Cách đây 66 năm, ngày 20-11-1946, trên Báo Cứu quốc số 411, Bác Hồ đã viết bài “Tìm người tài đức”. Bài báo khẳng định: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Với tư cách Chủ tịch Chính phủ Việt Nam, Bác Hồ tự nhận khuyết điểm đã không thấy hết được các bậc hiền tài, khiến cho họ không thể xuất thân: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Tiếp đó, Bác giao nhiệm vụ cho các địa phương phải nhanh chóng tìm những người tài đức và báo cáo ngay cho Chính phủ: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Văn bản “Tìm người tài đức” của Bác Hồ là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương trọng dụng nhân tài, chẳng những có giá trị trọng đại lúc đương thời, mà còn có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với sự hưng thịnh của đất nước và dân tộc muôn đời sau. Đấy là tầm nhìn chiến lược, thực sự cầu thị, hết sức sáng suốt và đúng đắn của Bác về vấn đề nhân tài. Bởi Bác thấy rất rõ, rất sâu vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời thể hiện một cách chân thành tư tưởng trọng dụng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ”, vốn là bản chất cao cả của các bậc vĩ nhân.
Từ lời kêu gọi của Người, nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước đã theo Đảng, Bác Hồ, đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình. Từ các vị quan chức cấp cao của triều Nguyễn như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe... các bậc danh nho như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố... đến các trí thức tài giỏi như: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng… đều xuất thân giúp nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, tiêu biểu nhất về việc trọng dụng nhân tài. Tư tưởng tìm và trọng dụng người tài của Bác cần tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ cán bộ của chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.
Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)