Bài 1: Dòng người đi trong thương nhớ

Nhìn dòng người nối dài tưởng như vô tận lặng lẽ nhích dần từng bước để vào Lăng viếng Bác, bất giác trong tôi nhớ tới bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương: “… Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”.

Nơi cả nước hướng về

Một ngày, tôi hòa cùng dòng người vào Lăng viếng Bác. Dẫu đã bao lần vào viếng Người nhưng lần nào tôi cũng thấy trong lòng bồi hồi, xúc động. Nghe tiếng xào xạc của những khóm tre bên Lăng, tiếng rì rào nhè nhẹ của những chùm hoa dâm bụt đung đưa bên lối vào nhà sàn, tôi thấy như đâu đây dáng hình của làng quê Việt Nam với tiếng ru hời luôn ở bên cạnh Người. Trong dòng người về viếng Bác, tôi bắt gặp những cụ già, em bé, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là bè bạn quốc tế từ các châu lục đến rất đông. Trong số họ, có những người đã vào Lăng viếng Bác một đôi lần, thậm chí rất nhiều lần, nhưng cũng có những người chỉ mới đến lần đầu. Song, tất cả đều có một điểm chung là ai cũng thành kính và xúc động. Nhiều người khi nhẹ bước qua nơi Bác nằm nghỉ, cứ muốn dừng chân lại ngắm thật lâu, mắt ai cũng đỏ hoe. Với người Việt Nam thì muốn ngắm thật kỹ vị lãnh tụ của dân tộc. Người nằm đó, gương mặt hồng hào như vừa trải qua một ngày làm việc, giờ đang yên giấc ngủ. Người vẫn mặc bộ ka-ki quen thuộc. Với bè bạn quốc tế, ai cũng muốn được ngắm nhìn kỹ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam và cao hơn cả, đó là người bạn gần gũi của tất cả các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập tự do, hòa bình cho nhân loại mà tên tuổi của Người đã lan tỏa khắp năm châu.

Trong những cuốn sổ ghi cảm tưởng ở Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, nhiều cuốn đã ngả màu theo năm tháng, có những cuốn còn thơm mùi mực vừa mới ghi. Những người phục vụ ở đây kể rằng, có những người từ miền Nam lần đầu ra viếng Bác, khi viết những dòng cảm tưởng, vừa viết, mắt vừa rưng rưng lệ, họ sụt sùi mãi mới viết xong. Có những cựu chiến binh cứ cắn bút ngồi mãi, tay run run chỉ viết được đôi dòng rồi nức nở khóc không viết được nữa vì sự xúc động trào dâng; có bà má ở Nam Bộ không biết chữ, nhờ con cháu viết giùm, má bảo, được ra thấy Người là má toại nguyện về với tổ tiên rồi…

Bac Ho 1 tinh yeu bao la 1.1

Khách quốc tế và các cựu chiến binh vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Minh Trường.

Ông Võ Minh Bình, một cựu tù của Hội tù yêu nước thành phố Đà Nẵng viết: “Chúng con xin thắp nén hương lòng thành kính dâng lên Bác kính yêu. Chúng con nguyện sống xứng đáng và làm theo lời Người dạy, ra sức cống hiến sức mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh để thỏa lòng Người trước lúc đi xa…”. 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Thanh Xuân ở huyện Củ Chi, tâm sự: “Được về viếng Bác, chúng con thật là sung sướng. Bác ơi! Những đứa con từ ngục tù, từ chiến trận trở về đây, nhiều người ngã xuống nhưng chưa từng gặp Bác, thậm chí có người chưa được ngắm nhìn ảnh của Bác. Chúng con xin hứa với Bác nguyện suốt đời làm theo lời Người dạy, tiếp tục đem công sức, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, đi theo con đường mà Bác đã vạch ra cho dân tộc…”. Ông Võ Như Hùng, một Việt kiều ở Pháp về viếng Bác, cho biết: “Phong cách hòa đồng, giản dị; những câu chuyện Bác đi thăm bà con trong thời gian Người ở Pháp… vẫn được bà con kiều bào thường xuyên kể lại với nhau trong các cuộc gặp mặt, đến nỗi bọn trẻ chúng tôi ngày đó, đứa nào cũng thuộc lòng nội dung câu chuyện”.

Gần bốn mươi năm trôi qua, kể từ ngày Lăng Bác chính thức mở cửa cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vào viếng Người, đến tháng 4-2013 đã đón tiếp hơn 40 triệu lượt người, trong đó có hơn 5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ chu đáo hơn 400 buổi Lễ viếng cấp Nhà nước và các Đoàn Nguyên thủ quốc gia; gần 1000 buổi sinh hoạt chính trị - văn hóa trước Lăng Bác; phục vụ hơn 38 nghìn đoàn đặt vòng hoa; 3,9 nghìn lượt xe đẩy; nhận chuyển trả hơn 1,2 triệu lượt máy các loại. Nhiều đơn vị bộ đội trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, nhiều buổi lễ tuyên thệ của những đoàn viên, thanh niên; nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan, trường học, địa phương trong cả nước đã hội tụ về đây, báo cáo với Bác về những việc đã làm được và nhận thiếu sót với Người những việc còn chưa thấu đáo của mình. Nhiều đôi trai gái trước ngày tổ chức lễ kết hôn, đã đến trước Lăng Người bày tỏ lòng biết ơn và xin hứa sẽ làm tốt trách nhiệm, bổn phận của họ đối với gia đình và xã hội. Hàng trăm đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam, trước khi làm việc với Đảng và Nhà nước ta đã bồi hồi, xúc động và thành kính đến đặt vòng hoa trước Lăng viếng Người.

Giữ yên giấc ngủ của Người

Hai mươi giờ ngày 18-7-1975, thi hài Bác từ K9 được đón về Lăng của Người tại Thủ đô Hà Nội sau 6 năm kể từ ngày Bác đi xa. Đồng bào, chiến sĩ Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung nhớ mãi ngày 29-8-1975, lễ khánh thành Lăng Bác đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Hôm ấy, hai chiến sĩ tiêu binh là Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Ri được vinh dự đảm nhiệm ca đứng gác đầu tiên trước Lăng Bác.

Đại tá Nguyễn Hoàng Diệu, Chính ủy Đoàn 275 cho biết: “Hiện nay, anh em đứng trực trong thời gian viếng Bác là 30 phút, ngoài giờ viếng là 60 phút. Nói thì vậy, để đứng được 60 phút thì họ phải luyện tập đứng gấp 3 lần số thời gian ấy. Lúc đầu là tập đứng 30 phút, sau nâng dần lên 60 phút, rồi 90 phút, 120 phút và cuối cùng là 180 phút”. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chính, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An “khoe” với chúng tôi: “Hằng ngày, chúng tôi luyện tập đứng giữa nắng hè oi bức, cái nóng trên trời không bằng cái nóng hừng hực bốc lên từ sân bê tông, mồ hôi cứ túa ra thấm đẫm cả áo quần, những giọt mồ hôi nhỏ xuống đầy mặt, nhưng chúng tôi vẫn đứng nghiêm trang và không hề cử động”.

Chúng tôi được “thực mục sở thị” các chiến sĩ cảnh vệ Đoàn 275 đang luyện tập, ở đây họ được uốn nắn từng chi tiết nhỏ nhất không cho phép sai sót. Binh nhì Nguyễn Vĩnh Nghĩ, quê ở Đà Sơn (Đô Lương, Nghệ An) trải lòng: “Được làm người chiến sĩ gác cho Bác yên nghỉ, chúng tôi thấy thật vinh dự và tự hào. Vì vậy, chúng tôi cần phải gắng tập luyện để xứng với vinh dự đó”. Còn chiến sĩ Đinh Trung Hải, quê xã Ngọc Lập (Yên Lập, Phú Thọ) thổ lộ: “Nghe tin tôi nhập ngũ về Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bố mẹ tôi vui lắm, cả thôn xóm cũng tự hào. Mọi người luôn động viên tôi phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Tôi ước ao có một ngày nào đó, tôi sẽ đón bố mẹ về Thủ đô và trực tiếp đưa bố mẹ vào Lăng viếng Bác”.

Bac Ho 1 tinh yeu bao la 1.2

Một ca đổi gác của các chiến sĩ tiêu binh Đoàn 275. Ảnh: Minh Trường.

Bên cạnh nhiệm vụ canh gác, những người lính cảnh vệ còn nêu gương sáng về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đó là Hạ sĩ Phạm Công Hoan trong lúc đang làm nhiệm vụ ở khu vực phía Nam đường Hùng Vương, thấy một phụ nữ bị tên cướp giật chiếc túi. Tên cướp chạy về phía đường Hùng Vương, Hoan liền đuổi theo quật ngã, lấy lại chiếc túi trả về người đã mất và bàn giao tên cướp cho công an khu vực xử lý. Còn Hạ sĩ Lê Chí Công, vào dịp cả nước kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã nhặt được túi xách của một du khách người Ô-xtrây-li-a, trong đó có hơn 3.500USD cùng nhiều giấy tờ quan trọng, Công liền báo cáo đơn vị và số tài sản trên đã được trả lại cho người đánh mất trong sự khâm phục của du khách. Khi Công vừa hết nghĩa vụ quân sự, một ngân hàng ở Hà Nội biết tin đã tuyển dụng Công vào làm việc.

Ngày ngày, hàng vạn người đổ về Lăng viếng Bác, ngày bình thường ít nhất cũng phải hơn một vạn, ngày nghỉ hoặc ngày lễ lên tới gần 2 vạn. Có ngày, lượng người về viếng Bác nối dài từ cửa vườn Bách Thảo (đường Hoàng Hoa Thám) sang phố Ngọc Hà đến cửa khu nhà đón tiếp. Đặc biệt như ngày 2-9-2012, số người về viếng Bác lên tới 33.957 lượt người. Trong dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, đã có hơn 74.000 lượt người vào viếng Bác, trong đó có 10.705 lượt khách nước ngoài. Đặc biệt, riêng ngày 30-4 đã có 23.893 lượt người vào Lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người. Những ngày này, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc khá căng thẳng, nhưng mọi người đều hoàn thành xuất sắc công việc, không mảy may sơ suất.

Bên cạnh việc phục vụ cho nghi lễ chào cờ và bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác, còn có Đoàn 195 - Đơn vị chuyên bảo đảm vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng, bảo đảm các thông số môi trường trực tiếp phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và lễ viếng Người. Đại tá Dương Hoàng Toán, Chính ủy Đoàn 195 cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường làm chủ công nghệ tiên tiến, điều khiển và vận hành tốt thiết bị, phục vụ cho công việc bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Bác”.

Kể từ ngày 19-5-2001, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Lễ chào cờ quốc gia trước cửa Lăng Bác. Mùa hè từ 6 giờ và mùa đông là 6 giờ 30 phút; lễ hạ cờ vào lúc 21 giờ hằng ngày. Ngày nào cũng vậy, bất kể thời tiết thế nào, các chiến sĩ cảnh vệ vẫn quân phục trang nghiêm làm lễ chào cờ. Nhân dân đến tham gia rất đông, anh Lý Xuân Hựu ở quận Ba Đình tâm sự: Nhà tôi cách đây khá xa, nhưng sáng nào tôi cũng ra Quảng trường dự lễ chào cờ và tập thể dục. Thú thật, không riêng gì tôi mà mọi người đều có tâm trạng chung, ai cũng thấy lòng mình lâng lâng, rạo rực khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió với lời hát Quốc ca hùng tráng.

Hơn 40 năm giữ gìn thi hài Bác và gần 40 năm bảo vệ, quản lý vận hành Công trình Lăng của Người, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự hào được làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

-----------

Theo LÊ QUÝ HOÀNG

Báo Quân đội nhân dân

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: