi người chạy xô lại phía Bác. Bác bước tới dáng hồng hào khoẻ mạnh. Người mặc bộ quần áo gụ giản dị, đầu đội mũ cát, chân đi đôi dép cao su. Đến một chiếc guồng nước của hai cô xã viên, Bác bước lên và cùng đạp guồng với đồng chí Bí thư tỉnh uỷ. Sau đó Bác nói chuyện với bà con xã viên. Bác căn dặn tất cả mọi người phải đoàn kết chống úng đẩy mạnh sản xuất. Và Bác đọc một câu lẩy kiều:

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”.

Giọng nói của Bác ấm áp đã đi sâu vào trong tâm trí mọi người. Cuộc gặp gỡ diễn ra hơn một giờ đồng hồ. Sau đó Bác ra về. Xã viên Mai Xá nhìn theo Bác lòng đầy lưu luyến. Tất cả mọi người đều muốn được mãi mãi nhìn Bác, nghe những lời dạy dỗ của Bác như lời người cha hiền từ dạy bảo con cái. Và từ hôm đó mọi người cùng nêu cao quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác hăng hái chống úng đẩy mạnh sản xuất. Ngay vụ mùa đó cánh đồng Sao, cánh đồng hay ngập úng của xã Mai Xá mà Bác cùng guồng nước với mọi người đã đạt năng suất 3 tấn một héc ta.

Trích theo sách: 118 chuyện kể về Bác Hồ, Nxb Lý luận chính trị, H2008

 Bác là người lao động

 Vào khoảng cuối năm 1953, đầu năm 1954, tuy đã ở trong ATK (an toàn khu) nhưng đội bảo vệ của Bác vẫn đào hầm sâu trong núi để đề phòng giặc. Anh em không quen nên làm việc có phần lúng túng. Bác đến và làm động tác mẫu quai búa cho đồng chí phụ trách búa xem. Rồi Bác lấy một thanh tre bánh tẻ làm kẹp cây “choòng” cầm chống, ra lệnh cho người quai búa cứ quai cho đều tay. Sợ Bác mệt, anh em nói:

 - Thưa Bác, chúng cháu hiểu rồi ạ.

 Đến lúc anh em tranh cãi về tăng gia, Bác lại “tham gia”. Có anh phát biểu nên trồng cà, anh thì bảo nên trồng rau muống cạn. Bác hỏi:

 - Các chú đều là nông dân phải không?

- Dạ, chúng cháu đều là nông dân.

 Bác giải thích: Vì các chú mỗi người một quê khác nhau, thời tiết mỗi vùng một khác. Kinh nghiệm trồng trọt cũng khác nên tranh cãi là bình thường. Song phải chú ý tới người xưa đã dạy ta rằng: “Bao giờ đom đóm bay ra, cành xoan chân chó trồng cà mới nên...” Thế các chú thấy cây xoan nảy mầm tức là thò chân chó chưa”

 - Dạ, chưa ạ

- Thế thì chưa trồng cà được đâu!

Trích theo sách: Chuyện kể về Bác Hồ, Nxb Công an nhân dân, H.2009

Thúy Hằng (st)

Bài viết khác: