Trong cuốn sách “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn”1 - công trình khoa học về giáo dục do Nhà xuất bản UNESCO công bố tháng 4-1996 có nêu lên bốn trụ cột của giáo dục thế kỷ XXI: Learning to know; Learning to do; Learning to live together; Learning to be (Học để biết; Học để làm việc; Học để chung sống với nhau; Học để làm người). Công trình này là một kho báu cần được khai thác, phát huy, bởi nó thể hiện rõ tư duy mới về giáo dục thế kỷ XXI, với cách tiếp cận mới về những con đường đa dạng cho sự học tập, thể hiện ý tưởng về xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời của con người và trí tuệ của con người. Do vậy, được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao; được thảo luận kỹ ở nhiều hội nghị quốc tế và đã có nhiều nước thành viên UNESCO áp dụng.

Kỳ lạ thay, cách thời điểm công trình trên ra đời gần 50 năm, vào tháng 9-1949, trong dịp đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào sổ của Trường:

“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ,

Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại,

Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”2.

Quan điểm đó của Người đã thể hiện những điều căn cốt nhất về giáo dục trong chế độ mới và có ý nghĩa rất lớn cho nền giáo dục nước nhà hiện nay. Cụ thể là:

1. Nền giáo dục bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển của đất nước

Hồ Chí Minh nêu những nội dung phản ánh về mục tiêu giáo dục của Việt Nam ngay trong năm học đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (9-1945) và nhất quán trong suốt quá trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Trong Thư gửi các học sinh, Người viết: “Từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”3. Đó là “một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em,… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”4. Mục tiêu này tuyệt nhiên không phải là một nền giáo dục chạy theo bằng cấp, mà giáo dục để đào tạo ra con người mới phụng sự Tổ quốc, làm rạng danh non sông. Bởi vậy, giáo dục theo mục tiêu đó thì không phải cứ chạy theo khối lượng kiến thức, mà là ở chỗ trang bị kiến thức gì để đạt chất lượng phục vụ cho mục tiêu. Hồ Chí Minh mượn ý của Nho giáo để đưa ra một thông điệp: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trồng người, sự nghiệp đó mới chính là mục tiêu mà nền giáo dục của nước ta phải đạt tới. Vì thế, sự học không có trang sách cuối cùng, như Hồ Chí Minh đã làm: Học trên ghế nhà trường, học trong cuộc sống, học cả cuộc đời.

2. Giáo dục toàn diện

Hồ Chí Minh quan niệm: Con người là một chỉnh thể gồm cả đức và tài, hoặc theo cách diễn đạt khác là “vừa hồng, vừa chuyên”, nghĩa là vừa có phẩm chất vừa có năng lực. Nếu thiếu một trong hai vế đó thì không phải là “con người” theo đúng nghĩa hoàn chỉnh. Do vậy, việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Thực chất, đó là quan điểm để phát triển con người Việt Nam (“con người mới”, “con người Việt Nam hiện đại”), với những phẩm chất và năng lực, như: Có lý tưởng, đạo đức cách mạng, tình yêu đất nước, tinh thần nhân văn, có quan hệ đúng mực với những người xung quanh, có ý chí vươn lên về mọi mặt trong cuộc sống để trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, có những kỹ năng cần thiết để ứng xử thành công với tất cả các mối quan hệ tự nhiên, xã hội; có tri thức chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng vào thực tế lao động, làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân. Con người như vậy phải thường xuyên rèn luyện để có sức khỏe tốt. Và trên hết, đó là con người có văn hóa.

Nhà trường, gia đình, xã hội và tự bản thân mỗi con người Việt Nam phải có trách nhiệm vươn lên để đáp ứng được những yêu cầu đó. Trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định, con người có thể chỉ được giáo dục chuyên sâu, chuyên biệt về một hay nhiều lĩnh vực nào đó, nhưng chỉ khi được giáo dục toàn diện văn - đức - thể - mỹ,…; đức - tài trọn vẹn, thì mới là người được giáo dục thành công.

3. Giáo dục thiết thực

Giáo dục thiết thực không phải là theo lối thực dụng, mà để phục vụ mục tiêu xây dựng con người: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu khoa học, yêu đạo đức. Cho nên, Hồ Chí Minh chú trọng tới giáo dục thiết thực để làm cho con người có đủ đức - tài phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đối với các em học sinh, Người đặt ra yêu cầu: “Khi ở nhà phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần,… ở trường thì phải đoàn kết giúp đỡ anh chị em thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thày và trò làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội, các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích”5. Rõ ràng, giáo dục thiết thực ở đây hoàn toàn khác với kiểu giáo dục nhồi nhét.

4. Học đi đôi với hành

Đây là nội dung được Hồ Chí Minh đề cập trong nhiều bài viết, bài nói. Thực hành là một mặt quan trọng để đạt mục tiêu giáo dục. Để học đi đôi với hành, phương pháp giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Trong thời gian dạy ở Trường Dục Thanh và các lớp huấn luyện cán bộ, trong đó có các lớp của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã áp dụng phương pháp dạy và học tích cực; coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu; lấy tự học làm cốt, có sự thảo luận và chỉ đạo, hướng dẫn. Người cũng không ít lần nhắc nhở những người làm công tác giáo dục là phải nhận rõ đối tượng, những đặc điểm của đối tượng để giáo dục cho thích hợp; phải giảng giải rõ ràng, dễ hiểu, đừng sáo rỗng; chống học vẹt; phải làm cho học sinh độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng; học tập suốt đời, học lẫn nhau, học mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay, việc học đi đôi với hành ở các cấp học của nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định; khả năng thích ứng với công việc của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn yếu; phương pháp giảng dạy chưa phát huy hết khả năng sáng tạo, tư duy độc lập của người học.

5. Chăm lo xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo

Nói đến lĩnh vực giáo dục, trước hết phải nói đến đội ngũ thầy, cô giáo. Theo Hồ Chí Minh, thầy giáo là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận giáo dục. Người đặt ra yêu cầu đối với lực lượng này: Phải luôn luôn tự giáo dục, rèn luyện, phải yêu nghề, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Có kiến thức và phương pháp giáo dục tốt; kiên trì, nhẫn nại, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Để đạt được điều đó, cả xã hội phải quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo vừa có phẩm chất, vừa có năng lực để đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, mà theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ đó được tôn vinh, không có tượng đồng, bia đá nào sánh kịp.

6. Một số điều cho hôm nay

Cần đẩy mạnh chống bệnh lười học tập trong cán bộ, đảng viên. Năm 1961, tâm sự với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chí Minh nói: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”6. Trong lúc bộn bề trăm thứ việc sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã nhận ra ba thứ giặc cần tập trung sức lực của toàn dân để chống, đó là: Giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.

Lĩnh vực giáo dục nói riêng và việc nâng cao dân trí nói chung có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Sự nghiệp “trồng người” mà Hồ Chí Minh khởi xướng vẫn luôn là chiến lược hành động của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, việc đầu tư cho giáo dục, nâng cao dân trí chính là sự đầu tư cho phát triển. Hầu hết các quốc gia có tốc độ tăng trưởng và chỉ số phát triển con người (HDI) cao đều do sự đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục. Hiện nay, chỉ số HDI và sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một trong những lực cản là trình độ dân trí chưa cao và “bệnh” lười học tập.

Đã là “bệnh” thì đều có hại. Nhưng, cán bộ, đảng viên lười học tập thì cái “hại” nặng nề hơn rất nhiều, ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp đổi mới và công cuộc xây dựng một xã hội học tập của nước ta. Công việc cách mạng đang rất cần những tri thức, nếu cán bộ, đảng viên lười học tập, trình độ yếu kém thì không thể đáp ứng được yêu cầu. Sự tụt hậu, yếu kém về trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên đều dẫn đến sự yếu kém của toàn Đảng. Do đó, học tập, học tập suốt đời không những là yêu cầu của con người Việt Nam hiện đại nói chung, mà là yêu cầu tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Học thực chất, không chạy theo bằng cấp, chứng chỉ. Bằng cấp, chứng chỉ là cần thiết với điều kiện là bằng cấp chứng chỉ đó ghi nhận đúng thực chất trình độ, năng lực của người học. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực, học giả, bằng giả trong giáo dục ở các cấp học hiện nay vẫn đang tồn tại, làm ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thậm chí còn là nguy cơ làm hỏng cả chế độ chính trị. Bằng cấp chỉ nên coi là một chỉ số tham khảo, không nên lấy đó là chỉ số tiến thân trên con đường đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Như vậy, yêu cầu đòi hỏi việc học tập để có đức, có tài là phải đi vào thực chất. Bản thân Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trước đây không có nhiều bằng cấp, nhưng luôn thể hiện được bản lĩnh chính trị cũng như trí tuệ, năng lực cao. Bởi lẽ, Hồ Chí Minh và các đồng chí ấy đã học tập một cách thực chất, học trên ghế nhà trường, học thầy, học bạn, học trong đường đời, học trong thực tế, học suốt đời, tự học. Sự học đó là để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Đảng, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; cho sự tiến bộ chung của đất nước và sự phát triển của thế giới chứ không phải học để “trang trí” cho cá nhân. Trong những căn bệnh “chạy” đã được Đảng ta chỉ ra, có căn bệnh “chạy bằng cấp”. Đó là điều đáng báo động và phải ra sức khắc phục.

Học thực chất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy luôn đi liền với sự tu dưỡng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chỉ có như thế đất nước mới thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc chủ nghĩa xã hội.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Xuân Đức (st)

Chú thích:

1 - Cuốn sách này vốn là một bản báo cáo khoa học của Ủy ban quốc tế về Giáo dục thế kỷ XXI thuộc UNESCO, do 15 thành viên từ 15 nước trên thế giới soạn thảo (ông Jacques Delos, nguyên Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (1985-1995) đứng đầu).

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 208.

3, 4 - Sđd, Tập 4, tr. 34, 35.

5 - Sđd, Tập 9, tr. 179.

6 - Sđd, Tập 13, tr. 273.

Bài viết khác: