II. Để Đảng ta mãi “là đạo đức, là văn minh”

lam theo di chuc 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng,
Võ Nguyên Giáp gặp mặt các cán bộ cao cấp toàn quân, ngày 11-5-1969. Ảnh tư liệu

1. Đảng phải thật trong sạch thì mới thật vững mạnh

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng. Theo Người, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh, nhất là khi đã trở thành Đảng cầm quyền, phải thường xuyên giáo dục cán bộ đảng viên về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có dũng khí và bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân - thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nguy hiểm nhất.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh với chính mình, phải thường xuyên, lâu dài, suốt đời, phải tự mình vượt qua không ít khó khăn, phức tạp, đầy thử thách gian nan và sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Muốn “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “tẩy sạch quan liêu, tham nhũng” thì phải ra sức thực hành đạo đức cách mạng trong toàn Đảng, với từng đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ, quyền hành. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự mẫn cảm đặc biệt, Người đã nêu lên một tư tưởng lớn: phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, phải thường xuyên giữ vững và củng cố bền chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, phải ra sức thực hành dân chủ và đoàn kết, thật thà tự phê bình và phê bình, kỷ luật, kỷ cương của Đảng phải thật nghiêm minh. Đó là sức mạnh làm cho Đảng thật trong sạch, làm tròn trọng trách lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành, là công bộc tận tụy của nhân dân. Do vậy, trong quan hệ với dân, từ lời nói đến việc làm, từ nhận thức đến hành động, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải làm sao cho “dân tin, dân phục, dân yêu”; dân tự hào về Đảng, gọi Đảng là “Đảng của mình”. Đó là thước đo về uy tín và ảnh hưởng xã hội rộng lớn của Đảng trong lòng dân, tỏ rõ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, có nội dung toàn diện, không chỉ về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà còn phải đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng, về văn hóa và thực hành văn hóa trong Đảng. Đây thực sự là điều cốt yếu trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng, về đạo đức và văn hóa của Đảng Cộng sản cầm quyền. Chung đúc lại, đó là văn hóa, văn hóa Hồ Chí Minh - văn hóa ở đời và làm người. Ở đời thì phải thân dân, không chỉ là gần dân mà còn phải “kính trọng, lễ phép với dân”1, tin dân, hiểu dân, học hỏi dân, hết lòng thương yêu, một lòng một dạ phục vụ nhân dân như phục tùng một chân lý cao nhất, bởi “dân là gốc của nước”, bởi ngoài việc phấn đấu hy sinh vì lợi ích và quyền làm chủ của dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về văn hóa dân chủ, điển hình nhất về thực hành dân chủ, trọng dân gắn liền với trọng pháp.

Làm người thì phải chính tâm. “Chính tâm” trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Đó là bốn đức để thành người, để làm người; thiếu một đức thì không thành người. Song trên thực tế, con người không phải thánh thần, ai cũng là con người của đời thường, có hay có dở, có tốt có xấu, có ưu có khuyết, “nhân vô thập toàn”. Phải làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái dở, cái xấu thì mất dần đi. Giáo dục và thực hành đạo đức, văn hóa nhằm phát triển cái thiện, đẩy lùi cái ác, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách theo hệ giá trị văn hóa: Chân - Thiện - Mỹ. Đạo đức, nhân cách của người đảng viên cộng sản càng phải như vậy, thực sự là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo. Người nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đảng viên tốt thì chi bộ sẽ mạnh. Chi bộ mạnh thì toàn Đảng mới mạnh, Đảng mới thực sự là đạo đức, là văn minh.

Ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm cho mỗi đảng viên thực sự là một chiến sĩ tiên phong, Đảng thật trong sạch, là đạo đức, là văn minh, là tư tưởng nổi bật, xuyên suốt và nhất quán trong các tác phẩm lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh mà Di chúc là sự kết tinh cao quý đó.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Di chúc

Trong những lời để lại cho đồng bào và đồng chí trước lúc đi xa, Người đặt vấn đề đầu tiên là Đảng, nhấn mạnh vào xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây thực sự là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, là nhân tố quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người không chỉ nói trực tiếp về xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức mà còn đề cập tới hoạt động của Đảng trên tư cách Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ đối với dân tộc và nhân dân.

Khoa học - cách mạng và nhân văn là những thuộc tính bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về xây dựng Đảng mà nổi bật là: Đoàn kết trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi; phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Chỉ với những mệnh đề ngắn gọn, giản dị vậy thôi mà chứa đựng, biểu đạt được nội dung tư tưởng lớn lao về xây dựng Đảng. Đó là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong chiều sâu của tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đoàn kết và dân chủ, tự phê bình và phê bình là kết quả tổng hợp của chính trị, khoa học và đạo đức. Đó cũng chính là thước đo văn hóa của Đảng, của từng tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong Di chúc nổi bật những điểm cốt yếu:

Thứ nhấtkhẳng định Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện trọng trách lãnh đạo Nhà nước, xã hội (dân tộc và nhân dân) thực hiện lý tưởng, mục tiêu cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đã minh chứng: Không chỉ được dân tộc và nhân dân ủy thác cho Đảng sứ mệnh cao cả thiêng liêng đó, mà còn được Hiến pháp thể chế hóa, định chế hóa nhằm khẳng định địa vị pháp lý của Đảng cầm quyền. Đảng ta cầm quyền một cách chính danh, chính đáng và xứng đáng trong sự thừa nhận của nhân dân, cầm quyền một cách hợp hiến, hợp pháp, được ghi nhận công khai trong Hiến pháp của Nhà nước, điển hình là Hiến pháp năm 2013.

Tư tưởng về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền thật trong sạch của Hồ Chí Minh trong Di chúc kết tinh từ rất nhiều tác phẩm lý luận khác của Người về Đảng và xây dựng Đảng, từ tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta mà Người giữ trọng trách cao nhất. Khái quát hóa lý luận Đảng cầm quyền là sự phát triển, nâng cao từ lý luận về xây dựng “Tư cách Đảng chân chính cách mạng” gồm 12 điều trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết năm 1947. Đầu năm 1949, Bác viết tác phẩm “Đảng ta”; Người ghi rõ “Tặng các đồng chí chi bộ” với dụng ý để tăng cường sức chiến đấu của Đảng, phải rất chú trọng chất lượng chi bộ, chất lượng đảng viên từ cơ sở - những tế bào làm nên cơ thể sống của Đảng.

Lý luận Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong Di chúc còn là sự phát triển tiếp tục luận đề tư tưởng quan trọng của Người năm 1960 khi Đảng ta tròn 30 tuổi: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đạo đức trong sáng đảm bảo cho lý luận cách mạng được đúng đắn. Từ khi Đảng còn chưa ra đời mà Người đã nhạy cảm trù tính rằng: Đảng cách mạng muốn thực sự chân chính, người cách mạng muốn thực sự trung thành đến cùng với sự nghiệp cách mạng thì phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Tầm nhìn chiến lược và dự báo này cho thấy thiên tài tư tưởng lý luận của Hồ Chí Minh.

Thứ haitrong điều kiện cầm quyền, Đảng phải đặc biệt chú trọng đạo đức cách mạng của đảng viên và thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Đạo đức trong Đảng phải tiêu biểu cho văn hóa đạo đức, trong quan hệ giữa Đảng với dân, trong quan hệ giữa các đồng chí với nhau, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Dân chủ và đoàn kết dựa trên đạo đức cách mạng trong sáng và cùng với đạo đức làm cho Đảng trong sạch và xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người từng nhấn mạnh tới sự gương mẫu và đức nêu gương. Gương mẫu của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp với lòng dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Đó còn là trách nhiệm của Đảng đối với cuộc sống của dân, đối với sự phát triển của đất nước.

Thứ bakhi tình hình mới, nhiệm vụ mới xuất hiện, yêu cầu mới đặt ra, xây dựng Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao. Muốn vậy, phải chống chủ nghĩa cá nhân để tăng cường đạo đức cách mạng, phải nhạy bén với cái mới và sẵn sàng đổi mới. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nói tới đổi mới như một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, lỗi thời hư hỏng, xây dựng cái mới tốt tươi, tiến bộ và phát triển. Theo Người, “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu, đổi ra cái tốt”.

Trong phần cuối của Di chúc, Người nói đến “điều mong muốn cuối cùng”, đó là tâm nguyện của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đảng có trọng trách lãnh đạo dân tộc và nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tâm nguyện của Người trong Di chúc và tư tưởng của Đảng ta về xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh (năm 1991, bổ sung và phát triển năm 2011) cũng như trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI và XII. Để thực hiện thành công lý tưởng, mục tiêu ấy, Đảng phải thật trong sạch, vững mạnh, phải ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, Đảng tự đổi mới chính mình, đi tiên phong trong đổi mới để thúc đẩy đổi mới xã hội.

3. Năm mươi năm thực hiện lời thề thiêng liêng khi vĩnh biệt Bác kính yêu

Tại Lễ truy điệu trọng thể vĩnh biệt Người trên Quảng trường Ba Đình sáng ngày 09-9-1969, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư đọc có 5 lời thề thiêng liêng trước anh linh của Người. Nội dung 5 lời thế ấy gắn chặt với nội dung Di chúc. Đó là: (1). Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người. (2). Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào. (3). Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. (4). Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. (5). Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng không sợ gian khổ, không sợ hy sinh,… mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng.

