Nhận thức rõ bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quyền lực của Nhà nước là của nhân dân, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Trong tổ chức bộ máy Nhà nước có thang, bậc, quyền hạn khác nhau nhưng đều là một công cụ thể hiện quyền lực nhân dân. Cán bộ từ trên xuống dưới làm đầy tớ cho nhân dân, phải xứng đáng là người công bộc trung thành của nhân dân. Người đặc biệt chú ý tới việc thực hiện quyền lực của nhân dân ở cơ sở.TTHCM ve dan chu co so

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958)

Từ quan niệm “mọi lực lượng đều ở nơi dân”, nhìn thấy và tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, nên Người yêu cầu phải “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Để nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tư cách là người chủ thực sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn: Vì nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người luôn ý thức rằng: Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người đã khẳng định: Kách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ cơ sở nhận thức khoa học: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề đoàn kết tập hợp được đông đảo nhân dân. Đảng dù vĩ đại đến mấy cũng chỉ là một bộ phận của nhân dân, một bộ phận tiên phong, tiên tiến nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: Dân chủ là vì dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Người nói: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta hết sức tránh”. Đó cũng chính là mục đích của Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt quá trình cách mạng. Cái cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Người nói: “Lãnh đạo một nước mà để cho nước mình lạc hậu, bị thiệt thòi trong hưởng hạnh phúc con người cũng là mất dân chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Người đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc chúng ta: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cuộc sống làm đầu, chế độ ta là chế độ của dân, do dân. Dân theo Đảng đứng lên đánh đuổi kẻ thù giành lấy chính quyền mà có được. Các cấp chính quyền và đoàn thể từ trung ương đến địa phương, cơ sở là do nhân dân bầu cử ra. Do vậy, mỗi cán bộ phải vì dân, hết lòng phục vụ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo Người, phương thức cơ bản của dân chủ cơ sở là “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ và phương pháp làm việc là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị, Người đã đưa ra một quy định làm việc khoa học như sau: Trước hết phải làm cho dân biết, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ rằng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khơi dậy sức mạnh của nhân dân bằng cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm, quyền hạn và bổn phận. Lợi ích của mỗi người dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn và nhờ vào vị thế của họ đã giành được trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh, mất mát để giành lấy độc lập, tự do, để trở thành người chủ và làm chủ xã hội. Thấy rõ được vai trò, vị trí của nông dân, nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển của nền dân chủ trong một nước nông nghiệp lạc hậu như ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bao giờ nông thôn, nông dân thực sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới dân chủ thực sự”. Sau những diễn biến phức tạp của xã hội nông thôn Việt Nam xuất hiện những điểm nóng ở nông thôn như năm 1998, 1999, 2011, 2012, chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao trong chỉ dẫn đó của Người.

Theo Người, khi dân đã được biết, được hiểu thì phải tạo điều kiện cho dân được bàn bạc thực sự, bàn tất cả mọi vấn đề và mọi người đều được tham gia bàn bạc. Cần hiểu rõ nguyện vọng của dân. Họ muốn được tôn trọng, được bày tỏ ý kiến. Sau khi dân được biết, được hiểu, được bàn bạc và được xây dựng kế hoạch của địa phương mình, cơ sở mình, họ sẽ dùng chính sức lao động của họ vào những việc làm, hành vi, nhiệm vụ cụ thể một cách tự giác… Lúc này nhiệm vụ của lãnh đạo là “động viên và tổ chức cho toàn dân ta thi hành, phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”, phải biết “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” có như vậy mới động viên được đông đảo nhân dân tích cực tham gia và thực hiện mọi kế hoạch của địa phương cơ sở.

“Khi thi hành xong phải cùng với nhân dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình tiến hành thực hiện dân chủ của mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương, cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc kiểm tra, rút kinh nghiệm là vô cùng quan trọng và cần thiết giúp chúng ta thực hiện tốt những nhiệm vụ khác. Dân kiểm tra cán bộ, cán bộ kiểm tra dân, dân và cán bộ cùng kiểm tra mọi hoạt động và lề lối làm việc sao cho dân chủ , cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên, nhất là phê bình từ dưới lên. Kiểm tra chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, được đánh giá một cách khách quan, được tiến hành bằng những giải pháp khéo léo, tinh tế mà Người gọi là “phải kín đáo”. Thanh tra chỉ có hiệu lực nếu được tiến hành một cách đột xuất và bất ngờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm kiểu mẫu cho phương pháp kiểm tra, thanh tra khoa học và có hiệu quả ấy. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên kêu gọi nhân dân giám sát công việc của Chính phủ từ Trung ương.

Dân chủ cơ sở cũng là một trong những tư tưởng cơ bản xuyên suốt trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng dân chủ của Người luôn xoay quanh cái cốt lõi: Dân là gốc. Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Người đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là thứ quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Điều đáng mừng là, hiện nay, chúng ta đang thực hiện dân chủ ở cơ sở, thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã và đang thực hiện tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của mình theo đúng đường lối của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đạt được những kết quả tốt./.

Theo Báo Hải Dương online

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: