Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là nội dung cơ bản, xuyên suốt, một nguyên tắc quan trọng nhằm nâng cao sức chiến đấu toàn diện, sức mạnh tổng hợp của quân đội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là Quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”1.
Thực tiễn 75 năm qua, với sự lớn mạnh của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh sự vững mạnh về chính trị là một nguyên tắc xuyên suốt, quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của quân đội, cũng như tính chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị chính là quá trình xác lập, củng cố hệ tư tưởng của Đảng trong Quân đội, trên cơ sở đó, xuất phát từ thực tiễn lực lượng, vận dụng, hoạch định đường lối chính trị đúng đắn; lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đó; củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín chính trị, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc căn bản, là điều kiện tiên quyết trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Chính trị của quân đội vận động phụ thuộc vào điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Điều kiện khách quan là lợi ích cơ bản của giai cấp, nhà nước tổ chức ra quân đội. Nhân tố chủ quan là hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn tuyên truyền, giáo dục mục tiêu lý tưởng chiến đấu, xây dựng đội ngũ sĩ quan, ban hành các chính sách, pháp luật của giai cấp, nhà nước; là bản lĩnh, trình độ tổ chức của giai cấp, nhà nước trong phòng, chống những âm mưu, hành động phá hoại của kẻ thù nhằm làm suy giảm lòng trung thành, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Nhân tố cơ bản quyết định bản chất chính trị của quân đội là quyền lãnh đạo, hiệu lực lãnh đạo của giai cấp cầm quyền đối với quân đội.
Chính trị trong xây dựng quân đội theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chính trị mang bản chất cách mạng và khoa học theo lập trường giai cấp công nhân. Đó là chính trị được thể hiện ở chính cương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, dựa trên hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước mà quân đội phải ra sức học tập và nghiêm chỉnh chấp hành. Biểu hiện tập trung nhất chính trị của quân đội ta là tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Riêng về cán bộ, chiến sỹ quân đội thì: “Chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”2. Chính trị của quân đội ta còn được thể hiện sâu sắc thông qua các mối quan hệ trong nội bộ quân đội và quan hệ của quân đội với các tổ chức đoàn thể cách mạng, với nhân dân, với quốc tế và với kẻ thù.
Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, là nhằm không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; làm cho quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Trong tác phẩm “Thưởng thức chính trị", Người khẳng định phải: “Xây dựng quân đội - một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật. Phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng”3.
Nội dung xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những vấn đề sau:
Thứ nhất, không ngừng xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. Đây là nội dung cơ bản, cốt lõi nhất trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Do đó, cần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào đời sống tinh thần và trở thành kim chỉ nam trong nhận thức, hành động của mọi tổ chức, cá nhân trong quân đội. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục. Cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất và truyền thống cách mạng”4.
Bản lĩnh chính trị là ý chí tự quyết định một cách độc lập thái độ và hành động của từng cán bộ, đảng viên, từng quân nhân, không vì áp lực bên ngoài, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ, không ngại hi sinh khi cần thiết, không bị danh lợi, tiền bạc làm nhụt ý chí mà xa rời mục đích lý tưởng của Đảng. Lòng trung thành là một phạm trù đặc biệt quan trọng trong lực lượng quân đội, nó phản ánh thái độ, niềm tin, cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân trong lực lượng đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội.
Bản lĩnh chính trị, lòng trung thành không tự nhiên mà có, cũng không nhất thành bất biến, mà luôn gắn với thực tiễn, với sự phát triển của đời sống xã hội. Chính vì vậy, không ngừng xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân cho toàn lực lượng, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung đầu tiên, cần thiết trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị.
Thứ hai, xây dựng hệ thống các tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam (tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, hệ thống cơ quan chức năng) vững mạnh về chính trị. Các tổ chức trong quân đội được xây dựng, kiện toàn trên cơ sở đúng nguyên tắc, quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tinh gọn, hoạt động đúng chức năng và có hiệu quả. Về tổ chức quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”5, “nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng”6, kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Thứ ba, xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ và các lực lượng khác trong quân đội. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của cuộc đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có các phẩm chất: “Trí, dũng, liêm, trung”. Người đặt “trí” lên hàng đầu. Theo Bác, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hóa, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng. Vì vậy, Người căn dặn: “Từ nay, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, Quân đội nhân dân ta phải: - Ra sức thi đua diệt giặc lập công. - Ra sức giúp đỡ đồng bào nông dân thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và của Chính phủ. - Cố gắng học tập chính trị và quân sự để tiến bộ mãi, để xứng đáng là quân đội cách mạng của nhân dân”7.
Thứ tư, xây dựng các mối quan hệ chính trị - xã hội của quân đội thực sự dân chủ, đoàn kết và kỷ luật. Đặc biệt là xây dựng mối quan hệ giữa lực lượng quân đội với nhân dân. Quan hệ giữa quân đội với nhân dân, là quan hệ nền tảng, cội nguồn sức mạnh của quân đội: “Cán bộ và chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”8. Vì vậy, cần làm mọi cán bộ, chiến sỹ quân đội hiểu rõ nhân dân là cội nguồn sức mạnh của quân đội; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; luôn tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Vì thế trong bài viết “Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt”, một mặt, Người căn dặn Quân đội ta: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”9. Và Người giải thích cặn kẽ hơn: “Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc”10.
Thứ năm, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị còn là quá trình đấu tranh, phòng, chống suy thoái về chính trị trong nội bộ đảng và lực lượng quân đội; đấu tranh các âm mưu, hoạt động chống phá đường lối chính trị của Đảng.
Chưa bao giờ công tác bảo vệ đường lối chính trị cũng như đấu tranh bảo vệ cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch lại cấp bách và cần thiết như hiện nay. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nói chung và của lực lượng quân đội nói riêng. Vì vậy, cần phải có giải pháp ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng, chính trị, sự đồng thuận trong xã hội.
Trước hết phải coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong toàn lực lượng. Coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chỉ đạo chặt chẽ của tất cả các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị, và lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh của Tổ quốc.
Cần phân biệt và nhận rõ các dạng quan điểm sai trái, những luận điệu thù địch để có những đối sách phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - một thứ giặc nội xâm nguy hại để giữ vững niềm tin của nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ đó củng cố nhận thức chính trị, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp sự đồng thuận xã hội trong cộng đồng dân tộc, củng cố và tăng cường thế trận lòng dân vững chắc. Góp phần bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân, tăng cường sức đề kháng làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”... của các thế lực thù địch.
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội là xây dựng tất cả các mặt, các nội dung cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội, không được coi nhẹ một nội dung nào, trong đó phải lấy xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở. Đây là vấn đề rất cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, quân đội của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Xây dựng quân đội về chính trị không những nhằm trực tiếp xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, sức mạnh cơ bản của quân đội ta, mà còn là tạo cơ sở xây dựng quân đội ta trên các mặt khác; làm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đồng thời đủ sức làm tròn phận sự trung thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
ThS. Dương Quốc Thành,
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước,
Học viện An ninh nhân dân
Tài liệu tham khảo:
1. Bài nói chuyện tại Trường Chính trị Trung cấp Quân đội", ngày 25-10-1951, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.217-219
2. Sđd,Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.319
3. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.265; tr.373
4. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.435
5. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.500; tr.500
6. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.500; tr.500
7. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.265; tr.373
8. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.435
9. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.334-335
10. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.334