Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

tuyen dung cong chuc

Tuyển dụng công chức đang rất được quan tâm để chọn ra những người có đủ năng lực, phẩm chất, đảm nhận các vị trí khác nhau trong cơ quan nhà nước. Tuyển dụng công chức là khâu đầu tiên có tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức. Trong quá trình thực thi công vụ, việc tuyển dụng đúng người, bố trí đúng việc sẽ cho thấy rõ hiệu quả hoạt động của đội ngũ này. 

Hiện nay, tuyển dụng công chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; cụ thể hóa tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo quy định hiện hành, tuyển dụng công chức có nhiều điểm mới so với trước đây, cụ thể.

1. Căn cứ tuyển dụng công chức

Quy định hiện hành nêu rõ việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế và thông qua thi tuyển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh. Hình thức thi, nội dung thi tuyển công chức phải phù hợp với ngành, nghề, đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Đối với một số trường hợp sẽ thực hiện xét tuyển theo quy định.

Như vậy, việc tuyển dụng công chức trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới phải thực sự xuất phát từ nhu cầu công việc thực tế của cơ quan, đơn vị. Để làm được điều này phải kết hợp đồng bộ cùng với việc xây dựng hệ thống danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, làm cơ sở để tuyển dụng đúng người, đúng việc, đúng số lượng, đảm bảo cơ cấu hợp lý.

2. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức

Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức được quy định gồm:

- Cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019. Bao gồm: “Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý”.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao biên chế, kinh phí hoạt động, có con dấu, tài khoản riêng và được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao biên chế, kinh phí hoạt động, có con dấu, tài khoản riêng và được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức.

Căn cứ quy định hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đã được cụ thể, rõ ràng hơn so với quy định trước đây.

3. Hình thức tuyển công chức

Ngoài 02 hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển công chức như trước đây, tại khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 chính thức bổ sung hình thức tiếp nhận vào công chức đối với các đối tượng:

- Có đủ 05 năm công tác trở lên làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo phù hợp vị trí việc làm cần tuyển: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải công chức;

- Bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp lĩnh vực tiếp nhận, được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc tương đương với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc… doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% hoặc trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;

- Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển đến các vị trí không phải cán bộ, công chức tại cơ quan khác. Riêng trường hợp này không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch và không yêu cầu phải có đủ 05 năm công tác trở lên.

4. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức

Tại Điều 4, Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định: “Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định”.

Như vậy, ngoài các điều kiện theo quy định trước đây, người dự thi công chức còn phải đáp ứng các điều kiện được bổ sung tại Điều 4 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP:

- Phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung;

- Báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định (trước đây chỉ quy định “báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng”).

5. Ưu tiên trong tuyển dụng công chức

          - Bổ sung đối tượng học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

- Bỏ quy định đối tượng đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 2,5 điểm vào kết quả vòng 2 quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

6. Thi tuyển công chức

Nghị định số 38/2020/NĐ-CP kế thừa  Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định thi công chức thông qua 02 vòng, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung như sau:

*Tại vòng 1: Nghị định số 161/2018/NĐ-CP chỉ quy định thi trắc nghiệm, còn quy định hiện nay nêu rõ vòng 1 thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung.

- Nội dung thi vòng 1 gồm 3 phần: phần 1 kiến thức chung, phần 2 ngoại ngữ, phần 3 tin học. Nội dung 3 phần này cơ bản giống quy định của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, tuy nhiên đối với phần kiến thức chung thì bỏ bớt một số nội dung không thi như: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; đồng thời bổ sung thi các kiến thức khác để đánh giá năng lực.

- Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau: Hiện nay, quy định nhiều đối tượng được miễn thi ngoại ngữ hơn so với quy định trước đây, cụ thể:

+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;

+ Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định;

+ Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

- Miễn phần thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin. So với Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì hiện nay mở rộng đối tượng được miễn thi tin học hơn.

*Tại vòng 2: Thi nghiệp vụ chuyên ngành

- Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định 02 hình thức thi là thi viết hoặc phỏng vấn. Nghị định 138 quy định 3 hình thức thi, cụ thể: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.

- Hiện nay bổ sung thêm quy định: Trường hợp cơ quan quản lý công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

7. Xét tuyển công chức

 Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, đối tượng xét tuyển công chức được quy định rất cụ thể, gồm: 

- Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

8. Chế độ tập sự

- Về thời gian tập sự Nghị định số 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định trước đây, cụ thể: 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D. Tuy nhiên, bổ sung quy định:

+ Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

+ Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

- Không điều động, bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng cơ quan, tổ chức hoặc sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Như vậy, hệ thống các quy định về tuyển dụng công chức ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, mang tính cụ thể, dễ áp dụng. Là cơ sở để đổi mới công tác tuyển dụng công chức, sẽ góp phần thực hiện thành công cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra một hệ thống giá trị để phục vụ tốt hơn nền hành chính công vụ trong giai đoạn mới.

Kim Anh (tổng hợp)

 

Bài viết khác: