16. Thông tư số 08/2021/TT-BYT ngày 25/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Nguyên tắc đạo đức hành nghề dược, có hiệu lực từ ngày 13/8/2021

Theo Thông tư, người hành nghề dược phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến hành nghề dược. Ngoài việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật thì phải tuân thủ Luật Dược, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Dược và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuân thủ các quy định của nguyên tắc đạo đức hành nghề dược và Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp hành nghề dược mà người hành nghề dược là thành viên.

Người hành nghề dược phải luôn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm với nghề, với người sử dụng thuốc. Phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia các lớp đào tào, bồi dưỡng kiến thức; tích cực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến, đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống. Phải sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phải tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Thông tư quy định rõ trách nhiệm nghề nghiệp của người hành nghề dược gồm: Coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp. Phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định chuyên môn về dược. Có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm cho người bệnh và nhân dân; tích cực, chủ động tuyên truyền kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, phải tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh, bí mật liên quan đến bệnh tật người bệnh. Thông tin về sức khỏe và đời tư của người bệnh chỉ được phép công bố trong trường hợp được người bệnh đồng ý hoặc các trường hợp khác được pháp luật cho phép…

Đáng chú ý, người hành nghề dược không được thực hiện những việc sau: Phân biệt, đối xử mang tính cá nhân đối với những người thực hành chuyên môn về dược; đòi hỏi lợi ích vật chất, tinh thần từ người thực hành chuyên môn về dược; lợi dụng tư cách người hướng dẫn để buộc người thực hành chuyên môn về dược phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.

17. Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, có hiệu lực từ ngày 14/8/2021

Theo đó, mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan được Thông tư quy định như sau:

Mẫu hộ chiếu: Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử; Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng; Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh; Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng; Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75 mm; Bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18mm ± 0,3mm; Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử; Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao; Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1; Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Mẫu giấy thông hành: Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên giấy thông hành; Ngôn ngữ sử dụng trong giấy thông hành: tiếng Việt và tiếng Campuchia đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia; tiếng Việt và tiếng Lào đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào; tiếng Việt và tiếng Trung Quốc đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Số trang trong giấy thông hành không kể trang bìa: 16 trang đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia và giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào, 28 trang đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Kích thước theo chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75mm; Bìa giấy thông hành là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao; Toàn bộ nội dung in trong giấy thông hành được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả

18. Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo Quy chế, yêu cầu chung đối với người dự tuyển đươc quy định như sau:

(1) Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ;

(2) Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

(3) Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

(4) Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

Đối với người dự tuyển là công dân Việt Nam: Phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau: (1) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài; (2) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; (3) Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục II của Quy chế này còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Giáo dục Đào tạo công bố.

Đối với người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt: Phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai do cơ sở đào tạo quyết định, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

19. Thông tư số 48/2021/TT-BTC ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo đó, các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài trên cơ sở kế hoạch vốn nước ngoài được phân bổ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo, đáp ứng yêu cầu của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Đối với Báo cáo kế hoạch giải ngân thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch bổ sung, điều chỉnh (nếu có) nguồn vốn nước ngoài do các chủ dự án/Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan chủ quản là cơ quan nhận báo cáo. Chủ dự án/Ban Quản lý dự án gửi báo cáo kế hoạch giải ngân hoặc kế hoạch điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giao, điều chỉnh, bổ sung (nếu có) kế hoạch vốn của cơ quan chủ quản.

Ngoài ra, Báo cáo kết thúc giải ngân khoản vay ODA, vay ưu đãi của chương trình, dự án do Chủ dự án/Ban Quản lý dự án thực hiện báo cáo trong vòng 30 ngày kể từ khi đóng khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Báo cáo tình hình hạch toán, ghi thu ghi chi nguồn vốn nước ngoài hàng năm phải được gửi đến Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước trong vòng 65 ngày kể từ khi kết thúc kỳ báo cáo;…

20. Thông tư số 05/ 2021/TT-BVHTTDL ngày 25/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Thông tư này quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao quốc gia và đội tuyển trẻ thể thao quốc gia từng môn thể thao được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.

Đối tượng áp dụng là các vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và đơn vị đào tạo, huấn luyện khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tập huấn, thi đấu thể thao của đội tuyển quốc gia.

Thông tư cũng phân loại trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao thành 3 loại: (1) Trang thiết bị tập thể lực chung cho vận động viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao; (2) Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao chung cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao và (3) Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia từng môn thể thao.

Theo quy định, tiêu chuẩn trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch tập huấn, thi đấu thể thao được Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao phê duyệt, các đơn vị đào tạo, huấn luyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi tiết về việc mua sắm trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia tập trung tại đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước đã được phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục Thể dục thể thao phân bổ, giao dự toán chi mua sắm trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho các đơn vị đào tạo, huấn luyện theo quy định.

Trường hợp phát sinh những trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao chưa được quy định, các đơn vị đào tạo, huấn luyện quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc mua sắm, cấp phát trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, khả năng cân đối ngân sách hằng năm, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật

21. Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo đó, Thông tư số 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nâng lương thường xuyên cũng như nâng lương trước thời hạn với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV, như:

Sửa đổi đối tượng áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Bổ sung thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tạ ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự là một trong các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên…

Bổ sung thêm thời gian không tính xét bậc nâng lương thường xuyên gồm: Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự); Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.

Thông tư cũng quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ

22. Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo Thông tư, viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông được cử dự thi thăng hạng khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

(1) Được cấp có thẩm quyền cử dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 thông tư này.

(2) Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông hạng thấp hơn liền kề với hạng dự thi quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV; Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 02/2018/TT-BNV; Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 05/2018/TT-BNV.

(3) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề với năm nộp hồ sơ dự thi thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

(4) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ; đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi thăng hạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV; Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT.

(5) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo quy định tại Điều 5 thông tư này

23. Thông tư số 04/2021/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều đối với dự án đầu tư xây dựng ở bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao nơi chưa có công trình xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thông tư, nội dung xem xét chấp thuận được quy định như sau: Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều; Sự phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Việc bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ khi xây dựng công trình; Giải pháp phòng, chống lũ trong quá trình thi công và đảm bảo an toàn cho đê trong quá trình quản lý, sử dụng công trình; Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên đê trong quá trình thi công; Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Nội dung thẩm định được quy định như sau: Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều; Sự phù hợp với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Vị trí xây dựng công trình so với phạm vi bảo vệ đê điều; Các nội dung đảm bảo không được làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; không làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế; không ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu đối với việc xây dựng công trình; Việc bảo đảm an toàn đê điều, ổn định bờ, bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao, lòng dẫn khi xây dựng công trình; Giải pháp phòng, chống lũ trong quá trình thi công, quản lý, sử dụng công trình; Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

24. Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo đó, cấp công trình quy định tại Thông tư này được xác định theo các tiêu chí sau:

Mức độ quan trọng, quy mô công suất: Áp dụng cho từng công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo các loại công trình quy định tại Phụ lục I Thông tư này;

Quy mô kết cấu: Áp dụng cho từng công trình độc lập thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo các loại kết cấu quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

Cấp công trình của một công trình độc lập là cấp cao nhất được xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này. Trường hợp công trình độc lập không quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo quy định tại Phụ lục II Thông tư này và ngược lại.

Cấp công trình của một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục được xác định như sau:

- Trường hợp tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục có quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo Phụ lục I Thông tư này;

- Trường hợp tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục không quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo cấp của công trình chính (thuộc tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ) có cấp cao nhất. Cấp của công trình chính xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Cấp công trình của công trình hiện hữu được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xác định như sau:

- Trường hợp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp làm thay đổi các tiêu chí xác định cấp công trình quy định tại khoản 1 Điều này thì cấp công trình của công trình sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được xác định theo quy định tại Điều này;

- Trường hợp khác với quy định tại điểm a khoản này thì cấp công trình của công trình trước và sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp không thay đổi.

25. Thông tư số 09/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nuôi con và cho con bú; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Theo Thông tư, quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các nội dung sau đây:

(1) Tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai về các đường lây nhiễm HIV, sự cần thiết của việc biết tình trạng nhiễm HIV, nguy cơ lây nhiễm HIV cho con và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV sớm trong giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

(2) Chỉ định xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

(3) Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

(4) Trả kết quả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Đối với phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV khi chuyển dạ, sinh con thì kết quả xét nghiệm HIV được trả cho cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm HIV trong thời gian sớm nhất và không quá 6 giờ kể từ thời điểm nhận mẫu.

(5) Tư vấn và xử trí sau xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai: Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính: Tư vấn về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chuyển gửi ngay đến cơ sở điều trị thuốc kháng HIV; Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, sinh con thì phải tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho mẹ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho cả mẹ và con, chuyển mẫu máu ngay để làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Trường hợp xét nghiệm HIV của người mẹ có kết quả không xác định, tiếp tục điều trị thuốc kháng HIV cho mẹ và con cho đến khi có kết quả xác định; trường hợp kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ được xác định là âm tính thì dừng điều trị thuốc kháng HIV; Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV: Tư vấn dự phòng nhiễm HIV và chuyển gửi phụ nữ mang thai tới cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

26. Nghị dịnh số 58/2021/NĐ-CP ngày 10/6/2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Nghị định nêu rõ: Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là: Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau: Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của một nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc.

Bên cạnh đó, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu; Có phương án kinh doanh đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô). Các tổ chức tham gia không có cam kết cung cấp thông tin tín dụng với công ty thông tin tín dụng khác; Có văn bản thỏa thuận về cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với tổ chức tham gia…

27. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 15/08/2021

Nghị định gồm 5 Chương, 41 Điều quy định cụ thể về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công; quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.

Về phân loại đơn vị sự nghiệp công: Nghị định đã quy định cụ thể 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công, trong đó nêu rõ đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm 1 phần kinh phí được chia làm 3 loại như sau: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Nghị định cũng cho phép đơn vị được tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ nguồn thu sự nghiệp bao gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; Thu từ cho thuê tài sản công, đơn vị  thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ thay thế các Nghị định sau: (1) Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; (2) Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; (3) Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; (4) Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: