Trong không khí cả nước sôi nổi Tổng kết Nghị quyết 4 - khóa XI của BCH TƯ Đảng; tưng bừng kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân Văn hóa kiệt xuất, nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -219/5/2013). Trong lòng mỗi người chúng ta lại thầm nghĩ về Bác - trong sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Người, trong cuộc sống thanh tao, đạm bạc, ung dung, tự tại của Người; và với riêng mỗi chúng ta, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, những gì mà Bác Hồ đã ân cần nhắc nhở, dạy dỗ, vừa với tư cách là lãnh tụ, vừa là một nhà Văn hóa lớn, hơn bao giờ hết, lại càng trở nên sống động, da diết và tha thiết đến nhường nào.

bh-nghe-sy-a
Bác Hồ với các nghệ sỹ điện ảnh

Trong suốt nửa sau của thế kỷ XX cho đến tận hôm nay, những chỉ thị, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ nói chung và về sân khấu nói riêng, vẫn còn là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Đối với giới nghệ sĩ sân khấu, có một lời nhắn nhủ này của Bác - nghe có vẻ nôm na, giản dị, chân tình, nhưng không kém phần sâu sắc và đầy tính lý luận, đó là sau khi khen ngợi Tuồng là tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, rồi Bác lại thâm thúy nói tiếp - nhưng chớ gieo vừng ra ngô. Càng ngẫm nghĩ lời Bác, chúng ta càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc và từ thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quả thật, nhiều lúc chúng ta đã gieo vừng ra ngô mà không hề hay biết…       

Đó là có một thời kỳ cải tiến, cách tân dẫn đến phá Chèo, mà có người nói vui là chẹo, chéo, chẽo chứ không còn là Chèo nữa. Người ta biến Chèo thành Kịch có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa Ta lại cả vừa Tây. Người ta đưa cả ca khúc “sến”, với dàn trống Tây, kèn Tây, ghi ta Tây vào Chèo, lấy cớ là ăn khách, để bỏ đi hàng loạt các làn điệu, lời ca của Chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu... trong sáng tác âm nhạc. Nhưng rất may, sau một thời gian không lâu láo nháo như thế, chính người nghệ sĩ cũng đã nhận ra và tự điều chỉnh những quan niệm sáng tạo về những loại hình nghệ thuật đã có từ ngàn xưa của ông cha. Rõ ràng, đến nay, sự cách tân của Chèo - tiếp thu những tinh hoa của truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến - đã mang lại những hiệu quả mới, những dấu ấn mới, những chất liệu mới, mặc dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật, còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Cũng như Chèo, nghệ thuật Cải lương và Ca múa nhạc cũng qua những thời kỳ gieo vừng ra ngô như thế. Người ta không diễn Cải lương mà chỉ cần ca, ca thật hay, không chỉ đổ 6 câu vọng cổ, mà là bắn hàng trăm chữ liên hồi, liên tục. Rồi hóa trang, phục trang cứ như tích Tầu, La Mã - xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, kim sa, kim tuyến vô tội vạ. Trong Ca nhạc thì không còn là hát nữa, mà là hú hí điên cuồng, trang phục hở hang, khêu ngợi, nhảy nhót tán loạn, xập xí xập ngầu, vừa pha cả Úc, Phi, Mỹ, Á, Âu, ánh sáng lập lòe, khói bay mù mịt... Những người có tâm trong giới văn hóa, văn nghệ và khán giả thì không đồng tình. Báo chí, công luận lên tiếng kịp thời, đúng lúc. Vì thế, một trật tự, kỷ cương về văn hóa, văn nghệ đã dần được thiết lập - vừng phải trở lại đúng là vừng, chứ không phải là ngô nữa. Bài học chớ gieo vừng ra ngô của Bác Hồ lại càng thấm thía, sâu sắc hơn bao giờ hết…      

Chính từ những lời dạy gần gũi mà sâu sắc như thế, và thông qua cả cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người, nghệ thuật sân khấu, trong nhiều năm qua, đã cố gắng khắc họa chân dung của Bác, thông qua việc thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu chính là để nhìn lại một chặng đường đẹp đẽ đó của các nghệ sĩ sân khấu việt Nam đương đại!   

Như chúng ta đã biết, việc nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ, là một thử thách về tài năng sáng tạo vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng đầy những khó khăn, thử thách to lớn với người nghệ sĩ. Bởi, Bác Hồ là danh nhân văn hóa kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng; nhưng lại là một con người vô cùng giản dị, gần gũi quần chúng nhân dân với một tâm hồn thanh cao, trong sáng, tượng trưng cho tâm hồn người Việt Nam chúng ta. Ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, vở Cải lương Người công dân số một của Nhà hát Cải lương Trung ương, ra mắt công chúng và đã gây tiếng vang lớn về nghệ thuật tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó là dấu ấn đầu tiên, ghi nhận sự thành công của vở diễn, đồng thời cho thấy khả năng thể hiện một cách chân thực hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Kịch hát dân tộc. Sau Cải lương là nghệ thuật Tuồng truyền thống với vở Không còn con đường nào khác của Nhà hát Tuồng Trung ương. Tiếp đó là tác phẩm Sáng mãi niềm tin của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Cả hai vở diễn này, tuy không mô tả một cách cụ thể quãng đời hoạt động của Bác; nhưng đã mang lại những cảm xúc tươi mới cho nghệ thuật Tuồng truyền thống với đề tài hiện đại. Cùng với những cảm hứng nghệ thuật của Cải lương và Tuồng; nghệ thuật Chèo dân gian đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam đã tái hiện hình tượng Bác Hồ trong Đêm trăng huyền thoại(Đoàn Chèo Thái Nguyên), và đặc biệt là vở Những vần thơ thép của Nhà hát Chèo Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Trần Hữu Trang đã chuyển thể kịch bản Đêm trắng sang Cải lương. Tác phẩm đã được khán giả phía Nam hết sức yêu thích, bởi tính quyết liệt, hấp dẫn của vở diễn đã mang lại những nhận thức mới mẻ, về tấm lòng bao dung độ lượng, nhưng cũng rất nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch đối với những kẻ chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ cá nhân mà quên cả lợi ích chung của cả dân tộc. Cũng với ý tưởng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu dân ca, Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm Nghệ An đã dàn dựng Người ra đi từ câu hò ví dặm và Lời Người, lời của nước non. Cùng một Nhà hát, cùng một phong cách kịch hát xứ Nghệ; nhưng mỗi vở diễn lại tìm riêng cho mình một nét thể hiện khác nhau về nghệ thuật; vì thế, được đông đảo khán giả không chỉ vùng quê Nghệ Tĩnh ưa thích, mà công chúng nhiều vùng đất trong cả nước cũng nồng nhiệt chào đón bởi tính dung dị, ngọt ngào của Ví dặm, Phường vải khi thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con của quê hương Xô viết…  

Tuy nhiên, công bằng ghi nhận, việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Kịch nói, là có nhiều thành công nhất, để lại những ấn tượng mạnh mẽ và hiệu quả nghệ thuật nhất trong lòng công chúng yêu sân khấu trong cả nước. Từ tác phẩm hoành tráng Bài ca Điện Biên (Nhà hát Kịch Việt Nam) kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cho đến Lịch sử và nhân chứng của Đoàn Kịch Hải Phòng. Đặc biệt là vở Đêm trắng của Đoàn Kịch Quân khu II và Nhà hát Kịch Việt Nam cùng dàn dựng, đã mang đến một cách nhìn mới hơn, khác hơn của sân khấu thể hiện hình tượng lãnh tụ…       

Trở lên trên, chúng tôi đã phác họa đôi ba nét, về một số tác phẩm tiêu biểu của một số loại hình nghệ thuật như Cải lương, Tuồng, Chèo, Dân ca, Kịch nói trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ. Với cá nhân mình, trong suốt 20 năm qua, tôi đã thiết kế mỹ thuật sân khấu cho bốn vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Cái chết chẳng dễ dàng gì của Nhà hát Kịch Quân đội; Nhật ký trong tù của Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (Kịch múa); Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; và một vở diễn mới hoàn thành là Bác không phải là Vua (Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên). Chắc chắn, những vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Việt Nam đương đại, đã để lại rất nhiều cảm xúc đẹp đẽ trong lòng công chúng yêu sân khấu, bởi hình tượng Bác Hồ kính yêu đã được thể hiện bằng tất cả tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ!        

Viết về Bác, sự nghiệp của Người, đạo đức của Người, tư tưởng của Người, công lao của Người với Cách mạng Việt Nam, và đặc biệt là việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu… đã có không biết bao nhiêu công trình của các nhà khoa học, văn hóa, văn nghệ sĩ cả trong nước và trên thế giới, mà trong đó, không ít người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Bác. Bởi thế, những dòng viết này của chúng tôi, chỉ là một vài suy nghĩ, tâm sự của một người nghệ sĩ quê hương xứ Nghệ, đã trên 40 năm nặng lòng với văn học, nghệ thuật đúng vào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong những con người Việt Nam đẹp nhất!

Theo NSND Lê Huy Quang, Hội Nhà văn Việt Nam

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: