''Bác Hồ - Người là tình yêu tha thiết trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam.'' Bác Hồ - vị cha già dân tộc muôn vàn kính yêu đã rời xa chúng ta đến nay đã hơn 40 năm.Trước lúc đi xa, Người để lại bản ''Di chúc'' với muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và căn dặn những công việc phải làm.
Bác Hồ viết Di chúc nhân kỷ niệm 75 tuổi, trong điều kiện tinh thần minh mẫn và sáng suốt. Trong vòng 4 năm, Bác Hồ đã 5 lần sửa chữa bản thảo và lần cuối vào ngày 10 tháng 5 năm 1969, khi ấy Bác ở tuổi 79. Di chúc được công bố sau khi Bác mất (9/1969), sau này được công bố toàn văn.
Người viết Di chúc có 3 phần. Phần mở đầu như một tuyên ngôn về lý do Người viết Di chúc: đó là lời khẳng định sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả nước và nhiệm vụ của Người sau khi đất nước thống nhất. Phần nội dung là toàn bộ những lời căn dặn lại đối với Đảng, Nhà nước và đồng bào chiến sĩ về những việc cần phải làm để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Phần kết luận: Đó là lời vĩnh biệt và mong muốn cuối cùng của Người trước lúc đi gặp các cụ CácMác – Lênin.
Toàn bộ tác phẩm ''Di chúc'' mà Người để lại có rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về vấn đề chăm lo thế hệ cách mạng cho đời sau. Ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, cùng với việc tổ chức ''Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng'', gửi người học vào trường Quân sự Hoàng Phố, cử đi đào tạo tại Matxcơva, Bác đã trực tiếp nuôi dạy nhóm thanh niên Việt Nam từ Thái Lan sang, tất cả đều mang họ Lý của Lý Thụy (tên hoạt động của Bác Hồ), trong đó Lý Tự Trọng đã trở thành người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, được Đảng cử về nước để chuẩn bị tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản sau này. Cho đến những năm tháng cuối đời trong ''Di chúc'', phần viết về ''Đoàn viên và thanh niên ta'', Bác Hồ tha thiết căn dặn ''Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa ''hồng'' vừa ''chuyên''. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết''. Tư tưởng này của Người là sự kế thừa quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin. Mác viết: ''Bộ phận giác ngộ nhất trong giai cấp công nhân nhận thức rõ ràng tương lai của giai cấp họ và do đó, tương lai của cả loài người, hoàn toàn phụ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên''. Lênin viết:''Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa chính là của thanh niên''...'' Chỉ có cải tổ triệt để việc tổ chức và giáo dục thanh niên thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ, đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản''Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Nói một cách khác, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp ''trồng người'' là một chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, một quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. ''Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người''. Người không nói những điều to tát, nhưng thật thấm thía ''Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu''. ''Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em''.
Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do thanh niên. Thanh niên là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai, là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng cơ bản trong quân đội, công an, dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự an ninh, tổ quốc. Thanh niên là cầu nối giữa các thế hệ: Kế tục sự nghiệp của lớp người đi trước đồng thời bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ đàn em...Do đó, một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Bởi không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng một chế độ xã hội mới và bảo vệ Tổ quốc thành công trong điều kiện văn hóa, dân trí, đạo đức, tinh thần xã hội lại thấp kém.
Sự nghiệp cách mạng, sứ mệnh của Đảng thì lâu dài mà cuộc đời của mỗi thế hệ thì ngắn ngủi. Bác nói ''Theo quy luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thì ai gánh vác công việc của Đảng?''. Bởi vậy, chăm lo ''bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau'' là một việc làm kiên trì suốt đời của Bác Hồ.
''Muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa''. Thực hiện theo lời căn dặn của Hồ Chủ tịch trước lúc đi xa, ngày nay chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc chăm lo ''bồi dưỡng cách mạng cho đời sau'', nhất là ở thời điểm chủ nghĩa xã hội đang thoái trào, hệ chủ nghĩa xã hội đang bị hạ thấp, xuyên tạc, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền...đang làm suy giảm niềm tin của thế hệ trẻ vào tương lai của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, để đào tạo các thế hệ chiến sĩ cách mạng cho đời sau cũng không chỉ nhấn mạnh một mặt riêng lẻ nào, nghĩa là phải đủ cả ''hồng'' và ''chuyên'' mà phẩm chất hàng đầu cần có ở họ là sự trung thành với lý tưởng, ý chí kiên định đấu tranh cho thắng lợi của lý tưởng và phải có đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư bằng những công việc cụ thể và thiết thực hết sức có ý nghĩa như: phong trào thanh niên tình nguyện, tham gia xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đền ơn đáp nghĩa, đưa ánh sáng văn hóa đến các vùng sâu, vùng xa... để làm gương, lôi cuốn quần chúng. Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là làm cho họ kế thừa được chí lớn của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ, đánh bại âm mưu phá hoại của kẻ thù, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến thành công, nhanh chóng đưa Việt Nam lên hàng các quốc gia phát triển của khu vực và trên thế giới. Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Ngày hôm nay thanh niên chúng ta cần noi theo tấm gương và những lời căn dặn của Người, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh những giá trị mới nhất của thời đại văn minh trí tuệ - thời đại công nghệ thông tin phát triển và những điều kiện thuận lợi khác đem lại, phấn đấu trở thành những nhân tài thuộc nhiều lĩnh vực, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như sinh thời Bác Hồ đã từng mong mỏi.
Mặc dù Người đã đi xa hơn 40 năm, nhưng Người đã để lại cho chúng ta muôn vàn tình thương yêu và lòng kính phục. Có thể khẳng định rằng ''Di chúc'' của Người trở thành một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Hơn 40 năm – sức sống của bản ''Di chúc'' mãi mãi vẫn là tấm gương cho con đường cách mạng của Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Bùi Thị Mỹ Lệ
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
Tâm Trang (st)