1. Chính phủ: Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 14/8/2021 về mua bổ sung vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer
Theo đó, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Vaccine Pfizer. Ảnh: TTXVN.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3/8/2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vaccine.
2. Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 1079/CĐ-TTg ngày 14/8/2021 về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Công điện nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XIII; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đồng chí Bí thư tinh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến 79 luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Qua tổng hợp, rà soát của Văn phòng Chính phủ có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 Bộ2.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình, cụ thể như sau:
- Tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ (Phụ lục 1-10, gửi kèm). Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22 tháng 8 năm 2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10 năm 2021) cho ý kiến về dự án Luật này.
- Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung quy định trong các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư3, giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý III năm 2021. Các bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 05 tháng 10 năm 2021 (trong đó nêu rõ những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung; đối với những nội dung không sửa đổi, bổ sung phải giải trình rõ lý do không sửa đổi) để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15 tháng 10 năm 2021.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ được nêu trong Công điện này gồm: Bộ KH&ĐT 7 luật (Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật quy hoạch, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật PPP); Bộ Tài chính 6 luật (Luật NSNN, Luật phí, lệ phí, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật thuế TNDN, Luật dự trữ quốc gia); Bộ Công Thương 1 luật (Luật điện lực); Bộ TN&MT 2 luật (Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường); Bộ Xây dựng 5 luật (Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật quy hoạch đô thị, Luật kinh doanh bất động sản, Luật kiến trúc); Bộ GTVT 2 luật (Luật đường sắt, Luật hàng không VN); Bộ NN&PTNT 1 luật (Luật lâm nghiệp), Bộ TTTT 1 luật (Luật giao dịch điện tử); Bộ Tư pháp 2 luật (Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản); Bộ Nội vụ 2 luật (Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ).
3. Bộ Y tế: Công văn số 6589/BYT-KCB ngày 13/8/2021 về việc triển khai thực hiện công điện 1068 của TTg và bảo đảm duy trì công tác KCB thường quy
Trong Công văn, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện ngay các nội dung sau:
- Khẩn trương lên phương án, thiết lập cơ sở điều trị, bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và tăng cường năng lực chuyên môn sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại địa phương (địa phương có mức độ nguy cơ cao và nguy cơ rất cao theo Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19).
- Thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm giảm các trường hợp tử vong quy định trong công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường các thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
- Huy động toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch. Phân công các bệnh viện là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, thành phố) trở thành khu vực “Nguy cơ rất cao”.
- Bên cạnh việc tăng cường và tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm duy trì hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường:
+ Duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy của tối thiểu 50% số bệnh viện tuyến tỉnh và 50% số bệnh viện tuyến quận, huyện để thu dung điều trị các ca bệnh cấp tính theo chuyên khoa và quản lý điều trị ca bệnh mạn tính đang được quản lý tại các bệnh viện bị phong tỏa hoặc bệnh viện được huy động thành bệnh viện điều trị COVID-19.
+ Các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; cần nghiêm khắc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh nếu vi phạm.
+ Duy trì việc theo dõi, điều trị cho người bệnh có lịch hẹn tái khám nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị phong tỏa, cách ly y tế hoặc nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và không tiếp nhận người bệnh được; Hoặc người bệnh trong khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, hoặc cách ly y tế không tới được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lịch tái khám:
Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 6373/BYT-BH ngày 06/8/2021 về việc hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến dịch Covid-19.
Đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế đề nghị Sở Y tế tham khảo hướng dẫn tại công văn 6373/BYT-BH để hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ điều trị cho bệnh viện thuộc khu vực phong tỏa, cách ly y tế hoặc nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và không tiếp nhận người bệnh được.
+ Kê đơn thuốc điều trị ngoại trú: Đối với người mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
- Bảo đảm việc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện:
+ Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng người bệnh và người ra vào bệnh viện theo quy định, kiểm soát chặt chẽ đối tượng người nhà ở lại chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.
+ Áp dụng các nguyên tắc 5K đối với tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nhà.
+ Tăng cường sàng lọc đối tượng người nghi nhiễm tại tất cả các khoa lâm sàng. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên và định kỳ nhân viên y tế, người bệnh trong bệnh viện đặc biệt tại các Khoa Hồi sức cấp cứu; Khoa bệnh truyền nhiễm.
+ Tăng cường thông khí tự nhiên hoặc cơ học tại tất cả các bệnh phòng.
+ Bố trí khu vực cách ly tạm thời, vùng đệm tại tất cả các khoa lâm sàng để cách ly người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh mới vào điều trị nội trú.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh trong toàn bệnh viện.
4. Bộ Y tế: Công văn số 6577/BYT-KCB ngày 12/8/2021 về việc tuân thủ đúng các biện pháp vệ sinh môi trường bề mặt trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Công văn cho biết,hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện hình ảnh một số cơ sở KBCB chưa tuân thủ đúng các biện pháp vệ sinh môi trường bề mặt như: phun khử khuẩn môi trường trong và ngoài phòng bệnh; phun khử khuẩn lên người bệnh, người nhà người bệnh và đồ dùng cá nhân; phun khử khuẩn lên phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế; phun khử khuẩn lên chất thải...
Việc lạm dụng phun khử khuẩn như trên không những không có hiệu quả để khử khuẩn không khí, bề mặt mà còn gây hậu quả nặng nề như: ô nhiễm môi trường, lãng phí hóa chất, đặc biệt không an toàn cho sức khỏe của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Để bảo đảm tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống bệnh dịch, vệ sinh môi trường bề mặt trong cơ sở KBCB, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và Bệnh viện thuộc trường đại học chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB tại Quyết định 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Thực hiện đúng quy định vệ sinh môi trường bề mặt bằng phương pháp lau khử khuẩn, đặc biệt các bề mặt môi trường có sự tiếp xúc cao như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, phím bấm thang máy, phương tiện vận chuyển người bệnh...
- Không phun hóa chất khử khuẩn trong và ngoài bệnh phòng, lối đi, khu vực ngoại cảnh. Chỉ thực hiện phun khử khuẩn đối với bề mặt không thể lau và khi không có người trong khu vực đó.
- Tuyệt đối không phun khử khuẩn trực tiếp lên: nhân viên y tế; người bệnh, người nhà người bệnh khi đến cơ sở KBCB và khi kết thúc cách ly về địa phương; quần áo, đồ dùng cá nhân; phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế; chất thải và đồ vải.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ vệ sinh môi trường bề mặt và xử lý nghiêm các hành vi không đúng.
5. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội: Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm:
- Hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của Thành phố;
- Hỗ trợ 01 triệu đồng/người: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
- Hỗ trợ 01 triệu đồng/người: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động và đảm bảo điều kiện theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg;
- Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg;
- Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó:
+ Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 - hết ngày 31/12/2021;
+ Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021
+ Không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định 23/QĐ-TTg.
- Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp:
+ Phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - hết ngày 31/12/2021 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động); và
+ Không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định 23/QĐ-TTg.
- Hỗ trợ 03 triệu đồng/chủ cơ sở: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31-12-2021;
Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại các mục 4, 5, 6, 7 nêu trên trong các trường hợp sau:
+ Hỗ trợ bổ sung 01 triệu đồng/người: Người lao động đang mang thai;
+ Hỗ trợ bổ sung 01 triệu đồng/trẻ em (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em): Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi.
Về nguyên tắc hỗ trợ:
- Mỗi đối tượng chỉ hưởng 01 lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia;
- Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ nêu trên, trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng 01 chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất;
- Người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này;
- Người đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 3642/QĐ-UBND thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này
6. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội: Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19
Theo đó,hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 như sau:
Đối tượng và mức hỗ trợ
- Hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các trường hợp sau:
+ Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn Thành phố;
+ Các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10 mét khối nước/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội).
- Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân (ngoài các đối tượng nêu tại mục a khoản này).
Thời gian thực hiện: các tháng 9,10,11,12 năm 2021.
Nguồn kinh phí hỗ trợ: Ngân sách cấp Thành phố.
Phương thức hỗ trợ: Thành phố thực hiện hỗ trợ thông qua các đơn vị cấp nước để giảm trực tiếp tiền nước xác định theo hóa đơn của người sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị.
7. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội: Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về việc quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Cụ thể, ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hoả táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng dịch vụ hỏa táng tại các cơ sở hỏa táng của Hà Nội như sau:
+ Chi phí hỏa táng thi hài: 3.000.000 đồng/trường hợp; trường hợp là thi hài trẻ em dưới 06 tuổi: 1.500.000 đồng/trường hợp.
+ Chi phí vận chuyển: Thanh toán theo số km thực tế.
+ Chi phí khác: Áo quan hỏa táng: 1.250.000 đồng/trường hợp; túi đồ khâm liệm (nếu có): 500.000 đồng/trường hợp; bình đựng tro cốt: 250.000 đồng/trường hợp; lưu giữ bình tro: 15.000 đồng/trường hợp/ngày (theo số ngày lưu giữ thực tế, đến hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng tối đa không quá 365 ngày).
- Phương thức: Chi trả trực tiếp cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ xử lý thi hài người tử vong dương tính với SARS-CoV-2.
- Nguồn kinh phí: Ngân sách cấp Thành phố.
8. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Công văn số 2644/UBND-KGVX ngày 13/8/2021 về việc tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ lao động không theo Hợp đồng lao động bị mất việc (lao động tự do) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Theo đó, tại Công văn này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4658/SLĐTBXH-VLATLĐ về việc tháo gỡ khó khăn trong xác nhận để người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tiếp nhận hồ sơ để xem xét, giải quyết chính sách hỗ trợ lao động tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận. Trong đó, điều kiện để được nhận hỗ trợ gồm:
- Cư trú hợp pháp;
- Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021.
Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần.
Đồng thời, tổ chức tiếp nhận hồ sơ của lao động tự do bằng nhiều hình thức linh hoạt, thuận lợi nhất cho người lao động như trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến… nhằm giảm thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ của người lao động.
Việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách, niêm yết… cũng phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu gửi thông tin cho người lao động được nhận hỗ trợ đến nơi thường trú hoặc tạm trú bằng nhiều hình thức linh hoạt như qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...
9. Sở Chỉ huy Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 18/SCHTP ngày 10/8/2021 về việc rà soát, củng cố các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và các quận, huyện, thị xã
Tại Công văn này, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố chỉ đạo với các chốt trong nội bộ các quận, huyện, thị xã không bố trí chốt kiểm soát trên các trục đường quốc lộ, đường vành đai, đường trục chính, đường hướng tâm, đảm bảo các tuyến đường này thông suốt, không ùn ứ.
Trường hợp cần thiết, cấp bách phải lập chốt thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố. Khi xảy ra ùn ứ thì các chốt phải chủ động giãn cách người và phương tiện từ xa cũng như phải giải tỏa ngay.
Riêng các nhánh đường ngang, ngõ phố, tuyến đường chính vào các khu độ thị, khu dân cư... thì rà soát, tăng cường bố trí các chốt kiểm soát. Các lực lượng trực chốt phải làm việc nghiêm túc, hiệu quả thực chất.
Với 23 chốt tại các cửa ngõ ra, vào Thành phố, cần phải tăng cường vật tư, thiết bị y tế để test nhanh các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Khi có tình huống ùn ứ giao thông thì phải phân luồng phương tiện từ xa và cũng phải có phương án giải tỏa ngay...
Thu Hiền (tổng hợp)