“Bác đã về đây Tổ quốc ơi
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi” (Tố Hữu).
Đó là những dòng thơ nhắc nhớ chúng ta về ngày Bác Hồ của chúng ta về nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28-01-1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Đây là thời khắc vô cùng trọng đại đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự kiện đó đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam và cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Trước đó, khi được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, mùa Đông năm 1938, Bác Hồ đến Trung Quốc với tên là Hồ Quang, cấp bậc Thiếu tá, tìm cách về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 2/1940, mang bí danh “ông Trần”, Bác đến nhà ông bà Tống Minh Phương, Việt kiều, ở 76 đường Kim Bính, nội thành Côn Minh và Người đã chắp được mối liên hệ với Đảng và phong trào cách mạng trong nước qua Ban công tác Hải ngoại của Đảng.
Ngày 15/6/1940, Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22/6/1940, Pháp đầu hàng Đức vô điều kiện. Trước tình hình mới, Bác Hồ (lúc này mang tên mới “đồng chí Vương”) đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại và Người đã phân tích: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Tháng 5/1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó). Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Lúc này Mặt trận Việt Minh là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng.
Từ đây, Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn, người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Một là, tích cực tuyên truyền, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc
Hai năm 1941-1942 ở Cao Bằng, Bác viết rất nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu nước. Đặc biệt, ở tác phẩm Lịch sử nước ta (2/1942), Bác đã đưa ra một dự đoán thời gian nước nhà độc lập: “Việt Nam độc lập: 1945”. Và thực tế lịch sử đã chứng minh dự báo thiên tài của Người. Trước đó, tác phẩm Kính cáo đồng bào (6/6/1941) thể hiện rất rõ tư tưởng về giải phóng dân tộc: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa bỏng”.
Qua các tác phẩm này, Người đã khẳng định: “Làm cho ta mở mắt mở tai/ Cho ta biết đó biết đây... Cho ta biết nước non là gì...” (trích trong bài viết khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập); vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Mặt trận Việt Minh, đồng thời các tác phẩm của Bác Hồ đều nói lên rằng chúng ta phải thật sự kết đoàn để đấu tranh và đấu tranh thắng lợi.
Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng, Bác viết tác phẩm đầu tiên về quân sự Cách đánh du kích (1941). Tác phẩm đã góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu cho đảng viên và quần chúng cách mạng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm lịch sử và bước đầu nêu lên một số vấn đề về đường lối quân sự chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Cùng với đó, Bác cho mở các lớp quân sự rèn luyện cho quân và dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Khi quân Nhật chiếm Đông Dương (tháng 9-1940), kẻ thù của cách mạng Việt Nam và Đông Dương là Pháp - Nhật, thế lực quân Nhật ngày càng phát triển, Đảng xác định kẻ thù là Nhật - Pháp. Ngày 09-3-1945, Nhật làm đảo chính, gạt Pháp khỏi Đông Dương, kẻ thù lúc này là Nhật. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình mới, để có điều kiện kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước, từ đầu tháng 5/1945, Bác cho chuyển “đại bản doanh” cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ, tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tháng 8/1945, sau khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Bác ra chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đại hội đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, biểu thị ý chí và quyết tâm đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 8-1945, phong trào cứu nước phát triển đến đỉnh cao trên cả nước, quần chúng sẵn sàng hành động theo sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đội quân xâm lược của Nhật liên tiếp thất bại trước sự tiến công của Liên Xô và Đồng minh, khiến chúng buộc phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh (ngày 15-8-1945). Quân Nhật ở Việt Nam hoang mang, mất sức chiến đấu. Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”. Mục tiêu của ta là “giành quyền độc lập hoàn toàn”. Đảng đề ra 3 nguyên tắc chỉ đạo khởi nghĩa là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ giành độc lập, giành chính quyền; thống nhất về quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng xác định: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc. Thực hiện quyết định của Đảng và lãnh tụ, Quốc dân đại hội được triệu tập họp ở Tân Trào ngày 16-8-1945, thành lập Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa của cả nước và khi khởi nghĩa thành công trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hai là, về xây dựng lực lượng cách mạng.
Trong suốt quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng vai trò của giai cấp công nhân, nông dân và liên minh công nông, nhưng Người không xem nhẹ vai trò cách mạng của các giai cấp, tầng lớp khác. Người từng nói, công nông là gốc cách mạng. Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ đều là bầu bạn cách mạng của công nông. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông và phú nông, trung tiểu địa chủ, tư sản chưa rõ mặt phản cách mạng, chí ít làm cho họ trung lập... Người lại nói: "Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, có tài năng góp tài năng."
Người chú trọng xây dựng cả hai lực lượng: Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trên cơ sở xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang; cơ sở chính trị mở rộng đến đâu, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đến đó. Ngay khi vừa về Pác Bó, cùng với việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng phong trào Việt Minh ở Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã lựa chọn một số hội viên cứu quốc gửi ra nước ngoài đào tạo về quân sự.
Ngoài việc biên soạn và biên dịch một loạt tài liệu để huấn luyện quân sự, Người đã Chỉ thị thành lập đội vũ trang chính quy mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ: “Trung với nước, Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Bản chỉ thị nêu rõ lý do phải tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, phải vũ trang toàn dân; nêu rõ phương châm tác chiến, phối hợp tác chiến, chiến thuật, mối quan hệ giữa đội chủ lực với vũ trang địa phương... Với những tài liệu và chỉ thị, với cách thức tổ chức, huấn luyện và sự quan tâm thiết thực của Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ trong thời gian này cũng đủ nói lên rằng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu rõ những quan điểm quân sự của Đảng ta một cách có hệ thống, là người đặt cơ sở cho lý luận quân sự hiện đại Việt Nam. Hồ Chí Minh là người sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng, là người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ba là, đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, phát huy nội lực nhưng luôn tìm cơ hội tranh thủ ngoại lực.
Việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thể hiện tư tưởng đoàn kết toàn dân trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong một thời gian ngắn, Việt Minh đã phát triển thành một tổ chức rộng lớn, mạnh mẽ, đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập, tự do. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét rằng: "Cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm ra những hình thức tốt nhất để tổ chức nhân dân”.
Mặt khác, tình hình trước tổng khởi nghĩa ở nước ta vô cùng phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt là vấn đề liên lạc, thống nhất và đoàn kết các lực lượng tham gia kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sáng tạo lời chỉ dẫn của Lênin và góp một cống hiến quý giá về chủ trương thêm bạn, bớt thù trong Cách mạng tháng Tám. Đó là: Chỉ có thể thắng được kẻ địch mạnh hơn bằng một sự nỗ lực hết sức lớn và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo, bất cứ một "rạn nứt" bé nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù... Cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để nắm cho được một bạn đồng minh mạnh về số lượng; dù đó là một bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít vững chắc và ít đáng tin cậy. Do vậy, Người đã "tranh thủ" được sự giúp đỡ của Đồng minh. Cho nên đến những ngày đầu tháng 5/1945, quân và dân ta vẫn còn nhận được một số thuốc men, vũ khí để đánh phát xít Nhật.
Có thể nói, sự kiện Bác Hồ về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, tạo nên bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam, cùng với Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách nhằm thúc đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử. Bên cạnh đó, từ những hoạt động thực tiễn đấu trang cách mạng, Người đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Trong đó, đặc biệt là bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Những bài học luôn là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay./.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình