Xây dựng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm cao là yêu cầu cấp thiết trước tình hình đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, tuyển dụng viên chức là khâu đầu tiên, quyết định chất lượng nguồn nhân lực mà các cơ quan, tổ chức hết sức quan tâm, chú trọng.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức sửa đổi năm 2019: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Với quy định như trên, có thể thấy, những đặc điểm cơ bản của viên chức: Là công dân Việt Nam (người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam); viên chức phải là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm; được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Tuyển dụng viên chức là “việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” theo Khoản 4, Điều 3, Luật Viên chức sửa đổi năm 2019. Do đó, yêu cầu đối với cá nhân được tuyển dụng làm viên chức gồm: Phẩm chất, tư cách đạo đức; trình độ; năng lực làm việc.

Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức được quy định tại Luật Viên chức năm 2010, Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 và cụ thể hóa tại Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định hiện hành, tuyển dụng viên chức có nhiều điểm mới so với trước đây, cụ thể:

1. Căn cứ, nội dung kế hoạch tuyển dụng viên chức

- Quy định hiện hành nêu rõ việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Trước đây, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không quy định nội dung này.

- Hiện nay nội dung kế hoạch tuyển dụng quy định cụ thể về: Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức; Số lượng viên chức cần tuyển ở từng vị trí việc làm; Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm; Hình thức nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển…

2. Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức như:

- Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức  nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

- Bổ sung quy định người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

3. Đối tượng ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển

So với quy định trước đây, đã bổ sung thêm trường hợp được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã… Đồng thời, loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên 02 đối tượng là con của người hoạt động Cách mạng trước tổng khởi nghĩa từ ngày 19/8/1945 và đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

4. Thi tuyển viên chức

- Bổ sung quy định thời gian thi thực hành khi thi tuyển viên chức do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển;

- Bổ sung hình thức thi viết tại vòng 02 của kỳ thi tuyển dụng viên chức (trước đây chỉ có phỏng vấn hoặc thực hành)...

5. Xét tuyển viên chức

 Quy định hiện hành cơ bản kế thừa Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, tuy nhiên việc xét tuyển viên chức đã bổ sung hình thức thi viết, bên cạnh việc thi phỏng vấn, thực hành như Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

6. Tiếp nhận vào viên chức

So với quy định trước đây, bổ sung thêm một số đối tượng xem xét tiếp nhận vào làm viên chức với các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng BHXH bắt buộc theo quy định, gồm:

- Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (đối tượng mới);

- Người đang là cán bộ, công chức cấp xã;

- Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

- Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

7. Chế độ tập sự

- Quy định thời gian không tính vào thời gian tập sự gồm: Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không hưởng lương, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.

Đồng thời, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

- Không chuyển viên chức đang tập sự sang đơn vị khác: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức đang trong thời gian tập sự, khoản 6, Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định: Không bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng đơn vị sự nghiệp công lập hoặc sang đơn vị sự nghiệp công lập khác.

- Quy định mới về việc không tuyển dụng viên chức tập sự: Điều 24 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Theo quy định hiện hành (Điều 25 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP), người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi:

+ Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (như quy định trước đây);

+ Có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Theo quy định mới, viên chức tập sự chỉ cần có hành vi vi phạm đến mức kỷ luật đã có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc mà không cần phải đến mức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên như quy định cũ.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã tạo dựng một cơ sở pháp lý khá vững chắc cho hoạt động tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức đã từng bước đi vào nề nếp và được tổ chức thường xuyên ở các bộ, ngành, địa phương. Để xây dựng đội ngũ viên chức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì vai trò của công tác tuyển dụng và các cơ quan liên quan trong công tác tuyển dụng là rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác này./.

Kim Anh (tổng hợp)

Bài viết khác: