Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, giữa lúc cuộc kháng chiến vào giai đoạn khó khăn và quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được ý nghĩa quan trọng và to lớn của thi đua ái quốc. Để phong trào thi đua đạt được kết quả tốt, Người đã quan tâm tới việc xây dựng và tổ chức bộ máy, công tác chỉ đạo và đào tạo cán bộ cho phong trào, chính vì vậy, ngày 01/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc. Sau đó, nhân kỷ niệm 1.000 Ngày Kháng chiến toàn quốc, ngày 11/6/1948, nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi và chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc với mục đích: Diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: Dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc.
Đã 65 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Sắc lệnh và Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc cho đến tận ngày nay và mãi về sau. Đó là động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ và nhân dân cả nước nỗ lực phấn đấu, hăng hái thi đua, đoàn kết đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sánh vai với bạn bè quốc tế như Bác kính yêu vẫn hằng mong muốn.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), chúng ta cùng đọc lại toàn văn Sắc lệnh này.
Sắc lệnh số 195-SL ngày 01/6/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa v/v thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương (TTLTQG III, P. Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 07, tờ 39).
Ảnh internet
Bản Hiệu triệu quốc dân thi đua ái quốc ngày 19/6/1948 của Ban Vận động thi đua ái quốc. (TTLTQG III, P. Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 130, tờ 52). Ảnh internet
Sắc lệnh được đánh trên nền giấy màu nâu, khổ 27cm x 17cm, cuối Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 07, tờ 39.
Nội dung Sắc lệnh gồm 6 Điều, quy định thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã và thành phần của Ban Vận động, đồng thời cũng quy định nhiệm vụ của Ban vận động thi đua ái quốc các cấp.
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 195 NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1948
----------------------
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ,
Sau khi Ban Thường trực Quốc hội đã thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Nay thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Ban này gồm có các đại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể nhân dân.
Điều 2
Các đại biểu nói trên do Sắc lệnh chỉ định.
Điều 3
Tại các liên khu, tỉnh, huyện và xã đều đặt Ban Vận động thi đua ái quốc.
Mỗi ban gồm có từ 3 đến 5 người trong đó có đại diện Uỷ ban Kháng chiến Hành chính, các đoàn thể nhân dân và nhân sĩ.
Tuy vậy, các Ban Vận động thi đua ái quốc cấp huyện và cấp xã, số người có thể ít hơn.
Điều 4
Các đại biểu trong các ban từ liên khu đến xã do Uỷ ban Kháng chiến Hành chính cấp mình chỉ định.
Điều 5
Các Ban Vận động thi đua ái quốc các cấp có nhiệm vụ:
1- Vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua.
2- Các Uỷ ban Kháng chiến Hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đạt kế hoạch thi đua ái quốc cho địa phương mình. Nhưng có thể uỷ quyền ấy cho các Ban Vận động thi đua ái quốc cấp mình.
Điều 6
Các vị Bộ trưởng chiểu Sắc lệnh thi hành.
Hồ Chí Minh
(Đã ký)
Huyền Trang (st)