Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết với những chính sách đúng đắn, kịp thời, linh động, với lòng yêu nước và sức đoàn kết hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi. Bài học quý giá đó đang được phát huy cao độ trong tình hình hiện nay, nhất là phòng, chống dịch COVID-19.
Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)
ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay. Không giống như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo du nhập từ ngoài vào, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết xuất phát từ tình cảm của con người Việt Nam đối với quê hương xứ sở, được củng cố và vun bồi bởi những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống xâm lược; là sản phẩm của lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Khởi nghĩa, cách mạng, kháng chiến hay xây dựng đất nước, thời nào cũng vậy, có hai nhân tố chủ yếu cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định, đó là lãnh đạo tổ chức và sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân mà hạt nhân là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng giải phóng, phát triển.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta. Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng và giữ nước của cha ông cho thấy lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Trần Quốc Tuấn chỉ ra nguyên nhân căn bản làm nên thắng lợi của quân dân đời Trần thế kỷ XIII trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Ông dặn vua Trần “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi từng nghe “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” đi tới đúc kết trong Bình Ngô đại cáo:
“Nêu hiệu gậy làm cờ, tụ họp bốn phương dân chúng.
Thết quân rượu hòa nước, dưới trên đều một bụng cha con”.
Theo Nguyễn Trãi, vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Ông chỉ rõ “chở thuyền là dân. Lật thuyền là dân. Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước”. Thời Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung trong các cuộc chiến đấu, lúc thắng lúc bại, nhưng rồi cuối cùng vẫn thắng vì dân ta đoàn kết và kiên gan, “đồng tâm, hiệp lực mấy phen đuổi tàu”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2.
Từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng, đoàn kết gắn với lãnh đạo tổ chức chặt chẽ. Các hình thức mặt trận ra đời để tăng cường sức mạnh đoàn kết. Phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dươngnhững năm 1936-1939, bên cạnh những ưu điểm lớn, cũng để lại bài học kinh nghiệm quý báu về lòng dân và đoàn kết như Bác Hồ đã chỉ ra: “Nó dạy cho chúng ta rằng: Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy cho chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan hẹp hòi”3. Tiếp đó, với chính sách của Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, một luồng gió mới về đoàn kết được thổi đến. Những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương cho thấy đồng bào ta quyết nối gót tổ tiên, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích, giành tự do độc lập. Nhưng việc lớn chưa thành mà nguyên nhân như Bác Hồ chỉ ra là “không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”4.
Để thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi Pháp, Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền, khôi phục lại độc lập tự do, Bác Hồ nhấn mạnh dân ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn. Người kêu gọi:
“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Bất kỳ nam nữ, giàu nghèo,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta”5
Đúc kết các bài học kinh nghiệm quý báu của tổ tiên và mấy chục năm đầu khi Đảng ta vừa ra đời, từ năm 1941, với quyết định “thay đổi chiến lược” tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng ta và Bác Hồ đã đem lại một sinh khí mới, một năng lượng và xung lực mới cho đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phù hợp với tình hình thay đổi và xuất phát từ thực tiễn, mà thực tiễn lớn nhất từ khi dân ta chịu ách áp bức một cổ hai tròng cả Pháp và Nhật là yêu cầu, nguyện vọng bức thiết của nhân dân, Đảng ta nhận định cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp giành tự do độc lập. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc.
Đảng chỉ rõ chiến thuật vận động là làm thế nào có lợi cho việc cốt yếu đánh đuổi Pháp - Nhật, thực hiện cho được cách mạng giải phóng dân tộc. Đảng ta xác định điều cốt tủy là phải có một phương pháp làm sao đánh thức được lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam. Xác định tên gọi của mặt trận phải thể hiện được một mãnh lực dễ hiệu triệu và có thể thực hiện được trong tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, Đảng ta và Hồ Chí Minh quyết định tên gọi mặt trận là Việt Nam độc lập đồng minh, nói tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, tranh lại độc lập, hoãn cách mạng ruộng đất.
Bài học xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn; xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân được Đảng ta và Bác Hồ vận dụng vào khi thành lập, tổ chức và triển khai hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Đảng ta xác định sự thống nhất và sức mạnh của Việt Minh không phải trên hình thức và lý thuyết, mà giá trị và hiệu quả là căn cứ vào hành động, mà cốt yếu và hạt nhân là cứu quốc. Từ đó các tổ chức cứu quốc được thành lập như: Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Quân nhân cứu quốc hội, Văn nhân cứu quốc hội, Giáo viên cứu quốc hội, Phụ lão cứu quốc hội, Học sinh cứu quốc hội, Nhi đồng cứu vong hội. Đảng cũng chủ trương mở rộng tổ chức vào trong các tầng lớp khác có ít nhiều tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp - Nhật, thành thực cứu nước, cứu dân, muốn giải phóng dân tộc, như cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ. Đó có thể là tổ chức Ủng hộ quỹ Việt Minh, hay Phú hào cứu quốc.
Đảng gợi ý Việt Minh ra khẩu hiệu, điều lệ, phương pháp tổ chức phải linh hoạt, mềm dẻo, thích hợp từng lúc, từng nơi, lấy thực tế lợi ích làm trọng để dễ thu phục hội viên và tạo điều kiện cho các đoàn thể phát triển. Lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc, Việt Minh khêu gợi tinh thần ái quốc mạnh mẽ thức tỉnh một cách thống thiết những tình cảm ái quốc của nhân dân. Đảng lãnh đạo Việt Minh nhưng nhân danh là một đoàn thể cứu quốc khác. Ở đó, nhờ đường lối chính trị đúng đắn và tinh thần hy sinh của Đảng, nên có ảnh hưởng lớn và uy tín mạnh để lãnh đạo toàn dân hăng hái chống quân thù. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là khơi dậy lòng yêu nước, đề cao tinh thần ái quốc, cứu quốc để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nên “phải tránh những lối tuyên truyền khô khan, trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền… không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”6.
Bộ đội Hóa học phun thuốc khử khuẩn tại Bệnh Viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Việt Minh công bố 10 chính sách vừa ích quốc vừa lợi dân, có những điểm chung cho quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, có những điểm đấu tranh cho quyền lợi của từng giai cấp. Vì thế Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và phát triển rất mau, rất mạnh. Đảng cũng phát triển và giúp cho anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam để thu hút thanh niên trí thức và công chức Việt Nam.
Nhận rõ vai trò, sức mạnh của đoàn kết, trong Kính cáo đồng bào tháng 6/1941, Bác nhấn mạnh chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Kết thúc bài thơ Mười chính sách của Việt Minh, Người viết:
“Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”7.
Giữa tháng 8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng nô nức, hừng hực khí thể khởi nghĩa. Đảng họp hội nghị toàn quốc ở Tân Trào khẳng định cơ hội tốt cho dân tộc ta giành độc lập đã tới và quyết định chương trình hành động. Sau đó, Đại hội quốc dân họp nhất trí chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Chương trình của Việt Minh.
Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, mở đầu Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO”8. Tiếp đó Người viết: “Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập. Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn mạnh mẽ… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”9. Sức ta ở đây là lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và khát vọng độc lập của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi hoàn toàn.
ĐẠI ĐOÀN KẾT TRONG CÔNG CUỘC CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19 HIỆN NAY
Lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của đất nước con Rồng cháu Tiên đã được phát huy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trở thành bài học quý giá đưa tới thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, đang hiện hữu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những trận dịch lớn, nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch như dịch COVID-19 hiện nay. Khẩu hiệu xuyên suốt của chúng ta hiện nay là “chống dịch như chống giặc!”. Tuy nhiên, dịch COVID-19 không giống giặc ngoại xâm, nên cuộc chiến chống dịch vừa có điểm giống vừa có điểm khác chống giặc.
Điểm khác biệt dễ nhìn thấy trước hết là chống giặc hình thành trận truyến khá rõ rệt, có tiền tuyến và hậu phương, trong khi chống dịch phải xác định ở đâu cũng là “tiền tuyến”, hôm nay có thể là “hậu phương”, nhưng ngày mai là “tiền tuyến”. Chống dịch phải quán triệt phương châm “phòng bệnh đi đôi với chữa bệnh, trong đó phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh chủ yếu là vaccine và thông điệp 5K. Trong chống giặc không đó quan niệm đó. Giặc trước đây là bọn tư bản và đế quốc chủ nghĩa hiếu chiến, xâm lược. Các nước thuộc địa, phụ thuộc và nhỏ yếu chống xâm lược. Dịch COVID-19 không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển; nước giàu nước nghèo; không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo, nó có mặt ở hầu khắp toàn cầu, mang tính quốc tế sâu, rộng. Giặc nhiều âm mưu, thủ đoạn quỷ quyệt, nham hiềm, nhưng nhìn chung tính “biến thể” không nhiều, nếu có cũng dễ phát hiện, trong khi tính biến thể của dịch COVID-19 nhanh và rất khó lường. Đó là những khác biệt cơ bản giữa giặc trước đây với “giặc COVID” hiện nay. Tuy nhiên, cần nhận thức những điểm chung giống nhau rất quan trọng giữa giặc và dịch để có phương thức chống giặc COVID-19 có hiệu quả.
Cách mạng Tháng Tám, toàn dân ta đoàn kết chống đế quốc chủ nghĩa - hơn Việt Nam về phương thức sản xuất. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta đã chiến thắng. Nay chống dịch COVID-19 cũng chưa có tiền lệ, đất nước ta tin tưởng sẽ chiến thắng. Các nước đế quốc chủ nghĩa, xâm lược Việt Nam trước đây hay COVID-19 hiện nay đều được coi là giặc. Mà muốn chống giặc thì phải phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Những biểu hiện, việc làm cụ thể rất khác nhau nhưng bản chất của yêu nước và đoàn kết là không hề thay đổi.
Tinh thần lời Kính cáo đồng bào của Bác Hồ để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc để đánh đuổi giặc xâm lược tháng 6/1941 vẫn vẹn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay. Theo tinh thần của Bác, thời gian qua, Đảng và Chính phủ nhấn mạnh phải đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Lời của Bác đang vang vọng những ngày này, đó là việc chống dịch là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng, sáng kiến góp tài năng, sáng kiến. Người ra tuyến đầu, người ở trong nhà theo cách hiểu “hậu phương”. Tất cả đoàn kết lại đẩy lùi giặc COVID-19 để đưa đất nước và cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ Đảng lãnh đạo và sức mạnh của Mặt trận Việt Minh. Hiện nay dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư với quyết tâm cao của người đứng đầu, cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân chung sức đồng lòng. Trước đây, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, dân ta tổ chức thành những hội cứu quốc, tất cả vào “Việt Nam hội”, đồng tâm hiệp lực, muôn người một lòng, vì một Việt Nam hoàn toàn độc lập. Còn hiện nay, rất nhiều lực lượng hình thành các tổ chức chống dịch như đội ngũ y bác sĩ, công an, bộ đội, sinh viên ngành Y, nhiều tỉnh tổ chức các lực lượng lên tuyến đầu, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này.
Cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện nay Đảng và Chính phủ đặc biệt chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết và sự ủng hộ của quốc tế. Vấn đề có tính quyết định thắng lợi trong cuộc chiến chống COVID-19 vẫn là vaccine. Đảng và Chính phủ thời gian qua đã làm rất tốt chính sách “ngoại giao vaccine”. Cùng với lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của đội ngũ khoa học ngành y dược trong sản xuất vaccine “Madein Việt Nam”, sự giúp đỡ, ủng hộ của bè bạn quốc tế là vô cùng quý báu. Bài học về đoàn kết quốc tế không chỉ có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn chống dịch COVID-19 hiện nay, mà có có ý nghĩa lâu dài trong công cuộc đổi mới.
Thật xúc động biết bao, trước đây, ở thời điểm quan trọng nhất của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời Kính cáo đồng bào kêu gọi toàn dân đoàn kết. Ngày nay, trong giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống dịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; chúng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; chúng ta đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”. Lời kêu gọi được phát đi đúng thời điểm, đi vào trái tim của mỗi một đồng bào Việt Nam yêu nước.
Cũng như thời Cách mạng Tháng Tám, hiện nay Đảng và Chính phủ xác định càng trong thử thách gian nguy thì lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết lại càng vững vàng, bền chặt và cao hơn bao giờ hết. Việt Nam vừa chống dịch vừa rút kinh nghiệm, xuất phát, bám sát thực tế với rất nhiều cách làm năng động, sáng tạo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Thật sự cảm động với những “siêu thị 0 đồng”, “suất cơm nghĩa tình”, rau củ quả của đồng bào dân tộc ít người - dù còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn - vẫn dành cho nhân dân vùng dịch. Hàng trăm tổ chức từ thiện đi khắp các ngõ ngách, khu phố ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu cho dân. Những đoàn xe, đoàn tàu, chuyến bay từ các tỉnh ở miền Bắc, đem theo vật dụng y tế, vaccine kịp thời chi viện cho đồng bào miền Nam.
Có thể thấy bài học về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám đang được phát huy cao độ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay. Chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự chung sức đồng lòng muôn người như một của cả dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trận chiến “chống dịch như chống giặc” nhất định sẽ thắng lợi trong thời gian không xa./.
PGS. TS Bùi Đình Phong
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Phương Thành (st)
1, 4, 5, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.261, 230, 266, 243, 595, 595-596.
2, 3. Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.38, 21.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.126-127.