Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến phong trào “Người tốt, việc tốt”

Ngày 24-11-1954, trên Báo Nhân Dân số 271, với bút danh C.B, Người viết bài “Việc nhỏ, ý nghĩa to”, nêu ý kiến nhận xét nhân việc các báo ở Thủ đô Hà Nội đăng tin nêu gương người tốt, việc tốt. Người yêu cầu “cần khen thưởng đúng mức để động viên mọi người hăng hái làm việc ích nước lợi nhà”.

Năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác yêu cầu báo Đảng và của các đoàn thể mở ra mục: “Người tốt, việc tốt”. Bác nói: Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì được khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng Huy hiệu.

Theo Bác Hồ, “người tốt, việc tốt”, là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp của dân tộc. Người cho rằng, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người” của nhân dân ta.

Người minh họa, có cháu gái tên là Xuân ở Quảng Bình đã chiến đấu dũng cảm, góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Có những cụ ông, cụ bà chuyên nhận những con trâu ghẻ, trâu gầy của hợp tác xã chăn nuôi thành những con trâu béo khỏe có thể kéo cày, kéo gỗ được. Hay, hai cô con gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa đường trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni-lông của mình ra đậy gạo cho Nhà nước. Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta.

Theo Bác, một người phải biết học nhiều người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là một cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục. Chính những tấm gương người tốt việc tốt là động lực để mọi người cùng nhau phấn đấu, để cùng nhau trở thành những bông hoa trong vườn hoa người tốt việc tốt, cùng nhau trở thành những anh hùng đấu tranh dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Theo Báo Hải Dương online

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: