Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Mỗi khi nhắc về Hà Nội, Bác Hồ đã dặn dò: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

bac ho voi ha noi 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác về với Hà Nội

Ngày 05/6/1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm con đường cứu nước. Ngày 28/01/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), người thanh niên yêu nước ấy khi ấy đã vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc.

Sau 30 năm bôn ba, trở về nước, con đường về Thủ đô Hà Nội đã gần hơn rất nhiều nhưng cũng phải hơn bốn năm sau đó Bác Hồ kính yêu mới đi tiếp được chặng đường 300 km từ biên giới phía Bắc về Hà Nội.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi. Đến ngày 23/8/1945 từ Chiến khu Việt Bắc, Bác về đến thôn Phú Gia (trước gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Về sự kiện ngày 23/8/1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác. Trong cuốn sách Những lần đón Bác của Ban Thông tin văn hóa huyện Từ Liêm (cũ) ghi lại khá chi tiết: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 23/8/1945, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá... Anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng) đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ. Lúc này, trời đã rất tối, anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ Nguyễn Thị An, một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa”.

Đến ngày 25/8/1945, Bác chuyển vào nội thành ở số nhà 48 Hàng Ngang. Tại đây, Bác Hồ đã viết Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào rằng: “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Cả Quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại: Việt Nam độc lập muôn năm! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng từng chia sẻ: Một sự kiện đặc biệt khác thể hiện sự gắn kết giữa Bác và Hà Nội là kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946. Khi đấy, tại Hà Nội có đến 74 người ứng cử mà chỉ lấy có 6 người ưu tú nhất. Khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ứng cử ở Hà Nội, đông đảo người dân ngoại thành đã viết thư đề nghị Bác không phải ứng cử mà đương nhiên được rồi. Bác đã trả lời cảm ơn sự tín nhiệm của đồng bào, nhưng nói rằng mình cũng là công dân, cũng phải có trách nhiệm như bao công dân khác nên không thể có ngoại lệ. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu rất cao, trên 98%. Điều này cho thấy tình yêu lớn lao và niềm tin của Nhân dân Hà Nội dành cho Bác.

Đến ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc (quận Hà Đông ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đồng thời, Người gửi thư, nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô (thành lập ngày 06/01/1946 và ngày 17/02/1947, Trung đoàn nhận mật lệnh rút khỏi Hà Nội) - những người đã dũng cảm ngăn chặn, chống trả quân địch để ngăn cản bước tiến của chúng, những người đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rằng, “lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em”.

Với chỉ đạo nhanh chóng rút lực lượng lên ATK của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến đầu tháng 4/1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc đã hoàn thành. Ngày 01/4/1947, Bác Hồ rời Phú Thọ, tới làng Xảo, Hợp Thành, Sơn Dương (Tuyên Quang), bắt đầu những năm tháng chỉ đạo cách mạng ở Thủ đô kháng chiến. Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về kháng chiến kiến quốc.

Ngày Bác Hồ trở lại Thủ đô

Ngày 09/10/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Báo Nhân Dân đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày Thủ đô giải phóng như sau: “Từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của thủ đô ta… Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của thủ đô ta. Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa. Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ”.

Sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị tiến vào tiếp quản Thủ đô, dẫn đầu là trung đoàn Thủ đô, giương cao cờ quyết chiến quyết thắng từ năm cửa ô tiến vào phố phường Hà Nội, âm vang khúc quân hành, hòa trong cờ hoa khẩu hiệu rợp trời. Đến 15 giờ cùng ngày, việc tiếp quản thành phố đã hoàn thành, 15 vạn nhân dân Hà Nội đã cùng dự buổi lễ mừng chiến thắng.

Sau 9 năm kháng chiến, mùa Thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ trở về. Đêm 14 rạng ngày 15/10/1954, Bác Hồ trở lại Hà Nội. Bác ở và làm việc tại một ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy. Khi ấy, Nhà thương Đồn Thủy được chia làm 2 đơn vị: Quân y viện 108 (tên gọi lúc đó) ở phía đường Trần Hưng Đạo và Bệnh viện Hồng Thập tự và Lưỡi liềm đỏ ở phía đường Trần Khánh Dư (năm 1958 là Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô). Căn phòng Bác ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy, nay là phòng 14, gác 2, nhà số 4, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị.

bac ho voi ha noi 3
Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/01/1965. Ảnh: Tư liệu.

Về Thủ đô, dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in bóng tại nhiều công trường, khu phố, trận địa; đến với các gia đình chính sách có công với cách mạng, công nhân lao động... từ đô thị đến ngoại thành. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Hằng tháng ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành.

Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội. Mỗi bài viết đều gửi gắm trong đó là tình cảm, sự quan tâm, niềm mong mỏi của Bác đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

“… một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”

bac ho voi ha noi
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tháng 11/1959.
Ảnh: Tư liệu.

Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng những tình cảm sâu nặng, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thủ đô Hà Nội. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày.

Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.

Để xây dựng và phát triển Thủ đô, để “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Hà Nội phải đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; trong từng quyết sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và trong cả từng thiết kế quy hoạch… Đồng thời, phải có sự đồng tâm, nhất trí, đồng lòng và sự nỗ lực, góp sức vô cùng vô tận của mỗi người dân Hà Nội.

Tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, ngày 25/4/1959, Người khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”. Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Để xây dựng một Thủ đô Hà Nội gương mẫu, đi đầu, các cấp “lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác. Đồng thời, phải “đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”.

bac ho voi ha noi 4
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dần trở thành địa điểm mang ý nghĩa sâu sắc, triệu triệu trái tim Việt Nam luôn hướng về!

Thực hiện theo lời dặn dò của Người, Thủ đô Hà Nội đã khắc phục mọi khó khăn, vươn mình phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Việt Nam. Thời gian vừa qua, trước sự “càn quét” của COVID-19, Chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã cùng đoàn kết, chung tay, chiến thắng dịch bệnh.

Cùng với dòng chảy của lịch sử, hòa chung với xu thế quốc tế, khó khăn và những thử thách vẫn luôn ở phía trước, nhưng những lời dặn của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn luôn là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên từng chặng đường xây dựng, phát triển; góp phần hiệu quả  giúp Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, thực sự là “… một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”, một Thủ đô luôn gương mẫu, đi đầu; góp phần hiệu quả vào việc xây dựng một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bản lĩnh, anh hùng./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: