Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã cùng Đảng và Bác Hồ sáng lập, xây dựng và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của Ông gắn liền với những mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc. Thế giới đánh giá Ông là thiên tài quân sự của thế kỷ XX, chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân - vị Đại tướng của nhân dân.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 (25/8/1911 - 25/8/1996) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu tặng Ông câu đối: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”, có nghĩa là: sự nghiệp quân sự của tướng Võ lưu truyền trong lịch sử của dân tộc; Văn hóa, đạo đức trùm lên lòng người. Đại tướng là con người hội tụ đầy đủ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, phát huy, phát triển thành nhà quân sự đại tài, nhà văn hóa lớn. Ông là vị Tướng vì hòa bình, vị Tướng của Nhân dân. Ở Ông có ba đức tính toàn vẹn: Nhân (yêu nhân dân, nhân hậu), Trí (trí tuệ, sáng suốt trong các quyết định, mệnh lệnh trọng đại), Dũng (cử chỉ, hành động anh hùng).
Từ một thầy giáo dạy sử, Ông trở thành vị tướng lừng danh, dù không một lần qua trường võ bị. Con mắt tinh đời và sự nhạy cảm tuyệt vời “Đắc nhân tâm” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện thấy ở Võ Nguyên Giáp tài năng và phẩm hạnh của một chân tài - Thực Đức và Thực Tài để giao việc lớn - suốt đời cầm quân đánh giặc. Ba mươi ba tuổi, Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách chỉ huy “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, với 34 đội viên mà hầu hết là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có Pác Bó - đầu nguồn, quê hương cách mạng. Bác Hồ tin cậy trao cho Ông nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy Đội quân đó - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này; đọc lời thề danh dự, xuất quân đánh thắng ngay trận đầu để gây thanh thế. Hai chiến thắng (Phai Khắt, Nà Ngần) đã khởi nguồn cho những kỳ tích lịch sử của Quân đội cách mạng mà ngay từ đầu đã gắn chặt chính trị với quân sự; mỗi cán bộ, chiến sĩ trước hết phải là một cán bộ tuyên truyền và xuất phát từ hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta - mỗi người dân là một người lính với chủ trương “chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau”, “có dân thì rồi sẽ có súng và có tất cả”. Võ Nguyên Giáp đã thực hành xuất sắc tư tưởng thiên tài đó của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Quân đội do tướng Giáp chỉ huy là Quân đội cách mạng, Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, quân với dân như cá với nước. Nhân dân là nền tảng của Quân đội, là cha mẹ của Quân đội; từ tướng lĩnh đến binh sĩ đều thấm nhuần và thực hành chỉ dẫn đó của Bác Hồ - Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Hiếm có nước nào trên thế giới trong thế kỷ XX như Việt Nam - một đất nước, một quốc gia - dân tộc hình thành từ rất sớm, có truyền thống lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm dựng nước đi liền với giữ nước; thường xuyên phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược tàn bạo, mạnh hơn mình gấp nhiều lần về quân đông, tướng mạnh, giàu có về vật chất và vũ khí nhưng rốt cuộc đều thất bại thảm hại trước sức mạnh thần kỳ Việt Nam. Đó là lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trí tuệ thông minh, lòng dũng cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình nhưng đất nước phải đi qua cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài 30 năm (1945 - 1975) để có được hòa bình thực sự gắn liền với độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất giang sơn. Dân tộc ấy đã sản sinh ra lãnh tụ của mình, từ tuổi thanh niên đã ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình kéo dài 30 năm, tự mình dấn thân, hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và Nhân dân. Đó là: Tất Thành - Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, “Người đi tìm hình của Nước”, “Người anh hùng dân tộc vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Cuộc hành trình độc đáo, sự nghiệp vĩ đại ấy và nhân cách cao thượng ấy là trường hợp hy hữu của lịch sử. Trên thế giới, hiếm có một nước nào như Việt Nam: Quân đội nhân dân chưa đầy một tuổi đã làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX và cũng chính Quân đội ấy, mới mười tuổi đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ năm 1954 “chấn động địa cầu”, rồi Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, ở Hà Nội. Ở tuổi 30, Quân đội ta đã làm nên khúc ca khải hoàn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vị Tổng Tư lệnh Quân đội ấy - Quân đội quyết chiến, quyết thắng dưới ngọn cờ của tư tưởng Hồ Chí Minh và nền tảng sức mạnh là nhân dân hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng, đùm bọc, tình quân dân thiêng liêng như tình mẫu tử - đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người “Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng của lòng dân, Đại tướng của Nhân dân - bậc Nhân tướng thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa,
Thanh Hóa tại Lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh
Trong tiểu sử Đại tướng, chúng ta biết đến những sự kiện quan trọng, cuộc đời Ông gắn liền với những bước ngoặt của dân tộc và nhân dân, Cách mạng Tháng Tám thành công, Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khi ấy mới 34 tuổi. Năm 1948, mới 37 tuổi, Ông đã được phong hàm Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam rồi Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh và Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Tiễn Tướng quân ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: ngoài biên ải Tướng quân được toàn quyền, trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh và đã đánh thì phải thắng. Trong cuộc đời binh nghiệp, Đại tướng đã cùng quân, dân ta đánh bại tám tướng Pháp và bốn tướng Mỹ; “đánh thắng hai đế quốc to” là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm rạng rỡ truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng của Nhân dân - Võ Nguyên Giáp cùng với các tướng lĩnh dưới quyền và toàn thể cán bộ, chiến sĩ do Ông lãnh đạo, chỉ huy đã giữ trọn lòng “Trung - Hiếu”, trung với Nước, hiếu với Dân, thực hiện xuất sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1. Ông không chỉ rèn luyện cán bộ, chiến sĩ của mình về tài thao lược, mưu trí sáng tạo và dũng cảm mà còn đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, đoàn kết, tướng sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, nhất là suốt đời gần dân, thương dân, “kính trọng, lễ phép với nhân dân”. Ông còn là tấm gương mẫu mực về phong cách dân chủ và dân vận, được nhân dân hết lòng tin tưởng, thương yêu, ân tình sâu nặng. Đại tướng của Nhân dân, Quân đội nhân dân, “Bộ đội Cụ Hồ” thực sự luôn “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân hy sinh”; là kiểu mẫu về công tác dân vận “khi sắp đến thì dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi thì dân nhớ”. Một Quân đội như vậy, lại có các tướng lĩnh tài ba mà điển hình là bậc Nhân tướng Văn Võ song toàn Võ Nguyên Giáp và có Nhân dân làm bức tường thành kiên cố thì không một kẻ thù nào có thể thắng được.
Việc Đảng, việc Nước, việc Dân, phân công việc gì cũng làm cho thật tốt, “vì nhân dân phục vụ”, đó là những điều Ông nói khi nhận trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách Kế hoạch hóa gia đình và Khoa học kỹ thuật. Đại tướng lừng danh một thời xông pha trận mạc nay lại với tầm nhìn chiến lược, chăm lo cho chất lượng con người và triển vọng phát triển nền khoa học - công nghệ nước nhà, sao cho có những đỉnh cao, thành tựu và nhiều nhân tài trí thức để ích quốc lợi dân, để dân tộc cường thịnh, trường tồn. Đại tướng của Nhân dân, vì Nước vì Dân, đã có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực này. Đến những năm cuối đời, Ông đã có cống hiến to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng đặt nền móng cho ngành Hồ Chí Minh học ở nước ta với cương vị cố vấn chương trình khoa học - công nghệ quốc gia nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh (mã KX.02/1991-1995), đồng thời trực tiếp làm chủ nhiệm Đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, chủ biên công trình lớn, đặc sắc “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam”.
Đại tướng là hiện thân của lòng nhân ái bao la, rất mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Hiếm có vị Tổng Tư lệnh nào đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ, lo từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn, viên thuốc cho chiến sĩ như Đại tướng. Ông luôn trăn trở, nghĩ suy đêm ngày mỗi khi phải quyết định trận đánh, sao cho tiết kiệm tối đa xương máu của đồng đội, tổn thất ít nhất mà chiến thắng lớn nhất. Mỗi khi về thăm lại Điện Biên Phủ - chiến trường xưa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thắp nén hương trên từng nấm mộ đồng đội, Ông đã khóc. Đó là giọt nước mắt thiêng liêng nhỏ xuống từ đôi mắt nhân từ, trên gương mặt của bậc Nhân tướng. Trái tim Ông chan chứa nhân tình, tấm lòng rộng mở với tâm hồn thấm đẫm chất nhân văn cao quý, sâu thẳm tình người. Mỗi lần thăm lại chiến trường xưa, Ông chu đáo, ân cần thăm hỏi đồng bào nơi xóm thôn, làng bản, tay bắt mặt mừng, nói chuyện với người dân bằng tiếng dân tộc của họ mà Ông đã tự học từ những ngày ở chiến khu cách mạng. Nghe Ông nói mà đồng bào đã khóc vì cảm động trước tấm lòng vị Đại tướng của Nhân dân. Ông đã coi Cao Bằng - cái nôi của cách mạng như quê hương thứ hai của mình. Vào những năm cuối đời, Ông vẫn muốn về với đồng bào một lần nữa mà không đi được vì tuổi đã cao, sức yếu. Con trai út của Đại tướng - anh Võ Hồng Nam thay mặt Ông, chuyển đến đồng bào tình cảm ơn nghĩa thủy chung, trước sau như một của bậc Nhân tướng. Anh ghi lại âm điệu, tiếng nói, chữ viết của đồng bào và mang theo mảnh giấy đó về Hà Nội đưa cho cha đang điều dưỡng dài ngày trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đại tướng đọc rồi mỉm cười và ra hiệu lấy bút để Ông dịch ra tiếng phổ thông. Thì ra, bà con hỏi Ông “Đại tướng có khỏe không?”. Đồng bào dặn, “Đại tướng phải thật khỏe, phải sống lâu để còn lên lại chốn này với bà con. Ai ai cũng thương nhớ Đại tướng”. Thật cảm động biết bao trước một tấm lòng “Đại tướng của Nhân dân” và “Nhân dân trong lòng Đại tướng”. Và lời nói hồn nhiên, giản dị của Đại tướng những năm tháng cuối đời: nếu không có chiến tranh thì tôi mãi mãi là một thầy giáo dạy sử. Làm xong công việc thì tôi lại về nhà tôi. Lời lẽ giản dị, mộc mạc, hồn nhiên là vậy nhưng đã toát lên tâm hồn minh triết, an nhiên tự tại của vĩ nhân - mãi được quân và dân cả nước khắc ghi.
Cũng như Bác Hồ khi Người về với tổ tiên, với Mác - Lênin và thế giới người Hiền, ngày Đại tướng về với Bác Hồ, “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Đại tướng đã ra đi nhưng Đại tướng sống mãi trong lòng Nhân dân. Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ Quốc tang cho Đại tướng. Thật tự nhiên và thiêng liêng, cảm động. Quốc tang đã trở thành Dân tang, vạn vạn, triệu triệu người, từ em nhỏ tới cụ già đã để tang Đại tướng, đưa tiễn Đại tướng về quê Mẹ - Quảng Bình, nơi an nghỉ cuối cùng ở Vũng Chùa, Đảo Yến, theo di nguyện của Ông.
“Lệ kết thành thơ” tiễn Ông về cõi vĩnh hằng. Trong hàng ngàn bài thơ, hàng vạn câu thơ khóc thương Đại tướng của đồng bào, đồng chí, đồng đội tiễn Ông về với Bác Hồ, Đại tướng của Nhân dân đã được tôn vinh xứng đáng tự lòng dân, từ sự ngưỡng mộ, tôn kính, tự hào và lòng biết ơn vô hạn của Nhân dân dành cho Ông: “Văn lo việc nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng Dân, Võ hóa Văn”. Đại tướng của Nhân dân bất tử trong lòng dân, trong muôn triệu trái tim của muôn thế hệ người Việt Nam.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Tâm Trang (st)
_______________
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.