“Những ngày cuối tháng 4-1975, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 19, Trung đoàn Đặc công 116) do tôi làm đại đội trưởng được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Đồng Nai để giữ đường giao thông huyết mạch cho quân ta tiến về Sài Gòn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn mang bên người lá cờ giải phóng. Lá cờ cũng đã được tôi dùng để vẫy báo hiệu thời khắc chiến thắng trên tầng hai của Dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975.
Ngày 26-4-1975, Trung đoàn giao cho Đại đội 1 phải quyết tâm giữ cầu Đồng Nai để quân ta tiến về Sài Gòn, đồng thời thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm toàn bộ khu giang thuyền của địch ở khu vực Bến Gỗ (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đây là một trong những khu vực gay go, ác liệt nhất vì toàn bộ cửa ngõ Xuân Lộc, Bảo Lộc đều dồn về hướng này. Trong hai ngày 26 và 27-4, chúng tôi đã chiếm được cầu nhưng lại bị địch đẩy lùi ra. Qua trinh sát, chúng tôi phát hiện địch đã bố trí 4 quả mìn ở hai đầu cầu và 6 quả ở giữa cầu, cùng với đó là 1 trạm điện để kích hoạt mìn nổ, phá cầu trong trường hợp thất thủ hòng chặn đường tiến của ta. Chúng tôi xác định cần phải phá trạm điện để địch không thể kích nổ mìn. Ngày 29-4, tôi cùng hai chiến sĩ mang bộc phá lặng lẽ bơi sang tới bờ bên kia mà địch không hề hay biết. Chúng tôi áp sát trạm điện để gài bộc phá rồi lùi ra xa. Sau khi trạm điện phát nổ, địch từ phía giang thuyền bắn cấp tập về phía chúng tôi. Hai chiến sĩ đi cùng tôi đã hy sinh, tôi may mắn bơi được về đơn vị ở bờ bên này. Vì vậy, cầu Đồng Nai không bị phá.
Ông Phạm Duy Đô (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu về bức ảnh khi còn chiến đấu.
Ảnh: Quang Đức.
Đêm 29 rạng sáng 30-4-1975, tôi cắm lá cờ giải phóng vào hàng rào dây thép gai ở lối lên cầu để thông báo về việc quân ta đã chiếm giữ cầu. Từ xa, tôi thấy có chiếc xe tăng vượt qua hàng rào nhưng do đêm tối không rõ là ta hay địch. Chúng tôi sẵn sàng hỏa lực và kiên trì đợi. Khi xe đến gần, tôi phát hiện ra xe tăng của ta. Các đồng chí trên xe tăng xuống xe, trong lúc vui mừng vì gặp đồng đội, tôi cũng trách: “Lá cờ giải phóng cắm ở đó mà các đồng chí lại vượt qua. Toàn bộ cầu này chúng tôi đã chiếm giữ an toàn”. Sau đó, tôi lại giắt lá cờ bên người.
4 giờ ngày 30-4-1975, chúng tôi hành quân sang bên kia cầu để tập hợp cùng các lực lượng khác của ta cũng đang đánh vào các vị trí của địch. Lúc này, các đơn vị đều cần người biết đường vào Dinh Độc Lập để dẫn xe tăng đi trước. Có đồng chí biết tôi từng được giao nhiệm vụ điều nghiên đường vào Dinh Độc Lập nên báo cáo với chỉ huy. Vì vậy, tôi được giao nhiệm vụ ngồi lên chiếc xe tăng số hiệu 843 để dẫn đường vào Dinh Độc Lập. Tôi cũng đề nghị chỉ huy cho một đồng chí đại đội trưởng pháo binh đi cùng để biết tọa độ pháo bắn trên đường. Mặc dù trên đường cơ động địch vẫn chống trả quyết liệt nhưng với quyết tâm đột kích nhanh, mạnh, đội hình của chúng tôi đã nhanh chóng tiến vào nội đô Sài Gòn. Khi vào đến Dinh Độc Lập, toàn bộ lính gác cổng của địch đã dạt hết sang một bên. Xe 390 húc đổ cổng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Chúng tôi nhảy xuống khỏi xe 843, chạy ùa vào trong dinh. Vừa chạy, tôi vừa lấy lá cờ giải phóng giắt bên người ra để chạy lên ban công tầng hai phất cờ báo hiệu an toàn cho quân ta tiếp tục tiến vào Dinh Độc Lập.
Năm 2020, 45 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi mới được gặp lại các đồng đội trên hai chiếc xe tăng 390 và 843 tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975 tại nhà ông Ngô Sĩ Nguyên, nguyên pháo thủ trên xe tăng 390. Những chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết chiến đấu năm xưa nay tóc đều đã bạc. Chúng tôi phấn khởi khi nhìn thấy nhau vẫn còn khỏe mạnh và cùng nhớ lại những kỷ niệm một thời hoa lửa vẫn sống mãi trong tim mỗi người...”./.
Tuấn Nguyễn (ghi theo lời kể của CCB Phạm Duy Đô)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)