Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Sinh thời, Người đặc biệt coi trọng và luôn quan tâm đến xây dựng nền y học Việt Nam và y đức của người thầy thuốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Ngành y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam “Lương y phải như từ mẫu”, phải là người mẹ hiền; phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”.
Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”1. Nhiệm vụ của ngành Y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Người viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953. Người cho rằng: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”2. Hồ Chí Minh yêu cầu: Cán bộ y tế nên thực hiện điều này. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953 Người viết: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh…”3. Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như một mẹ hiền. Trong lời căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”, Bác dùng chữ “phải” với mong muốn nhấn mạnh, người thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền, phải hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như dịu dàng, tận tình, chu đáo, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu, như vụ lợi, tiêu cực, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với người bệnh, tắc trách trong công việc. “Lương y phải như từ mẫu” là cốt lõi của đạo đức ngành Y.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện thành phố Nam Định (ngày 22-5-1963). (Ảnh: TTXVN)
Sinh thời, Người chủ trương xây dựng một nền Y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ ngành Y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại, của các nước trên thế giới. Người thường xuyên căn dặn: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây. Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Bởi vậy, cả ngành Y và người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, nhà vệ sinh, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi… Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế, tháng 02-1955, Bác chỉ rõ: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân”4. Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành Y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người.
Bác Hồ nói chuyện thân mật với giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước (bên trái) - người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam và các trí thức ngành Y (tháng 3-1964). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Hiện nay, nhất là khi cả nước ta đang tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 “như chống giặc”, cần tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Y và đạo đức của người thầy thuốc.
1. Thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng của người thầy thuốc. Đây vừa là định hướng vừa là yêu cầu nhiệm vụ ngành Y. Bởi lẽ, đạo đức nói chung và y đức nói riêng phải được xây dựng từng bước một cách tự giác thông qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Đồng thời thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các y, bác sĩ là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho người thầy thuốc hiện nay.
2. Xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về y đức ở các bệnh viện hiện nay. Đây vừa là định hướng vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng ngành Y thời kỳ mới và hoàn thiện nhân cách cho người thầy thuốc và y đức cách mạng cho họ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Ngành Y, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc, tạo động lực giúp cán bộ y, bác sĩ vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng phấn đấu “vừa hồng, vừa chuyên”.
Ngày nay, trước tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới, quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng y đức Hồ Chí Minh trở thành phương châm hành động cụ thể; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam. Ngành Y và đội ngũ cán bộ y, bác sĩ cần tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học của y học thế giới vào hoạt động khám, chữa bệnh. Rèn luyện y đức, vững vàng bản lĩnh chính trị, đấu tranh với những cám dỗ, tiêu cực để bảo vệ sự trong sáng, giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc Việt Nam. Đó là việc làm vừa thường xuyên, liên tục, cấp bách, lâu dài của ngành Y, của người thầy thuốc Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh; mãi mãi xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân
Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)
----------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.487
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.154.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.154.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.419.