Hiến pháp năm 1992, tại Chương V quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm 34 điều (từ Điều 49 đến Điều 82) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được chuyển lên Chương II, với 38 điều.
Như vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có sự điều chỉnh tăng hơn 4 điều và được sắp xếp thứ tự có sự thay đổi từ Chương V của Hiến pháp năm 1992 chuyển thành Chương II của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp - đây là thể hiện về tính chất và ý nghĩa quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được nhà nước quan tâm và khẳng định đầy đủ theo xu thế phát triển của xã hội dân chủ, tiến bộ.
Tại Chương II, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có những điểm mới đó là quyền con người được đưa trước quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sửa đổi, bổ sung 30 điều, bổ sung thêm 5 điều mới và giữ nguyên 3 điều.
Trong 5 điều mới được bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này gồm các Điều 16, 21, 44, 45 và 46 là những quy định về quyền cơ bản hết sức quan trọng đối với mọi công dân. Việc bổ sung các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như trên là hết sức cần thiết và phù hợp với xã hội chúng ta. Trong phạm vi bài viết, tôi xin góp ý vào một số điều mới được quy định bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:
Thứ nhất, Điều 16 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của người khác”, đây là quy định hết sức cần thiết nhằm hướng đến xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, song song với đó là phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 16 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cụm từ “lợi ích công cộng” cho đầy đủ hơn, vì ngoài việc quy định không được dùng quyền con người xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của người khác thì ngoài ra cũng không được sử dụng quyền này để xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích tập thể chung của mọi người. Và đề nghị biên tập lại khoản 2 này như sau: “2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích công cộng và lợi ích của người khác”.
Thứ hai, tại Điều 21 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền sống” đề nghị bổ sung như sau: “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc theo quy định của pháp luật”. Bởi vì, quyền được sống của con người hết sức quan trọng và có ý nghĩa nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu như được gắn với quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và đây cũng chính là 3 quyền quan trọng được ghi trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 44 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”, nội dung này đề nghị biên tập cho phù hợp, sắp xếp các từ ngữ sao cho hợp lý và dễ hiểu hơn, theo hướng: “Mọi người có quyền bình đẳng tham gia vào đời sống văn hóa, hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hóa”.
Thứ tư, Điều 45 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Thực tiễn việc sử dụng ngôn ngữ bao giờ cũng liên quan đến nhiều người, tức là phải có từ hai người trở lên tham gia giao tiếp, cho nên khi đã quy định tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp thì đã đầy đủ và có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp sao cho thuận tiện nhất, do đó không cần thiết phải quy định phải sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và đề nghị biên tập lại cho gọn và rõ nghĩa hơn: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.
Thứ năm, theo quy định tại Điều 46 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành; 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đảm bảo an toàn sức khỏe” sau cụm từ “môi trường trong lành” nhằm hướng đến một môi trường trong sạch, an toàn, không ô nhiễm cho sức khỏe người dân trong điều kiện đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã và đang gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Tại Khoản 2 Điều 46 Dự thảo nên bổ sung cụm từ “xây dựng” trước cụm từ “bảo vệ môi trường”, vì mọi người, mọi công dân có quyền được sống trong môi trường trong lành, thì song song với đó là phải có trách nhiệm, nghĩa vụ là phải đóng góp, xây dựng môi trường trong lành và an toàn. Do đó, đề nghị biên tập lại Điều 46 cụ thể như sau: “1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành đảm bảo an toàn cho sức khỏe; 2. Mọi người có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ môi trường”.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)