Đúng 11h ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại phòng khánh tiết Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp) với bốn vị Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Hoa Kỳ (William P. Rogers) và Việt Nam Cộng hòa (Trần Văn Lắm). Quân đội Mỹ đã bắt buộc phải chấp nhận rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện…

Hành trình tất yếu

Mặc dù có ưu thế nhân lực, vật lực hơn hẳn so với chúng ta nhưng Washington đã không thể nào đè bẹp được những nỗ lực vô bờ bến của nhân dân ta chống lại quân xâm lược. Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, Nhà Trắng càng hiểu rõ thêm rằng, lực lượng viễn chinh Mỹ ở Việt Nam cùng quân đội Sài Gòn sẽ không thể bao giờ giành được chiến thắng quân sự ở dải đất hình tia chớp này.

Trong tập hồi ký “Gia đình, bè bạn và đất nước” do Nhà Xuất bản Tri Thức vừa ấn hành vào nửa cuối năm 2012, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của chúng ta trên khắp chiến trường miền Nam khiến Mỹ phải bắt đầu nhận ra rằng, họ không còn khả năng thắng một nhân dân đã quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập tự do và thống nhất đất nước; họ đã phải tính đến việc xuống thang chiến tranh, buộc phải nghĩ đến một giải pháp chính trị để rút khỏi cuộc chiến vô vọng này, tất nhiên vẫn muốn có được một giải pháp trên thế mạnh. Còn về phía chúng ta, chúng ta cũng đã thấy đến lúc có thể triển khai tiếp cuộc chiến đấu dưới hai hình thức, vừa đánh vừa đàm”.

Sự dính líu trực tiếp của Washington vào cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho đại đa số những người dân Mỹ cảm thấy thất vọng. Đầu năm 1969, một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành cho thấy, chỉ có khoảng 29% số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ chiến tranh ở Việt Nam. Chính vì thế nên ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson, người từng tăng số binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên tới gần 540 nghìn tên và vì thế, khiến cho lực lượng này phải chịu những thương vong rất đáng kể, đã phải xuống thang và tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra sau khi tiết lộ rằng ông ta sẽ không ra tái tranh cử Tổng thống thêm một lần nữa. Đồng thời, ông này đã cử người đi đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Paris. Đáp lại, ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà cũng đã tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ.

Địa điểm được chọn để tiến hành các cuộc đàm phán tương lai là Paris. Bộ Chính trị Đảng ta đã cử hai nhà lãnh đạo cao cấp là đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy trực tiếp tiến hành đàm phán ở Paris (đồng chí Lê Đức Thọ làm Cố vấn Đặc biệt, còn đồng chí Xuân Thủy, với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, là Trưởng phái đoàn).

Hội nghị Paris về Việt Nam đã là một cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế thời hiện đại. Cuộc đàm phán đầu tiên đã được tổ chức ngày 13/5/1968, thoạt tiên chỉ có sự tham gia của hai phái đoàn từ Washington và Hà Nội sang. Do lập trường kiên quyết của chúng ta, phía Mỹ đã bắt buộc phải mở rộng thành phần tham gia đàm phán. Tới tháng 11/1968 đã diễn ra một cuộc họp trù bị khá đơn giản để thống nhất một số thủ tục kỹ thuật cho quá trình đàm phán bốn bên. Phiên họp chính thức đầu tiên với sự tham gia của bốn phái đoàn diễn ra ngày 25/1/1969 tại phòng họp của trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber nằm cách Khải Hoàn môn khoảng 100m, tức là ở chính giữa Paris…

Cũng theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình, trên bàn đàm phán, các “cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn chúng ta nhằm vào Mỹ phê phán, lên án. Còn Mỹ thì tránh né, đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng…”.

Ở thời điểm này, nước Mỹ đang nằm trong bàn tay chèo lái của vị Tổng thống mới là Richard Nixon. Ông này vừa ngồi chưa ấm chỗ trong Nhà Trắng đã đưa ra học thuyết “đổi màu da trên xác chết” trong chiến tranh Việt Nam. Để dằn mặt đối phương và tìm thêm thế mạnh cho các cuộc đàm phán, ngày 17/3/1969, ông ta đã mở rộng chiến trường bằng một lệnh ném bom xuống lãnh thổ Campuchia, nơi mà Washington cho là xuất phát điểm của các tuyến tiếp tế cho bộ đội chúng ta. Tuy nhiên, vũ lực đã không mang lại cho Nhà Trắng những ưu thế trên chiến trường mà chỉ làm dư luận nhân dân Mỹ thêm phần phẫn nộ. Vì thế nên tới ngày 8/6/1969, Nixon đã phải tuyên bố cho rút bớt quân Mỹ về nước từ tháng 7 năm 1969. Và ông ta đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ cái gọi là thiện chí hòa bình. Và ngày 25/8/1969, Bác Hồ trong thư trả lời Tổng thống Mỹ đã nêu rõ, nếu mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng, thì  “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài… Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.

con duong khong rai hoa
Quang cảnh Hội nghị Paris.

Bước ngoặt quan trọng

Các hoạt động thương lượng ngoại giao bao giờ cũng là sự đồng vọng với những diễn biến trên chiến trường. Hội nghị Paris về Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là một diễn đàn đấu tranh chính trị theo nhịp điệu tiếng súng vang lên trên chiến trường. Và trong giai đoạn đầu, khi giữa ta và địch còn ở thế giằng co, thì các cuộc đàm phán tại Paris, nói theo cách của bà Nguyễn Thị Bình, tiếp tục vẫn là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Ngay cả những cuộc gặp riêng, bắt đầu từ ngày 21/2/1970, giữa Cố vấn Đặc biệt Lê Đức Thọ với Cố vấn An ninh Mỹ Kissinger trong suốt một thời gian cũng không dễ dàng dẫn tới được các thỏa hiệp mong muốn. Các cuộc gặp riêng bí mật này cũng vẫn mang tính chất đấu trí và đấu khẩu gay gắt như trong quá trình diễn ra đàm phán công khai.

Đến giữa năm 1972, Washington mới thực sự ngấm đòn từ những thiệt hại trên chiến trường vì những thử nghiệm “thay đổi màu da trên xác chết” đã bị thất bại thảm hại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang đất Lào của quân đội Sài Gòn cũng như ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, chính quyền Nixon vẫn ngoan cố không chịu nhận ra ngay con đường sáng mà vẫn tiếp tục tìm mọi cách để vừa đánh lừa dư luận trong nước về một thiện chí hòa bình nào đó ở phía họ, vừa muốn dùng vũ khí để đánh gục ý chí của dân tộc ta. Chính vì thế nên ngày 24/3/1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8/5/1972, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với ông Kissinger, Nixon tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thả mìn cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, lạch, trên vùng biển phong toả miền Bắc Việt Nam…

Tuy nhiên, Mỹ đã không thể đè bẹp được ý chí của nhân dân Việt Nam bằng bom đạn và chết chóc. Chính vì thế nên ngày 13/7/1972, Washington đã buộc phải chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên tại Paris. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng xác định đây là thời điểm để có thể tỏ ra mềm dẻo dẫn tới những thỏa thuận có thể chấp nhận được. Ngày 11/9/1972, lần đầu tiên kể từ khi Kissinger bắt đầu hội đàm bí mật với Hà Nội vào tháng 8 năm 1969, phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thôi đưa ra “giải pháp cả gói” (Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và xóa bỏ chính quyền do họ dựng lên tại đây) và gợi ý rằng có thể sẽ chấp nhận một cuộc ngừng bắn tại miền Nam Việt Nam mà không cần loại bỏ chính quyền Sài Gòn. Đó đã là sự khai thông cho những bế tắc trên bàn hội nghị…

Tới ngày 12/10/1972, sau những tranh cãi được đánh giá là nảy lửa, Cố vấn Đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Mỹ Kissinger đã cùng đi đến một bản nháp hiệp định gồm 9 điểm. Nội dung đó chưa đầy đủ nhưng nó đã tạo được một bước đột phá lớn. Dự thảo đã tách các vấn đề thuần túy quân sự ra khỏi các vấn đề chính trị, cho phép một cuộc ngừng bắn tại chỗ, sự rút quân đội Mỹ và đồng minh nước ngoài về nước, sự trao trả tù binh Mỹ trong vòng 60 ngày, và thiết lập một qui trình mà qua đó người Việt Nam sau đó sẽ tự quyết định tương lai của mình…

Đã có dự định là tới ngày 30/10/1972 sẽ chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, mọi sự đã không diễn ra như thế vì thái độ lật lọng của chính quyền Mỹ sau khi Nixon biết được kết quả bỏ phiếu đã mang lại cho ông ta thêm một nhiệm kỳ nữa trong Nhà Trắng. Và con người nhẫn tâm và tráo trở này đã cho tiến hành một đợt không kích dữ dội và đẫm máu  bằng cả pháo đài bay B52 kéo dài suốt 12 ngày ở Hà Nội, nhằm buộc chúng ta phải quỳ gối chấp thuận những điều kiện ngặt nghèo hơn của Mỹ trên bàn hội nghị. Thế nhưng, Nhà Trắng đã hoàn toàn thất bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội những ngày tháng Chạp năm 1972.  Huyền thoại B52 bị phá bỏ, 30 chiếc bị bắn hạ. Dư luận quốc tế đồng thanh lên án hành động tàn bạo này của Mỹ… Và thế là tới ngày cuối cùng của tháng 12 năm đó, Washington đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã ký tắt hồi tháng 10 với một vài sửa đổi nhỏ có tính kỹ thuật…

Kết thúc một hành trình gian khó, không rải hoa. Và lễ ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã diễn ra ngày 27/1/1973 tại Paris. Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Mọi người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng…”

Theo http://antgct.cand.com.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: