Trong tiết trời Thu dịu nhẹ, chúng tôi theo đoàn công tác hành quân lên đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội). Sau khi chạy trên con đường quanh co, uốn khúc dài gần 12km phủ đầy mây và rợp bóng cây rừng, xe dừng tại yên ngựa nằm giữa hai quả núi. Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, Trưởng ban DKI (Bộ Tư lệnh Công binh), chỉ tay về phía bên trái rồi nói: Đi bộ khoảng 1,5 km (với 3.000 bậc cấp) chúng ta sẽ lên đến Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi.

10.cong binh a1
Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì

Bước đi trên những bậc cấp lên Đền thờ Bác Hồ, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu tâm sự: Năm 1999, được phép của chính quyền các cấp, nhân dân huyện Ba Vì đã tự nguyện công đức cùng với công sức của mình, xây dựng Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Bác đi xa (1969-1999). Ba Vì là nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn làm việc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và cũng là nơi giữ gìn thi hài Bác sau khi Bác đi xa (1969-1975).

Vị trí xây dựng Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh cao nhất của núi Ba Vì, khi đó chưa có đường lên xuống, chỉ có lối mòn mà lực lượng kiểm lâm, nhân viên Vườn quốc gia sử dụng đi lại, tuần tra. Với tình cảm sắt son với Bác, mọi khó khăn vất vả trong quá trình xây dựng từng bước được khắc phục. Đền thờ Bác từng ngày được hình thành và hoàn thiện, trông thật giản dị mà trang nghiêm, phóng khoáng hòa cùng thiên nhiên núi rừng Ba Vì, thỏa lòng mong ước của nhân dân.

Việc xây Đền thờ cơ bản đã xong, còn hai 2 hạng mục rất quan trọng, có tính quyết định đó là vận chuyển lắp đặt khối đá văn bia nặng trên 2 tấn, khắc lời Di chúc thiêng liêng của Bác cùng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Bác và pho tượng đồng Bác Hồ uy nghi nặng hơn 600kg, do đồng bào thập phương công đức. Quá trình vận chuyển, lắp đặt yêu cầu phải đảm bảo an toàn, không được chặt hạ cây rừng làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Ba Vì, điều mà lúc sinh thời Bác luôn quan tâm nhắc nhở, giữ gìn.

Tháng 7 năm 1999, nhận được sự gửi gắm, tin tưởng của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (khi đó là Đại tướng Phạm Văn Trà) liền nghĩ ngay đến Bộ đội Công binh. Nhận nhiệm vụ từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tá Đặng Văn Phúc, Tư lệnh Công binh điện triệu tập Thượng tá Nguyễn Quang Ánh, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án DKI và Trung tá Nguyễn Bá Hiểu, Trưởng Phòng Kế hoạch lên giao nhiệm vụ. Tư lệnh quán triệt, đây là công việc có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tấm lòng của toàn dân đối với Bác. Một cuộc “hội thảo” dân chủ đề đạt giải pháp kỹ thuật nhanh chóng được tổ chức với thành phần là “ba thầy trò”. Có ý kiến nêu ra, sử dụng máy bay trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân, đây là giải pháp nhanh chóng, tiện lợi. Nhưng kết cấu thiết bị cẩu, kéo thế nào? Thả đặt ở đâu? Trong khi đỉnh núi nhấp nhô, đặc kín cây rừng che phủ. Khi bay, thả khối đá có trọng lượng lớn (trên 2 tấn) luôn bị lắc lư, liệu có giữ được ổn định, an toàn cho máy bay không? Như vậy, giải pháp sử dụng máy bay trực thăng nhanh chóng được gạt bỏ.

10. cong binh a2
Bộ đội Công binh tham gia đưa Tượng Bác Hồ lên Đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì

Một ý kiến khác được nêu ra, đó là tổ chức khảo sát mở đường, sử dụng xe ô tô, xe kéo đặc chủng để vận chuyển. Giải pháp này phải sử dụng nhiều lực lượng bộ đội, thời gian thi công kéo dài, chặt hạ nhiều cây rừng, vi phạm môi trường sinh thái Vườn quốc gia Ba Vì nên không khả thi.

Trung tá Nguyễn Bá Hiểu đề xuất: Tổ chức khảo sát địa hình thực tế, tìm hướng tuyến có địa hình thuận lợi, lợi dụng cây rừng làm cột chống, lựa đường, bắc giàn giáo và đặt đường ray để kéo đưa lên. Vấn đề đặt ra là sử dụng loại xe gì? Đường ray như thế nào và người đứng ở đâu để kích kéo? Mặc dầu vậy, trong lòng Tư lệnh Công binh cũng cảm nhận thấy phương án này có lẽ khả thi hơn và chỉ đạo: Tạm thời, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ này cho Ban Quản lý dự án DKI tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng phương án và tổ chức triển khai càng sớm càng tốt.

Thượng tá Nguyễn Quang Ánh, Phó Trưởng ban Ban DKI nhanh chóng thành lập nhóm công tác, phân công nhiệm vụ và tổ chức triển khai ngay. Nhóm công tác gồm 4 người: Thượng tá Nguyễn Quang Ánh chỉ huy chung; Trung tá Nguyễn Bá Hiểu khảo sát, đo đạc tấm bia đá, tượng Bác, đề xuất phương tiện vận chuyển, kích kéo; Thiếu tá Lê Hùng Thắng và Thiếu tá Mai Chính nhanh chóng lên hiện trường khảo sát địa hình, phóng tuyến và đề xuất giải pháp làm đường kích kéo.

Sau khi đi thực tế về, cả nhóm họp lại và thống nhất đề xuất phương án giải quyết: Thiết kế xe kéo (dạng xe goòng) kích thước phù hợp với khối bia đá với trọng tâm được hạ thấp, tránh bị lật, có bánh xe đặt trong lòng “đường ray” là các thanh thép chữ U120 đặt ngửa, được cố định trên các giàn giáo và thi công lắp đặt theo phương pháp cuốn chiếu; sử dụng tời quay tay để kéo. Tời được di chuyển dần cùng với hệ thống xe kéo và được cố định tại từng vị trí cho phù hợp. Nhóm công tác đề xuất điều động một Trung đội thuộc Lữ đoàn 249 Công binh, hiện đang thi công Khu Di tích Đá Chông gần đó để thi công. Nhà máy Z49 nhanh chóng sản xuất xe kéo theo bản vẽ do nhóm công tác thiết kế. Toàn bộ giải pháp kỹ thuật và kế hoạch thi công chi tiết kịp thời báo cáo và được Tư lệnh Công binh phê duyệt ngay. Sau 2 ngày chuẩn bị, toàn bộ lực lượng, thiết bị đã được tập kết đầy đủ tại vị trí đã định tại chân núi Ba Vì. Trực tiếp chỉ huy thi công tại hiện trường là Trung tá Nguyễn Bá Hiểu cùng Thiếu tá Lê Hùng Thắng và Thiếu tá Mai Chính Đoàn. Trung đội phối thuộc của Lữ đoàn 249 do Trung úy Lê Văn Cẩn, Trung đội Trưởng phụ trách.

Mặc dù đã khảo sát địa hình, chọn hướng tuyến phù hợp và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, song khi bắt tay vào thi công vẫn gặp vô vàn khó khăn. Chỗ có địa hình thoải dễ thi công lại vướng nhiều cây, xe không qua được; chỗ bắc được giàn giáo thuận lợi đặt đường ray lại vướng vị trí đặt tời kéo…Việc cố định tời kéo đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình thi công. Có trường hợp đang kéo xe lên dốc (độ dốc đến 50 độ) tời bị lật khỏi vị trí, có nguy cơ cả xe, cả tời lao xuống núi, nhiều chiến sĩ phải dũng cảm dùng các đòn cây ngáng, hãm xe không cho lao xuống.

Khó khăn là vậy, song cán bộ, chiến sĩ Công binh đều rất hăng say, nhiệt huyết, tranh thủ thời gian thi công. Sau 2 tuần lễ “vượt nắng, thắng mưa”, pho tượng Bác và tấm văn bia đã được đưa lên đặt vào đúng vị trí trang trọng trong ngôi đền trên đỉnh núi Ba Vì đảm bảo an toàn tuyện đối, đúng tiến độ thời gian và bảo vệ môi trường sinh thái trong Vườn quốc gia Ba Vì .

Trịnh Dũng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (s
t)

Bài viết khác: