Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 2 tháng 9 năm 1969), được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu Di tích ngày 15 tháng 5 năm 1975. Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng là một trong 23 Di tích quốc gia đặc biệt.

Khu đất này nguyên là phần đất phía Tây Bắc của Hoàng thành thuộc Kinh thành Thăng Long xưa. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, sau khi chiếm xong miền Bắc đã chọn Hà Nội làm trung tâm đầu não cho toàn bộ Đông Dương và Phủ Toàn quyền Đông Dương được xây dựng trên mảnh đất này. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là nơi Bác đã qua đời.

Khu Di tích Phủ Chủ tịch nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phía Bắc Khu Di tích giáp Hồ Tây, phía Nam giáp chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh; phía Tây liền kề với Bách Thảo, phía Đông nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh  đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945. Diện tích toàn bộ Khu Di tích  hơn 10 ha, bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại. Theo tính chất của các công trình kiến trúc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi đó, Khu Di tích được chia thành ba khu vực:

Khu A: Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Các Di tích ở đây liên quan trực tiếp tới cuộc sống đời thường và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời. Đó là:

1. Di tích Nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958.

2. Di tích Nhà sàn gỗ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ giữa tháng 5 năm 1958 đến năm 1969.

3. Di tích nhà 67- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt (1967 – 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời.

4. Các Di tích khác như: Vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ôtô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng.

Khu B và C: Gồm có Nhà khách Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh các nơi này. Hiện nay, khu vực này Nhà nước và Chính phủ vẫn đang làm việc.

Chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các Di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ cho công tác tuyên truyền phát huy tác dụng. Toàn bộ Khu Di tích có khoảng 1456 hiện vật (trong đó đang trưng bày 759 hiện vật) thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Các Di tích, hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nơi đây từ năm 1954 đến năm 1969. Trong 15 năm đó Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp nhiều đoàn khách là đại biểu của các chính Đảng, đoàn thể, tôn giáo; đại biểu của công nhân, nông dân, trí thức, quân đội; đại biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số; đại biểu của người dân miền Nam Việt Nam và quân nhân thuộc Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (ở Việt Nam gọi tắt là "đồng bào chiến sĩ miền Nam"). Cũng tại nơi đây, Người còn tiếp những người là đại biểu những người Việt sống ở nước ngoài về thăm Việt Nam; đại biểu của các đội thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...
Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý các thiếu niên nhi đồng nên ngày 2 tháng 9 năm 1955, cửa Phủ Chủ tịch đã mở cho các thiếu niên đến vui chơi, từ đó các thiếu nhi có nhiều dịp được vào đây thăm Người. Với tất cả những ý nghĩa đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (ngày 2-9-1969), nơi Người ở và làm việc cùng với các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành những vật chứng quý giá, biểu tượng thiêng liêng về cuộc sống, hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời.

Tổng thể khu Di tích rộng hơn 14 hécta, trong đó diện tích được xếp hạng là 22.000 m², bao gồm 16 công trình, công trình đã tồn tại lâu nhất là hơn 100 năm và gần nhất là hơn 40 năm. Khu Di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc. Hiện nay, chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các Di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến tham quan.

Một số công trình có giá trị lớn trong Khu Di tích:

1. Di tích Phủ Chủ tịch

Điểm Di tích đầu tiên trong hành trình tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là toà nhà Phủ Chủ tịch. Đây là toà nhà sang trọng, bề thế, cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương.

 8.1.Dt. phu chu tịch

Công trình mang phong cách thời Phục Hưng này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1906), do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương, từ khi nhà được hoàn thành đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc.

Trong năm 1945 đến năm 1946, hết phát xít Nhật đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, Thủ đô Hà Nội được giải phóng (tháng 10 năm 1954), (toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam.

Với khách quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón từ các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, đại sứ các nước đến trình quốc thư, các đoàn nghệ thuật, thể thao, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các tổ chức quần chúng... và bạn bè khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp cách mạng và giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống mới.

Với nhân dân Việt Nam, Người gặp gỡ các đại biểu thuộc mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt họ thuộc tôn giáo, đảng phái nào, làm ngành nghề gì. Trong 15 năm, từ năm 1945 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước. Phủ Chủ tịch còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những Di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là Di tích đặc biệt quan trọng trong tổng thể Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Song từ đó đến nay toà nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước; những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.

2. Vườn cây xanh

  8.2.vuon qua BH
Vườn quả Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

Vườn cây xanh, thảm cỏ ở trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch kết hợp với hồ nước mát tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình, một môi trường sống tuyệt vời làm phong phú thêm cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Cây trong vườn Phủ Chủ tịch gồm rất nhiều loài, tạo thành một hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, giản dị và có sức cuốn hút du khách... Trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Nhưng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12 năm 1954, những khoảng đất trống hoặc cỏ dại mọc um tùm dần dần được cải tạo thành khu vườn trồng cây, trồng rau và trồng cây ăn quả (vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, táo, hồng...) và cây hoa (nhài, mộc, ngọc lan, dâm bụt, phượng vĩ, phong lan...), cùng một số giống cây khác (cọ dầu, tre, trúc, cây xanh bốn mùa...). Hiện nay, diện tích vườn cây xanh, thảm cỏ lên tới hơn 65.000 m2. Toàn bộ vườn cây có 1271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 cây có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài và một số cây chưa rõ nguồn gốc; có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh. Nhiều cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có cây Chủ tịch Hồ Chí Minh  tự tay trồng và chăm sóc, có cây Người đặt tên, có cây Người mang từ nước ngoài về hoặc đồng bào trong nước gửi tặng..., mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.Có loài cây góp phần tăng cường tình hữu nghị quốc tế, như cây bưởi là một ví dụ. Theo lời kể của đồng chí Hoàng Lương - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, có lần Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba sang thăm nước ta, ông đến thăm nhà sàn của Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch và được đồng chí phụ trách tặng một quả bưởi hái từ cây do Bác Hồ trồng. Vị Bộ trưởng mang quả bưởi về nước biếu Chủ tịch Phiđen Castơrô. Chủ tịch tặng lại quả bưởi đó cho Viện Trồng trọt. Viện đã lấy các hạt bưởi đem nhân giống rộng rãi, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 95 của Bác Hồ (năm 1985), Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam tổ chức trọng thể lễ trồng cây bưởi của Bác Hồ tại vườn Bách thảo Cuba. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị, sự trân trọng của nhân dân Cuba anh em dành cho Bác Hồ nói riêng, cho dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài những cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh..., trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một màu sắc, hương thơm, một nét đẹp riêng. Trư­ớc nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng dâm bụt “đỏ hoa quê”, gợi nhớ cảnh làng Sen quê Bác. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bư­ởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài... toả hương thơm ngát. Những cây hoa ban màu trắng, màu tím được trồng xen kẽ như những nét chấm phá làm tăng sự sinh động, phong phú của vườn cây. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi, buông sát mặt nư­ớc, hoa sữa tỏa h­ương thơm ngát, ngọt ngào. Quanh ngôi nhà 54 là những cây hoàng lan, ngọc lan hương thơm dịu ngọt và giàn tigôn với những chùm hoa đua sắc tím hồng. Trước Nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh ngôi nhà sàn luôn phảng phất hương thơm của hoa vườn.

Các loài cây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá làm tăng sự hấp dẫn sinh động của cảnh quan môi trường. Những cây gắn với kỷ niệm trong đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gọi là cây Di tích. Đó là: Cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây bụt mọc. Mỗi cây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thiên nhiên, con người; là một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

8.3.BH quuoc dat trong rau trong khu vuon phia sau Phu CHu tich
Bác Hồ quốc đất trồng rau trong khu vườn Phủ Chủ tịch

Vườn cây xanh trong khu vực Phủ Chủ tịch cho chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không  chỉ biết cách thưởng thức thiên nhiên đã sẵn có mà Người còn biết cách chăm sóc, cải tạo, “thổi hồn” vào thiên nhiên làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành.  Năm năm sau khi về ở Phủ Chủ tịch,  tháng 11 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Tết trồng cây" với mong muốn : “Đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được sự hưởng ứng của các địa phương trong cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một phong tục tốt đẹp, mang tính  văn hoá của dân tộc Việt Nam,  mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt.

8.4.DT2
Giàn hoa giấy trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

 Trong vườn cây xanh có một khoảng đất rộng chừng 100 mét vuông trải sỏi cạnh đường Xoài ở phía sau Phủ Chủ tịch được gọi là Giàn hoa Phủ Chủ tịch. Bao quanh khoảng đất là giàn hoa móc diều (hoa giấy) màu tím. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian. Có bức hình đẹp ghi lại hình ảnh Bác Hồ đang làm việc tại nơi này trên bộ bàn ghế bằng mây.

8.5.Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại giàn hoa Phủ Chủ tịch năm 1957
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại giàn hoa Phủ Chủ tịch năm 195

            Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, vườn cây trong khu Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Phong trào xây dựng “vườn cây Bác Hồ” được phát động, nhiều địa phương trong nước đã nhận những giống cây ăn quả từ vườn này về trồng và một số địa phương đưa những giống cây đặc sản vào trồng tại đây khiến cho khu vườn càng phong phú và thêm ý nghĩa.

Các di tích ngoài trời trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa, thông điệp sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

3. Ao cá Bác Hồ

Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Toàn quyền Đông Dương vẫn thường tới uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để làm cho môi trường thêm trong lành và cải thiện đời sống… Nghe theo lời gợi ý của Bác, anh em bảo vệ đã tập trung làm. Chỉ sau một tuần, công việc nạo vét hồ đã hoàn thành.

Sau khi ao đã được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá, Trại cá giống Đình Bảng đã mang sang những giống cá tốt thả vào ao. Những cây dừa, bụt mọc, liễu... được trồng đã tỏa bóng mát xuống mặt hồ rộng 3.320m2, độ sâu trung bình là 2m với 16 loài, 6 nhóm cá tung tăng bơi lội. Đặc biệt, nhiều loài cá như chép, trắm đen..., xung quanh ao trồng dâm bụt, cạnh bậc lên xuống trồng dừa, như hình ảnh miền Nam trong trái tim Người.  

Cá được thả ở đây là cá rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ... Trong hồ còn phát triển khá nhiều loại trai, nhiều con đã kết ngọc. Riêng cá trắm phát triển rất nhanh và có lần anh em đánh được con cá nặng 24kg. Vì Bác nói rằng nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, mau lớn và sinh sản nhiều. Đó là những loại cá có giá trị kinh tế của nước ta. Phương châm đó của Người là một bài học lớn cho cán bộ ngành Thuỷ sản suy nghĩ trong công tác nghiên cứu của ngành mình gắn với quan điểm kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho phong trào sản xuất.

8.6.DT
Bác Hồ bên ao cá

Bác chăm đàn cá rất chu đáo. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều là lúc Bác cho cá ăn. Thức ăn chủ yếu cho cá thường là cám, ngoài ra buổi sáng lúc ăn điểm tâm, Bác để lại một lát bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao. Bác nhớ đặc điểm của từng con cá chép đỏ nên có lần sau khi đi công tác về, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi? Mấy hôm sau Bác rất vui kể rằng con cá gáy đỏ lại đã trở về rồi. Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm, Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn. Cá Bác nuôi rất mau lớn, đàn cá rô phi sản lượng mỗi năm một tăng nên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn. Cứ mỗi khi có khách trong nước hay ngoài nước được Bác mời cơm thì món ăn “cây nhà lá vườn” là cá Bác tự tăng gia. Hàng năm cứ vào những ngày Lễ hoặc Tết cổ truyền, Bác lại nhắc anh em phục vụ bắt một số cá lên làm quà biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời tặng anh em trong đơn vị bảo vệ cùng các gia đình trong cơ quan. Từ ngày Bác đi xa, các đồng chí lãnh đạo của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng với ngành Thuỷ sản trực tiếp trông nom ao cá, vẫn giữ nguyên truyền thống tốt đẹp và cảm động này vào Ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5 hàng năm.

Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn.Trước khi cho cá ăn, Người thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay của Người đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao. Năm 1959, Người gửi cá giống cho hợp tác xã Tiền Phong - Yên Sở - huyện Thanh Trì - Hà Nội để động viên nhân dân tích cực phát triển nghề cá.

Hàng năm ao cá của Người vẫn được tu sửa nhằm tạo cảnh quan môi trường sinh thái vừa để phục vụ khách tham quan. Việc giữ gìn và phát triển đàn cá Bác Hồ vừa có ý nghĩa lịch sử vì nó gắn liền với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, để mỗi lần vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ngắm nhìn ao cá Bác Hồ, mỗi chúng ta như lại thấy bồi hồi xúc động nhớ Bác qua những vần thơ của Tố Hữu:

Con cá rô ơi chớ có buồn

Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn

Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái

Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn. 

            Ao cá là điểm di tích sống động cho du khách đến tham quan nơi này.

8.8.Tong thong Venezuela cho cá trong ao ca BH an
Tổng thống Venezuela cho đàn cá trong ao cá Bác Hồ ăn.

8.7.tham ao ca BH
Thăm ao cá Bác Hồ. Ảnh Internet

(Còn nữa)
Kim Yến (Tổng hợp)

 

Bài viết khác: