Hình ảnh Bác Hồ mãi khắc ghi trong tim của nhà quay phim Điêu Chính Dụng.
Ông Dụng sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái có truyền thống cách mạng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Hai người anh của ông đều là liệt sỹ, hy sinh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1953, ông tham gia cách mạng, công tác tại Ty Tuyên truyền tỉnh Lai Châu, phục vụ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, sau đó được chuyển về công tác tại Sở Văn hóa khu Tây Băc.
Năm 1961, người thanh niên dân tộc Thái (27 tuổi) Điêu Chính Dụng được cấp trên cử đi học quay phim tại Xưởng phim Thời sự tài liệu trung ương. Ông Dụng được đào tạo vừa học, vừa làm trực tiếp tại Xưởng phim.
Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Bất Bạt (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Tây) năm 1969
Năm 1964 học xong, ông được kết nạp Ðảng và giữ lại Xưởng phim làm việc. Từ đó ông thường xuyên được phân công quay phim tư liệu về các hoạt động tại Phủ Chủ tịch và Bác Hồ.
Những hình ảnh, thước phim ông quay đã góp phần vào kho tư liệu quý giá về Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. Bao nhiêu kỷ niệm của những năm tháng được phục vụ Bác Hồ vẫn còn in đậm trong trái tim ông.
Năm 1968, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, Đoàn đại biểu Thanh niên dũng sĩ miền Nam ra miền Bắc được vào thăm Bác.
Ông Điêu Chính Dụng cùng ông Ma Cường phóng viên người dân tộc Tày được cử quay tư liệu. Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời quay phim của ông.
Ông Dụng bồi hồi nhớ lại: Ngày 1/12/1968, Đoàn đại biểu Thanh niên dũng sĩ miền Nam ra báo cáo thành tích với Bác và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bác ôm hôn các cháu, tôi thì đứng đấy quay lấy những hình ảnh thật là xúc động.
Khi đang quay, Bác quay sang tôi hỏi: Chú ở Xưởng phim nào?
Tôi trả lời: Dạ cháu ở Xưởng phim Tài liệu ạ.
Bác lại bảo: Bác có mấy ý thế này nhé: Thứ nhất, nghệ thuật quay phim, chụp ảnh của các cháu không đơn thuần là để giải trí mà còn làm công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân ở trong nước. Thứ hai, đất nước ta đang chiến tranh, phải ghi lấy những hình ảnh tội ác của đế quốc Mỹ để tố cáo trước nhân dân thế giới...
Tết Kỷ Dậu năm 1969, sau khi quay cảnh đón giao thừa tại Phủ Chủ tịch, sáng mùng 1 Tết, ông Dụng được lệnh quay phim tư liệu Bác trồng cây tại xã Bất Bạt, tỉnh Hà Tây.
Hôm đó Bác đã ân cần hỏi thăm mọi người, hỏi thăm sức khỏe và công việc của các phóng viên. Chính khoảnh khắc ấy, ông và đồng nghiệp thấy gần gũi bên Bác như cha với con, thân mật ấm áp vô cùng.
Tình cảm và lời căn dặn của Bác luôn dẫn đường cho ông, trở thành tâm niệm nghề nghiệp và cuộc sống của ông trong bước đường công tác sau này. Với lòng nhiệt tình, khát khao cống hiến, trong những năm 70 của thế kỷ XX, ông được cấp trên cử sang Lào làm chuyên gia hướng dẫn quay phim.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, nhớ lời Bác dạy, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ quay phim cách mạng. Với những thành tích đạt được trong công tác, năm 1970 ông và một đồng nghiệp được Xưởng phim cử làm đại diện Đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan phim thế giới lần thứ 13 tại Berlin (Đức).
Giờ đây đã gần 80 tuổi, nhưng khát vọng cống hiến và tình yêu lao động nghệ thuật trong ông vẫn còn cháy bỏng.
45 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ kính yêu giản dị, hiền hậu với nụ cười trìu mến, luôn quan tâm thăm hỏi mọi người vẫn còn mãi khắc sâu trong trái tim ông. Chính từ tấm gương đạo đức của Bác đã giúp ông từ một thanh niên dân tộc Thái trở thành người cán bộ tốt và quyết tâm theo Đảng đến cùng.
Phát huy truyền thống cha ông, các con của ông nay đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Người làm công tác tài chính, người làm công an, làm công tác văn hóa, cán bộ di dân tái định cư huyện, với ông như thế là đã mãn nguyện.
Trở về với cuộc sống thường nhật, trong ngôi nhà sàn tái định cư thủy điện Sơn La khang trang đầy ắp những kỷ niệm về Bác và cuộc đời quay phim của mình, ông càng tự hào hơn và sẽ vẫn luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để có cuộc sống mẫu mực, cho con cái noi theo./.
Theo http://vov.vn
Huyền Trang (st)