Bài 2: Người sống mãi cùng đất nước

Sau khi Bác mất (2-9-1969), thể theo nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch để cho ngày thống nhất đồng bào và chiến sĩ miền Nam, cùng các thế hệ con cháu của cả nước mai sau được nhìn thấy Bác. Mấy chục năm qua, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, phức tạp nhưng hết sức thiêng liêng, cao cả để đêm ngày gìn giữ và bảo vệ thi hài Bác, nhất là ở những thời điểm mà tình hình quốc tế có nhiều nhạy cảm.   

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chịu trách nhiệm chính trị lớn lao trước Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng bầu bạn quốc tế, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những cố gắng và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ “đặc biệt” ấy, là sự quan tâm thường xuyên của Bộ Chính trị, Nhà nước, Chính phủ và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng. Việc giữ gìn thi hài Bác hơn 40 năm qua cũng như việc góp phần xây dựng Công trình Lăng Bác, chúng ta không thể không nhắc tới và biết ơn sự giúp đỡ trực tiếp, to lớn và quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô trước đây cũng như Chính phủ Liên bang Nga ngày nay. Các giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, chuyên gia của bạn đã đồng hành với chúng ta ngay từ những giờ phút đầu tiên, sau khi trái tim Bác vừa ngừng đập đến những năm tháng đất nước còn chiến tranh và cho đến hôm nay. Các chuyên gia Nga coi đó vừa là tình cảm, trách nhiệm nhưng cũng là sự tôn kính, quý mến của họ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Xô-viết trước đây và ngày nay là Liên bang Nga.

Bac Ho 1 tinh yeu bao la 2.1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương,Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang kiểm tra đội danh dự

Ảnh: Minh Trường.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác chúng ta làm rất tốt. Đến nay, thi hài của Người vẫn giữ được những nét đặc trưng như lúc sinh thời”. Trước năm 1992, công việc giữ gìn thi hài Bác do chuyên gia của bạn đảm nhiệm nhiều phần việc. Từ năm 1992, do những thay đổi ở nước Nga, chúng ta đã hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va, mời bạn sang giảng dạy và hướng dẫn kinh nghiệm về chuyên ngành bảo quản thi hài; phía Việt Nam yêu cầu hợp tác vấn đề gì, bạn đều đáp ứng công việc ấy. Sau nhiều năm được sự giúp đỡ của bạn, cán bộ, nhân viên Viện 69 đã nỗ lực học hỏi, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt được công nghệ, vừa làm chuyên môn, vừa nghiên cứu khoa học phục vụ giữ gìn thi hài. Đến nay, Viện 69 đã tự đảm nhiệm hoàn toàn các công việc, từ làm thuốc thường xuyên đến làm thuốc lớn trong tu bổ định kỳ. Ngoài ra, Viện 69 đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ pha chế dung dịch. Từ năm 1992 đến năm 2003, chúng ta mua dung dịch của bạn và vận chuyển từ Mát-xcơ-va về Việt Nam. Sau năm 2003, khi Viện 69 đã hoàn toàn nắm được quy trình pha chế, phía bạn đã đồng ý chuyển giao quy trình công nghệ cho Việt Nam đảm nhiệm, mở ra những thuận lợi mới cho công tác bảo quản, gìn giữ. Nhiều năm qua, Viện 69 đã dày công bồi dưỡng đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên ngành khá dồi dào, 5 tiến sĩ và 5 thạc sĩ chuyên ngành được đào tạo ở Nga và đào tạo cơ bản trong nước. Viện có 2 Thầy thuốc Nhân dân, 4 Thầy thuốc Ưu tú, còn lại đa số là bác sĩ, kỹ sư, cử nhân ở độ tuổi dưới 30 nhưng có chuyên môn khá vững. Đội ngũ kỹ thuật Viên của viện nhiều người là kỹ thuật viên cao cấp có tay nghề cao. Hằng năm, Viện thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước về giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Chúng tôi đã gặp một trong những cán bộ khoa học còn khá trẻ của viện, đó là Trung tá Phạm Văn Vương, Đội trưởng Đội y tế đặc biệt - Đơn vị trực tiếp làm thuốc giữ gìn thi hài Bác. Năm 1989, chàng trai quê Lý Nhân (Hà Nam) nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và là chiến sĩ của Viện 69. Trong 3 năm làm nghĩa vụ quân sự, Vương đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, được lãnh đạo viện cử đi học Trung cấp quân y. Khi ra trường Vương được trở về “mái nhà xưa” của mình và chàng trai xứ đồng chiêm trũng đã không phụ lòng của mọi người trong Viện. Anh phấn đấu vươn lên, tự học tiếng Nga, tiếng Anh và học tại chức Trường Đại học Bách khoa. Năm năm liền anh là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2007 là Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân, năm 2010 anh được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Giờ đây, người Đội trưởng ấy đang phụ trách những phần việc kỹ thuật phức tạp của đơn vị . Vương tâm sự: “Tôi luôn tự hào là người chiến sĩ của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện 69. Niềm tự hào này không chỉ của cá nhân tôi mà là cả của gia đình và quê hương nữa! Được sống gần Bác, tôi thấy mình quá nhỏ bé nên càng phải ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện theo lời Người dạy”. Trong công việc, Vương luôn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước năm 2003 của Viện 69.

Bac Ho 1 tinh yeu bao la 2.2

Chiến sĩ tiêu binh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trọng Hải.

Nhằm đáp ứng tốt nhất cho việc đồng bào và chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về viếng Bác, chúng tôi được biết, sau khi Nhà Quốc hội hoàn thành, Quảng trường Ba Đình sẽ được mở rộng về phía Nam để không gian Quảng trường trước Lăng được rộng rãi hơn và sẽ được chỉnh trang lại. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức một số tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng (giai đoạn 1). Trên các tuyến phố đi bộ sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố, phục vụ đồng bào, khách quốc tế về Lăng viếng Bác hoặc tham quan Cụm Di tích lịch sử-văn hóa Ba Đình. Nhất là về mùa hè, những đêm trăng trong gió mát, người dân Thủ đô thường về đây để ngắm Lăng, tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh trên Quảng trường và xem những ca đổi gác của các chiến sĩ tiêu binh. Thành phố Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để lát hè, lắp dựng hàng rào an ninh tuyến phố đi bộ. Trên Khu Di tích Đá Chông, Ba Vì (còn gọi là K9), Ban Quản lý Lăng cũng dự kiến mở cửa tự do cho nhân dân và khách quốc tế vào thăm quan trong dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Người (19-5-2014). Hiện nay, một số công trình đang tích cực thi công nhằm phục vụ tốt nhất cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế khi về nơi đây. Sắp tới, một hệ thống “Mái che đường viếng” di động vừa hiện đại, vừa đẹp đẽ sẽ được thay thế các mái che hiện nay. Đây là món quà mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dâng tặng. “Mái che đường viếng” sẽ được kéo dài từ khu tập kết vào viếng Người đến cửa Lăng và từ sau khi ra khỏi Lăng về nhà sàn của Bác.

Gần 40 năm kể từ ngày Lăng Bác mở cửa đón đồng bào và chiến sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài và bè bạn quốc tế vào viếng Bác, là từng ấy năm cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ lòng tôn kính và đời đời nhớ ơn Người - Vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị hết sức tự hào được Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước tin cậy giao cho nhiệm vụ thiêng liêng cao cả ấy. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính ở đây cũng luôn thể hiện lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; giữ gìn tuyệt đối an toàn lâu dài thi hài Bác và Công trình Lăng của Người. Lòng trung thành và tình yêu kính trọng Bác luôn là động lực giúp cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để phục vụ việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác.

Năm tháng sẽ trôi qua, Quảng trường Ba Đình vẫn luôn lộng gió và đầy ắp nắng vàng, những dòng người từ mọi miền Tổ quốc cũng như nhiều bạn bè từ khắp năm châu liên tục về viếng Người. Mỗi lần về với Bác, mỗi người đều nhận thấy gương mặt Bác vẫn hồng hào, Người như đang nằm nghỉ thanh thản sau mỗi ngày làm việc. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau luôn cảm nhận trong trái tim mình: Người vẫn sống mãi cùng non sông đất nước.

Hà Nội, tháng 5 năm 2013

-----------

Theo LÊ QUÝ HOÀNG

Báo Quân đội nhân dân

Huyền Trang (st)

 

 

Bài viết khác: