Chúng ta thẳng thắn nhìn vào một thực tế: Không phải ở những thời điểm có dịch Covid-19, người lính Cụ Hồ mới phải sống xa gia đình, mới chịu những thiệt thòi về đời sống vật chất, tinh thần. Mà câu chuyện về dặm dài xa cách giữa “tiền tuyến” với “hậu phương” là đặc thù chung của biết bao mái ấm quân nhân, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Khi theo dõi Chương trình “Mảnh ghép hoàn hảo” tập 27, ngày 02-7-2021, trên VTV 9, không ít người xúc động về cảnh chia xa của các thành viên trong gia đình Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Mạnh Hùng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 198, Binh chủng Đặc công. Cuộc sống hôn nhân với 43 năm gắn bó, thì cũng gần bằng ấy năm người lính đặc công ấy sống xa gia đình, giữa anh và gia đình là những chuyến đi - về trong vội vã. Chị Đặng Thị Phụng, vợ anh Hùng, kể với chúng tôi về sự thiệt thòi của hậu phương người lính, nhưng trong ánh mắt chị vẫn ngời lên niềm tự hào về chồng mình. Chị bảo, lúc mới lấy nhau, vợ chồng chưa "quen hơi bén tiếng" thì anh đã lên đường nhận công tác xa. Cũng từ đó, anh đi biền biệt đến khi đứa con đầu lòng được một tuổi rưỡi thì anh mới có dịp về nhà. Khi ấy, ngay cả con gái cũng không thể nhận ra bố. Thế nên khi đi ngủ, con gái cứ quầy quậy đuổi bố ra khỏi giường, “không cho chú gì lạ hoắc nằm cùng mẹ”...

Là hậu phương Bộ đội Biên phòng suốt 9 năm, cũng là chừng ấy thời gian chị Trịnh Thị Phượng, vợ của Đại úy Phan Văn Hùng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) một mình tần tảo, khuya sớm chăm sóc, nuôi dạy con thơ để chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Dù không giấu được những giọt nước mắt trong câu chuyện dài, nhưng giọng chị Phượng khá kiên định, rắn rỏi: “Đã xác định lấy chồng bộ đội thì phải chấp nhận đối diện với vất vả, hy sinh; những lúc khó khăn, vất vả, con cái ốm đau phải một mình gánh vác... Thế nhưng, mình phải luôn cố gắng để vượt qua bởi chính anh cũng phải chịu nhiều thiệt thòi về mặt tinh thần khi phải sống xa gia đình, vợ con”.

Hay như câu chuyện của chị Hoàng Thị Ngọc, ở khu 2, xã Vĩnh Phú (Phù Ninh, Phú Thọ), có chồng công tác ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Cưới nhau hơn 17 năm, nhưng số lần vợ chồng được ở gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả hai lần chị sinh con, anh đều đang làm nhiệm vụ ngoài đảo. Đến khi cháu bé được 7 tháng tuổi, anh mới biết mặt con.

Vậy đó! Có rất nhiều sự hy sinh của người lính Cụ Hồ và hậu phương của họ mà chỉ những người trong cuộc mới thấm ngấm đến tận cùng; thấu hiểu hết giá trị đóng góp của cán bộ, chiến sĩ khi họ luôn vững vàng nơi tiền tuyến, giấu kín vào tâm khảm và gác lại sau lưng đầy ắp những hy sinh, thiệt thòi, mất mát. Và, những câu chuyện về sự hy sinh đó không hề lạ, không hề hiếm. Hiện nay, đang có hàng vạn cán bộ, nhân viên trong quân đội luôn làm được như thế! Họ buộc phải xa hậu phương do tính chất, đặc thù hoạt động quân sự; do yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau, đã có hàng vạn lượt sĩ quan quân đội phải ra Bắc, vào Nam thực hiện nhiệm vụ, buộc phải xa gia đình, vợ con đằng đẵng mấy chục năm liền.

2. Có chàng sĩ quan trẻ người gốc Hà Thành, gương mặt thanh tú, tính nết hiền lành, đang công tác tại một đoàn kinh tế quốc phòng thuộc Quân khu 2, đã mạnh dạn nói lên những điều đáng khâm phục. Giọng anh nhỏ nhẹ, nhưng ngữ nghĩa thật sâu sắc, càng tô đậm thêm khí chất cương trực của người sĩ quan lục quân: “Em phải rất quyết liệt mới có thể hiện thực được lý tưởng sống của mình. Khi quyết định vào quân đội, rồi lên vùng biên Tây Bắc này công tác, bố mẹ, người thân phản đối rất quyết liệt; thậm chí mẹ còn quát mắng đòi từ mặt. Mấy đứa bạn thân cũng xì xèo, chế nhạo, bảo em gàn dở hay sao mà lên chốn “khỉ ho cò gáy” ấy, trong khi gia đình thì đầy đủ điều kiện lo cho mình cuộc sống dư giả. Thế nhưng, em lại nghĩ khác: Biên cương là nơi đang cần mình, người dân nghèo đang cần mình. Nếu ai cũng lo cho bản thân thì ai nghĩ cho việc chung. Ai cũng muốn gần gia đình, muốn sinh sống nơi phố thị thì lấy ai bảo vệ biên cương bờ cõi... Vậy nên, khi cán bộ, chiến sĩ quân đội chấp nhận sống, công tác xa gia đình, xa người thân thì cũng có nghĩa là họ đang hành động để nhiều gia đình khác được ở bên nhau, sống cùng nhau trong hạnh phúc, sum vầy...”.

Không phải ở những thời điểm có dịch Covid-19, người lính Cụ Hồ mới phải sống xa gia đình. Ảnh minh họa: Phú Sơn.

Nhưng sự xa cách giữa người lính Cụ Hồ và người thân không đơn thuần được tạo ra từ khoảng cách địa lý, mà chủ yếu bị chi phối bởi đặc thù lao động quân sự. Với tính chất hoạt động 24/24 giờ, chịu áp lực lớn về tính chất, cường độ, được vận hành bởi tính kỷ luật nghiêm khắc, nên cán bộ, chiến sĩ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trong doanh trại đơn vị; gần như không có chuyện sáng đến cơ quan, chiều về với gia đình như cán bộ, công chức nhà nước hay các ngành, nghề, lĩnh vực làm việc theo giờ hành chính. Thậm chí, nhiều quân nhân có gia đình chỉ cách đơn vị vài trăm mét, nhưng cũng phải mấy tuần mới có thời gian để ghé qua nhà.

Vẫn nhớ mãi câu chuyện về một cán bộ sĩ quan chính trị công tác ở Cụm 2, đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) diễn ra cách đây hơn 10 năm trước. Anh có gia đình nhỏ ở Hải Phòng nhưng lại sinh ra, lớn lên trên quê lúa Thái Bình. Là cán bộ chính trị, lúc nào anh cũng nhẹ nhàng, điềm đạm, nụ cười luôn thường trực trên gương mặt. Thế nhưng, có một đêm trong những đêm ở lại đảo, tôi phát hiện anh một mình lặng lẽ đứng trước biển!

Nhận thấy tôi bắt chuyện với thái độ chân thành, nên dù ban đầu hơi dè dặt nhưng rồi anh vẫn chia sẻ về câu chuyện riêng tư. Anh kể về người vợ nơi quê nhà đã không chung thủy, đã ngã vào vòng tay người bạn thân nhất của anh. Anh biết rõ sự việc, nhưng giữ im lặng, vì như anh bảo: “Mình đau đớn thật, nhưng cũng thông cảm cho cô ấy. Trước sự xô bồ của cuộc sống, trước tác động của xã hội hiện đại, muốn có một người vợ thủy chung đợi chờ chồng như trong những năm kháng chiến thì không phải ai cũng làm được. Họ có thể chờ mình dăm ba năm, chứ không thể “chăn đơn gối chiếc” hàng chục năm...”.

Vậy đó, gắn với nghiệp binh buộc người lính Cụ Hồ phải khoác ba lô lên đường, đến với “tiền tuyến”, lên biên cương, về hải đảo, ra tiền tiêu, hoặc đến bất cứ nơi đâu trên đất nước này và gửi lại nơi quê nhà hậu phương yêu dấu. Nhưng cũng vì sự xa cách ấy mà không ít câu chuyện buồn đã ập đến với người lính theo cách trớ trêu và nghiệt ngã. Đó là nỗi đau về sự phản bội, về những chuyện tình yêu lứa đôi dang dở, về những đứa con khó bảo... Tất cả những hiện tượng đó, nếu người bố, người chồng vẫn hằng ngày kề cạnh thì có thể ngã rẽ đã khác, tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn.

3. Những nỗi đau, những tổn thương, tan vỡ của gia đình người lính như thế là sự thật đáng suy nghĩ. Thế nhưng, khi chúng tôi cố gắng kiếm tìm thêm những tư liệu, chi tiết hay một câu chuyện cụ thể, nhiều đồng đội đã chân thành ngăn lại. Các anh bảo, nếu cứ nói trần trụi sự thật thì e rằng những người đồng chí, đồng đội sẽ bị ảnh hưởng tư tưởng, họ sẽ bị chi phối về tinh thần; hay chí ít là những người hậu phương cũng xốn xang, khó nghĩ.

Thế nhưng, một khi người lính Cụ Hồ được trải lòng, đủ can đảm để nói lên sự thật, thì họ càng trở nên mạnh mẽ hơn, kiên định thêm. Trong suốt mấy chục năm qua kể từ ngày hòa bình lặp lại, gần như chẳng có một cán bộ, sĩ quan quân đội nào thoái thác, chối bỏ nhiệm vụ đơn vị giao. Dù là đi bất cứ đâu trên mọi miền Tổ quốc hay ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc tế; dù lên biên cương, ra hải đảo, dù xông pha vào tâm dịch, rốn lũ... bất luận trong mọi tình huống, người lính Cụ Hồ đều đón nhận nhiệm vụ một cách an nhiên, với quyết tâm sắt đá.

Người lính Cụ Hồ không quản ngại về những khó khăn, chấp nhận sự hy sinh thầm lặng, nhưng không vì thế mà giấu đi bức tranh hiện thực về những băn khoăn, trăn trở trong đời sống tư tưởng và cuộc sống thường nhật. Nắm rõ thực tế đó, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội đã hết sức chăm lo, động viên bộ đội bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về chế độ, chính sách, kịp thời quan tâm, động viên về mặt tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hậu phương quân đội. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy: Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công nhân, viên chức trong quân đội có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhiều sĩ quan vẫn công tác, thực hiện nhiệm vụ trong cảnh một chốn đôi ba nơi; khoảng cách giữa đơn vị công tác và hậu phương quá xa xôi, cách trở, có khi lên tới cả nghìn cây số. Nhiều sĩ quan vì nhiệm vụ phải xa nhà hàng chục năm, thậm chí hai, ba chục năm vẫn chưa có điều kiện hợp lý hóa gia đình...

Những bài toán thực tiễn ấy tuy khó nhưng rất cần sự trăn trở, tư duy đi tìm lời giải thấu đáo của cấp có thẩm quyền. Cần cố gắng làm sao để trong điều kiện thời bình, người lính Cụ Hồ có thể giải quyết vấn đề chung và riêng một cách hài hòa, hợp lý; làm sao để cán bộ, chiến sĩ có thể dốc tâm sức để cống hiến, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố giữ vững sự ấm áp, hạnh phúc, bình yên trong mỗi mái nhà quân nhân.

Cũng chủ ý phân trần thêm rằng: Khi cố tình nói về những khó khăn, vất vả và sự hy sinh của người lính Cụ Hồ, không có nghĩa là xướng lên bản tráng ca bi lụy, mà đó là dũng khí đối diện với sự thật. Cũng đã đến lúc phải phác họa một cách sinh động nhất, chân thật nhất bức tranh về thực tế đời sống cán bộ, chiến sĩ quân đội, để cơ quan chức năng, hệ thống chính trị và toàn xã hội thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành. Và hơn thế, bức tranh thực tiễn chân thật sẽ xua tan những bịa đặt, xuyên tạc về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình mà những kẻ hiềm khích cố tình tô vẽ nên.

 (còn nữa)

"Trước đây, mình nghĩ bộ đội lương cao, cuộc sống chắc sung sướng lắm, giờ mới hiểu những vất vả và khoảng lặng của các anh. Sống giường đơn, chiếu lẻ, xa gia đình, vợ con biền biệt, đời sống vật chất còn không ít thiếu thốn nhiều mặt... Đúng là chỉ có những người lính Cụ Hồ mới không nói về mình, mới không kêu than trước mọi gian khó!" - Chị Lê Thanh Trà, số 6, ngách 208/6, ngõ 208 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội phát biểu sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Khu cách ly thuộc Trường Sĩ quan Lục quân 1.

 

“Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng được nâng cao. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận hiếu với dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng và lợi ích bản thân để bảo vệ nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương khẳng định tại Hội nghị lần thứ nhất Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025.


Trần Tuấn - Tấn Tuân - Hoàng Tiến - Hồng Sáng

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: