Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” đã từng là thầy giáo, thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (1910), thầy Vương ở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (1925 - 1927) do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổ chức, ở nhiều lớp huấn luyện cách mạng khác trong và ngoài nước.
Người là thầy giáo dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó (1941) “học chữ để làm người cách mạng”. Sau này, Người thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, bình dân học vụ, các trường phổ thông, đại học, các lớp bồi dưỡng giáo viên… Người đã khởi xướng phong trào “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) của ngành Giáo dục. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào quan tâm đặc biệt đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu những bức thư Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục có nhiều vấn đề để chúng ta suy nghĩ, nhận thức, quán triệt và vận dụng vào công tác giáo dục đào tạo. Hầu hết tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã thể hiện trong các bức thư Người gửi cho ngành Giáo dục. Trong khuôn khổ của bài này chúng tôi chỉ làm rõ thêm quan điểm của Người về giáo dục, nhất là những vấn đề liên quan đếnnhững nội dung trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà và hội nhập quốc tế. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng tôi xin nêu ra một số vấn đề về tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh để quát triệt bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên hiện nay:
1. “Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang”[1]
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm về cách mạng Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa - tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Những quan điểm, tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh là một bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta của chính Người. Tư tưởng này không chỉ thể hiện mục tiêu, lí tưởng cách mạng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối lãnh đạo của Đảng ta mà còn phản ánh tình cảm, nguyện vọng cao cả của Hồ Chí Minh, Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”[2] Nhiệm vụ “trồng người” quan trọng thì vai trò của “người trồng” càng quan trọng. “ Đại kế giáo dục, người thầy là gốc”. Đã bao đời, nhân dân ta truyền tụng câu tục ngữ: “Không thầy, đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Lịch sử từ xưa đến nay lúc nào cũng có biết bao tấm gương về những người thầy cao quý, có tài, có đức.
Trong 23 bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục có nhiều bài nói tới vai trò của giáo viên, nhất là “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” vào tháng 5-1946 đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy giáo. Người viết: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”;... “để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”;... “cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng.”[3]
Bác đã nhấn mạnh đến vai trò của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang.”[4] Lời Bác dạy làm chúng ta hiểu thêm về vai trò của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là con đường căn bản để chấn hưng dân tộc, nền tảng của sự tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Vận nước hưng hay suy phụ thuộc vào giáo dục. Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, trong đó đội ngũ thầy cô giáo (và cán bộ quản lý giáo dục) là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Có thầy tốt mới có giáo dục tốt.
Lời căn dặn của Người đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của ngành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục đã bằng sự nghiệp trồng người vẻ vang của mình, đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, trong đó có nhiều nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà. Không chỉ giỏi trong quản lý và giảng dạy, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, sinh viên trong các trường sư phạm đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và sinh viên đã “vượt Trường Sơn” vào miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng… Hơn 60 năm qua, ngành Giáo dục đã đạt được những thành thành tựu to lớn, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Giờ đây vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong tình hình mới cần phải được phát huy hơn nữa. Chúng ta đang tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của ngành Giáo dục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong hoàn cảnh lịch sử mới. Thực hiện lời Bác dạy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của ngành thực sự là những nhà quản lý và giáo viên giỏi, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
2. “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”
Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết: “… Từ giờ phút này trở đi các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.”[5] Sau 10 năm, vào ngày 01/6/1955 gửi thư cho các cháu và các cán bộ các trường miền Nam, Bác viết: “Các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen.”[6]
Vấn đề phát triển năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh đang được quan tâm trong quá trình chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta, cũng như việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015. Nhất là mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Từ sự thay đổi của mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu của giáo dục phổ thông cũng cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá theo hướng chuyển từ cách tiếp cận truyền thống - tiếp cận nội dung chú trọng cung cấp trang bị kiến thức, chưa chú ý nhiều đến yêu cầu vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các kiến thức đã được học, đang học, sẽ học và vận dụng kiến thức học tập vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra sang phương pháp tiếp cận mới - tiếp cận năng lực ở đó hình thành phẩm chất và năng lực thông qua yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức , kĩ năng, thái độ, hành vi và đề cao khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng thực hành, khả năng thực hiện cùng với các kĩ năng sống khác…
Như vậy, để thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ, nhiệm vụ của nhà trường phổ thông hiện nay là phải đào tạo những thế hệ học sinh có năng lực vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Điều Người nói cách đây gần 60 năm cũng gắn liền với vai trò của người dạy và người học trong giai đoạn hiện nay. Đó là triết lý về giáo dục cho thế kỉ XXI, có những biến đổi sâu sắc. Căn cứ vào 4 trụ cột của giáo dục mà UNESCO đã tuyên bố, là: “Học để biết”; “Học để làm”; “Học để cùng chung sống” và “Học để làm người”, và để “học thường xuyên, suốt đời” thì vai trò của học sinh sẽ ở vị trí trung tâm của nhà trường, giờ đây học sinh là người chủ động chiếm lĩnh kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy. Từ đó, đòi hỏi các nhà trường phổ thông không chỉ còn là truyền thụ kiến thức một chiều mà là sự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức, hình thành ở các em các năng lực đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới.
Về năng lực cần hình thành cho học sinh phổ thông cũng đang được nghiên cứu, các nhà giáo dục cho rằng, với chương trình giáo dục phổ thông mới học sinh phổ thông cần có các năng lực sau: Tự học, giải quyết vấn đề, tư duy, tự quản lý, giao tiếp, hợp tác, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng ngôn ngữ, tính toán... Thấm nhuần tư tưởng của Bác, như bức thư Người gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niêm và nhi đồng ngày 31 tháng 10 năm 1955, Hồ Chủ tịch đã nhắc là phải tẩy sạch ảnh hưởng của “học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”; Người chỉ rõ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.”[7].
Từ tư tưởng trong lời căn dặn của Người, vận dụng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay “chỉ lựa chọn một số kiến thức cơ bản, cốt lõi, thiết thực giúp cho việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chú ý tích hợp, liên môn; tăng tính thực tiễn và yêu cầu vận dụng vào thực tiễn đời sống; tăng cường hoạt động thực hành. Nội dung ở Trung học phổ thông gắn với phân luồng và nghề nghiệp. Số môn học cần giảm, các nội dung thiết thực gắn với thực tiễn cuộc sống.
Chúng tôi cho rằng Bác đã chỉ ra những vấn đề này cách đây nửa thế kỷ, nay lời dạy vẫn còn nguyên giá trị.
Đọc những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành Giáo dục, suy ngẫm về sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta thấy những lời dạy của Người có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc, quyết tâm thực hiện lời Người căn dặn “… Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
TS. Nguyễn Xuân Trường
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hà An (st)
Chú thích:
[1]. Những câu trong ngoặc kép ở các tiểu mục trên và sau đều dẫn lời của Bác.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 9, tr.222.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,tập 11, tr 329-332.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,tập 4, tr 329.
[5]. Bác Hồ với Giáo dục, Nxb GD, tr. 71-72.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.80-81.
[7]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, tr 80-81.