50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức thực hiện những lời dạy của Người trong Di chúc thông qua việc giữ trọn trong tâm khảm và thực hiện bằng hành động 5 lời thề thiêng liêng đó. Chúng ta đã làm thỏa lòng mong ước của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đại thắng mùa Xuân 1975. Thực hiện ý nguyện của Người, sau chiến tranh chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đã và đang được trở thành hiện thực. Thành tựu đó là nhờ công sức lao động sáng tạo của toàn dân, sự cống hiến hy sinh, vượt mọi khó khăn thử thách của toàn dân với vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của lực lượng vũ trang mà sinh thời Người đã dày công gây dựng, giáo dục và rèn luyện. Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện lời Bác dạy “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”, một lòng một dạ “Trung với Đảng, trung với Nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, thực hiện sáu điều Người dạy về tư cách người Công an cách mạng, đã đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Tất cả chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã ra sức xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ, từ tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, nỗ lực tìm tòi nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng chú trọng công tác xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà còn về đạo đức, đẩy mạnh giáo dục và thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên theo chỉ dẫn của Người. Từ Đại hội X của Đảng đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân được Đảng ta thường xuyên chỉ đạo thực hiện, nhấn mạnh vào vai trò tiên phong gương mẫu, nêu cao trách nhiệm của đảng viên, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Nhờ đó, tạo xung lực mạnh mẽ làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu, củng cố mối liên hệ máu thịt với nhân dân, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và không ngừng chăm lo đời sống nhân dân, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng còn không ít những hạn chế, yếu kém cần phải ra sức khắc phục, nhất là trong công tác xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng đã chỉ ra. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta nêu cao dũng khí tự phê bình và phê bình, công khai nói rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đã làm rõ thực trạng đáng lo ngại đó đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đồng thời, chỉ ra nguyên nhân, xác định nhóm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu bật tầm quan trọng, nội dung, biện pháp cần thiết trong xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền xây dựng với chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra 27 biểu hiện cần phải phòng, chống và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, mãi là đạo đức, là văn minh đang là tiêu điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu của mọi nhiệm vụ hiện nay.

4. Một số giải pháp chủ yếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mãi là đạo đức, là văn minh theo Di chúc của Người

Đẩy mạnh giáo dục nhận thức trong toàn Đảng và tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là giá trị và ý nghĩa bản Di chúc của Người. Đó là Quốc bảo và Pháp bảo của chúng ta, tài sản tinh thần vô giá của Đảng, của dân tộc. Mọi thế hệ đảng viên và người Việt Nam phải ra sức thấm nhuần những chỉ dẫn của Người, ra sức thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cách mạng, Tổ quốc, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong Đảng phải ra sức giáo dục và đẩy mạnh thực hành đạo đức, lối sống, trọng danh dự, liêm sỉ, nêu cao trách nhiệm, nêu gương liêm chính. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, thực hiện tốt các quy định về nêu gương, nhất là Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, có tầm chiến lược, phải trở thành nhu cầu văn hóa của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.

Từ nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, cần phải mở rộng và nâng cao ở tầm văn hóa đạo đức - chính trị - dân chủ trong Đảng, tạo ra sức mạnh của văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là hiện nay, khi Đảng ta đã có chủ trương tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh, chuẩn bị Báo cáo chính trị cho Đại hội XIII của Đảng, cần sớm xây dựng các luận cứ khoa học về sự cần thiết, tất yếu, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng Đảng về văn hóa. Đảng mãi là đạo đức, là văn minh thì Đảng phải thực sự tiêu biểu về văn hóa. Với Đảng và cán bộ, đảng viên phải đặc biệt chú trọng văn hóa trọng liêm, trọng sỉ, đề cao lương tâm, danh dự, kỷ luật kỷ cương, chân lý - đạo lý và vị tha, nhân ái, khoan dung. Trong quan hệ Đảng với Dân phải trọng dân gắn liền với trọng pháp; ra sức thực hành dân vận, sao cho dân tin, dân phục, dân yêu. Niềm tin của dân là tài sản tinh thần quan trọng nhất của Đảng; mức độ hài lòng của dân là thước đo hiệu quả công việc, uy tín của cán bộ, đảng viên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thường xuyên giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đây là mắt xích rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng nhưng trên thực tế lại chưa được quan tâm đúng mức. Cần khai thác triệt để những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh qua 12 điều xây dựng Đảng trong “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), trong các bài báo nổi tiếng của Người, như: “Dân vận” (năm 1949), “Đảng ta” (năm 1949), Bản “Di chúc” của Người, “Đạo đức cách mạng” (năm 1958 và 1969), nhất là trong giáo dục đảng viên trẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh các vụ án tham nhũng theo đúng pháp luật, trừng trị tham nhũng như trừng trị một tội ác, phản quốc, hại dân, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đó thực sự là tuyên chiến với cái ác, cái xấu lớn nhất để bảo vệ cái thiện lớn nhất - đó là mục tiêu phấn đấu, giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh, lấy sức mạnh của Đảng từ lòng dân.

Dựa vào dân để xây dựng Đảng theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo môi trường lành mạnh, tạo điều kiện, nhất là thực hành dân chủ rộng rãi để dân góp ý, phê bình, kiểm tra, giám sát các công việc của Đảng, việc làm, hành vi, lối sống, ứng xử của cán bộ, đảng viên.

Đó là năm giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện để Đảng ta mãi là đạo đức, là văn minh.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Hồng Nhung (st)

          __________

* Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân, từ số 4-2019.
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 499.
(Số sau: III. Rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên)

Bài viết khác: