Trên con đường dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, năm 1975 là một mốc son chói lọi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã toàn thắng khi lá cờ giải phóng tung bay phấp phới trên Dinh Độc Lập ở Sài Gòn vào trưa 30 tháng 4 năm ấy. Những ai đã trải qua tháng ngày ấy bây giờ nhớ lại vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Hình như âm hưởng mùa Xuân đại thắng vẫn còn đâu đây.

 loibac1

Nhân dân Sài Gòn dự mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Vâng, vẫn còn đó, tấm bản đồ Việt Nam đỏ thắm những mũi tấn công vũ bão và những vùng đất giải phóng thay đổi từng ngày, từng giờ. Vẫn còn đó, tin thắng trận dồn dập từ miền Nam bay về. Vẫn còn đó, niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt lóng lánh trên gương mặt bao người.

Vâng, vẫn còn đây những vần thơ dạt dào âm hưởng toàn thắng cuốn theo bước chân anh giải phóng quân và hòa trong nắng gió phương Nam. Những bài thơ cuồn cuộn hào khí thần tốc, rạo rực niềm vui chiến thắng còn để lại cho con cháu hôm nay những hình dung hoành tráng về mùa Xuân đại thắng 1975.

Bỗng nghe vần Thắng vút lên cao, Bác Hồ viết câu đó trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mấy năm, nhưng dẫu khi Người đã lên đường nhẹ bước tiên rồi thì thơ ấy vẫn là lời báo tiệp vọng vang trên khắp mọi miền đất nước và bốn biển, năm châu. Niềm tin chiến thắng từ Hồ Chí Minh đã lan tỏa và thấm sâu vào nhân dân như một sức mạnh to lớn mà không đạn bom tàn bạo nào có thể đè bẹp được: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào/ Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn (Hồ Chí Minh - Thơ chúc Tết 1969).

Với niềm tin tất thắng son sắt ấy, trong trận đánh cuối cùng, quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ. Khí thế ào ạt đó đã tràn cả vào thơ Phạm Tiến Duật: Khi lên xe ta chưa quen nhau/ Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn/ Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/ Chúng ta đi đường dài / Mấy trăm xe và mấy trăm người/ Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc/ Những trái tim xếp theo hàng dọc/ Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu. (Chim Lạc bay).

Trên dãy Trường Sơn trùng điệp, những người con gái, con trai đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép (Thơ Nam Hà) đã hẹn gặp nhau trong ngày vui đất nước: Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn (Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ). Một vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa lãng mạn mà sau này đã được âm nhạc chắp cánh bay lên thành ca khúc kháng chiến trữ tình không ít người yêu thích.

Vốn là một người lính thiết giáp, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa tài hoa, vừa nhạy cảm đã dựng thành công chân dung người chiến sĩ trong chiến dịch mang tên Bác với một chiều sâu tâm hồn rất trung thực và cảm động:

Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Đêm còn lạnh ở ngoài ta đấy bạn/ Ngoài ta độ nay đang giáp hạt/ Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt/ Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng/ Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ (Đường tới thành phố).

Trước ngày 30 tháng 4 lịch sử là những cuộc chuyển quân rậm rịch, là một đêm đợi chờ hồi hộp: Anh đang ở bên này thành phố/ Cách một mệnh lệnh/ Cách một trận đánh/ Cách một cây cầu/ Cách một đêm nay/…/ Thành phố càng gần/ Càng không dám nghĩ nhiều đến mẹ/ Phải cố quên mẹ ngồi đứng không yên/ Dù chỉ có anh và ngọn cỏ lúc này (Đường tới thành phố).

Bao nhiêu người lính như thế đã không được trở về với mẹ, họ chấp nhận hy sinh để cho Sài Gòn òa vỡ ra trong niềm vui giải phóng: Năm cánh quân từ năm hướng trở về / Thành phố đầy áo trận/ Ở cuối đường một vành lá vút qua/ Chỉ chờ thế là người xô như sóng… Và, trong cái nhìn cận cảnh hình ảnh anh bộ đội phong trần trận mạc xiết bao: Tháp pháo để trần lăm chăm vết đạn/ Dằng dặc đường về/ Mòn xích sắt vẫn quay nồng mùi đất/ Mặt đường hăng mùi cỏ ngoại ô / Đồng chí trưởng xe mình quấn đầy băng trắng/ Anh giơ tay cả thành phố động lòng/ Xạ thủ trung liên/ Quần áo màu rừng ngả sang màu đất / Đôi dép râu dẫn trước đội hình/ Hoa nhiều quá nhưng anh không kịp nhận… (Đường tới thành phố).

Hình ảnh anh bộ đội giải phóng trong ngày Sài Gòn giải phóng được khắc họa khá nhiều trong thơ ca thời ấy. Nguyễn Thành Vân trong bài thơ Ngôi sao trên đầu, khẩu súng trên vai đã rưng rưng ghi lại: Tôi bị vây tròn vòng ngoài vòng trong/ Tôi bị hỏi dồn, phía sau phía trước/ Cô bác nhìn tôi từ đầu đến chân/ Tôi phải trả lời bằng tay bằng mắt.

Hoàn toàn không có cảnh Sài Gòn bị dìm trong biển máu bởi lòng thù hận của cộng sản như sự xuyên tạc của kẻ thù. Một Sài Gòn giải phóng, một Sài Gòn hòa bình đã trở về với Tổ quốc thân yêu. Ước mơ Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực với Mùa xuân đại thắng 1975. Chỉ có những kẻ xâm lược và bán nước mới không trông mong ngày chiến thắng này, còn ai mang trong mình dòng máu Việt Nam được tô thắm bởi những Vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Hữu Cảnh, Hồ Chí Minh… đều coi ngày 30 tháng 4 là mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc. Chính những người từng ở bên kia chiến tuyến nay cũng phải thừa nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của ngày toàn thắng này. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tố Hữu đã hân hoan viết: Đường tiến quân ào ào chiến thắng/ Phía trước chờ anh, người mẹ mong con/ Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng/ Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn/ Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).

Cũng chính vì thế mà nhà thơ Xuân Sách khi dạo bước trên đường phố Sài Gòn đã lâng lâng cảm nhận: Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ/ Người đi vừa thật lại vừa mơ/ Nửa đời cầm súng đi đánh giặc /Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ (Trên đường phố).

Ngày 30 tháng 4 và Sài Gòn giải phóng đã trở thành bản giao hưởng Chiến thắng sau những tháng năm chiến đấu bất khuất kiên cường và bi thương khổ đau của dân tộc. Bao nhiêu máu, bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống đầm đìa trên con đường giải phóng đất nước. Cái giá của độc lập tự do, hòa bình thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Có phải vì thế mà khi được thưởng thức một đêm giao hưởng giữa Sài Gòn, nhà thơ Anh Ngọc đã xao xuyến với những liên tưởng rất đẹp: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa (Sài Gòn đêm giao hưởng).

Khẩu súng ngọn cờ đã trở thành linh vật tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử bi tráng đã qua của dân tộc. Những bông sen đã mọc lên từ mảnh đất Việt Nam thấm máu trở thành thông điệp giao hòa thân thiện của chúng ta. Sự tốt đẹp ấy đã được bắt đầu, được tính từ ngày 30 tháng 4 lịch sử mà âm hưởng hào hùng của nó còn vang vọng trong những vần thơ sinh ra cùng cái thời mãi mãi không bao giờ quên ấy.

Theo http://bienphong.com.vn

Huyền Trang (st)

 

 

Bài viết khác: