“Nếu ai hỏi may mắn lớn nhất cuộc đời tôi là gì, tôi sẽ trả lời ngay đó là 5 lần được gặp Bác Hồ. Nhờ có Bác Hồ kính yêu, tôi mới có cuộc sống hôm nay” - Đại úy Từ Thị Công Lễ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5, chia sẻ.
Là diễn viên của Đoàn Văn công quân khu 5, vợ chồng Trung tá Lê Tôn Sùng và Đại úy Từ Thị Công Lễ có cơ hội gặp Bác Hồ nhiều lần và đã từng vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác. Mỗi năm vào dịp sinh nhật Bác, những ký ức về Bác lại hiện về trong tâm trí đôi vợ chồng nghệ sĩ - chiến sĩ.
Bà Lễ sinh năm 1940, quê ở Quảng Ngãi, người dân tộc Hrê; ông Sùng sinh năm 1937, quê ở Bình Định. Cả hai đều là diễn viên múa của Đoàn Văn công quân khu 5, quen nhau từ những lần đi diễn chung rồi nên nghĩa vợ chồng.
Bà Lễ vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ
Bà Lễ từng được 5 gặp Bác Hồ còn ông Sùng từng 3 lần được gặp Bác Hồ. Với bà Lễ, trong 5 lần gặp Bác Hồ thì lần đầu tiên và lần cuối cùng để lại trong bà nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất. Bà Lễ bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác: “Đó là năm 1956, khi ấy tôi mới 14 tuổi, là học sinh của miền Nam tập kết ra Bắc để học tập. Tết Trung thu năm đó, với thành tích học tập xuất sắc, tôi vinh dự có mặt trong đoàn học sinh đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Khi Bác xuất hiện, tất cả học sinh chúng tôi đều đứng vây quanh Bác. Tôi cố len giữa đám đông để được đứng gần Bác hơn. Tôi nói với Bác: “Bác ơi! Người dân quê cháu dặn cháu rằng nếu có điều kiện gặp Bác Hồ thì phải cố gắng nhìn cho thật kỹ, xem Bác có giống như những người bình thường không mà sao Bác giỏi thế. Bác cho cháu được nắm tay Bác, vuốt chòm râu nữa Bác nhé”. Nghe xong Bác cười và gật đầu, đôi mắt nhìn tôi âu yếm. Suốt cả buổi hôm đó tôi chỉ chăm chú nhìn Bác mà không biết hôm đó Phủ Chủ tịch chiếu phim gì cho chúng tôi xem. Trước đó, Bác đã phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái kẹo nhưng không ai dám ăn mà để dành như một vật quý báu”.
Ông Sùng 3 lần được gặp Bác Hồ
“Lần cuối cùng tôi được gặp Bác là năm 1967. Đây là lần Đoàn Văn công của quân khu 5 ra Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác. Đội múa của chúng tôi biểu diễn tác phẩm “Tổng ngốc sa lầy” đả kích Tổng thống Níc-xơn bị sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tại phòng chúng tôi biểu diễn, tường được lắp bằng kính nên chúng tôi vừa múa vừa nhìn Bác. Bác Hồ vừa xem vừa cười rất sảng khoái, nên chúng tôi cũng vui lây. Sau buổi biểu diễn, Bác nói: "Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!". Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn: "Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào". Trước khi ra về, cả Đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lúc này sức khỏe của Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy”, bà Lễ xúc động nhớ lại.
Những lần khác, bà Lễ được gặp Bác khi Bác về thăm Đoàn Văn công quân khu 5. Có lần bà vinh dự được mang hoa ra sân bay đón Bác (lúc đó Đoàn văn công quân khu 5 đóng trên đất Vinh - Nghệ An).
Cũng giống như vợ mình, ông Sùng được gặp Bác trong những lần Bác thăm Đoàn Văn công quân khu 5 và vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác.
Ngoài ra, ông Sùng còn có dịp được biểu diễn cho Bác xem khi Bác đến thăm Đoàn Văn công Mai Dịch. Và cũng chính Bác Hồ đã đồng ý cho Đoàn Văn công của ông Sùng đi Trung Quốc biểu diễn. Sau khi qua Trung Quốc được mấy ngày thì Bác gửi thư động viên mọi người trong Đoàn. Hiện ông Sùng còn giữ bức thư đó như một báu vật.
Năm 1968, bà Lễ về làm giáo viên dạy múa Trường Nghệ thuật quân đội. Còn ông Sùng vào chiến trường Quân khu 5 tiếp tục phục vụ các chiến sĩ.
Ngày Bác Hồ mất, bà Lễ đang mang thai đứa con đầu lòng tháng thứ 8. Bà khóc nhiều lắm.
Hai vợ chồng đã từng biểu diễn phục vụ Bác
“Hồi bố mẹ tôi mất tôi đi xa nên không biết mà khóc. Còn lúc Bác mất tôi khóc nhiều lắm. Chồng tôi phải thường xuyên động viên để tôi vơi đi nỗi buồn”, bà Lễ cho biết.
Sau giải phóng bà Lễ về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 5, làm Đội trưởng Đội múa; nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Đại úy. Còn ông Sùng nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm Trung tá, là Phó Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5.
15 năm nay hai vợ chồng bà Lễ tham gia công tác xã hội đều đặn, là diễn viên, biên đạo múa của đội văn nghệ Câu lạc bộ Thái Phiên Đà Nẵng. Hiện hai vợ chồng ông Sùng, bà Lễ đang sống trong căn nhà trên đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng. Những lúc dàn dựng hay biểu diễn các tiết mục hát múa về Bác Hồ, vợ chồng bà lại nhớ về Bác trong niềm xúc động sâu sắc.
“Nếu ai hỏi may mắn lớn nhất trong đời tôi là gì, tôi sẽ trả lời ngay đó là 5 lần được gặp Bác Hồ. Nhờ có Bác Hồ kính yêu, tôi mới có cuộc sống hôm nay”, Bà Lễ xúc động chia sẻ.
Khánh Hồng
Theo tinmoi.vn
Kim Yến (st)