Hoạt động trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, chúng ta luôn luôn học tập và làm theo Bác về công tác tuyên truyền và thấm nhuần những chỉ dẫn của Người để từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tuyên truyền lớn của Đảng ta, là tấm gương mẫu mực về công tác tuyên truyền. Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.  Trong công tác tuyên truyền phải mang tính đại chúng, tính nghệ thuật, diễn đạt ngắn gọn nhưng sâu sắc, giản dị, dễ hiểu, sử dụng linh hoạt sáng tạo các thành ngữ, dân ca…trong hoạt động thực tiễn. Trong hoạt động tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện phương châm kết hợp giữa lời nói và hành động, lý luận gắn liền với thực tiễn. Người chủ trương nói ít, làm nhiều; chỉ nói khi thật cần thiết, nói đúng để làm đúng.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nhuần nhuyễn sự kết hợp giữa lời nói và hành động, làm chủ lý luận, thực tiễn hóa lý luận và lý luận hoá thực tiễn.

chu-tich-hcm-thong-tina
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến công tác
 thông tin – tuyên truyền

 Từ những hành động tuyên truyền của Người đã tạo sức cuốn hút, cảm hoá mọi người. Theo Hồ Chí Minh: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe. Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.” Người còn chỉ ra rằng: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”. Nói đến lực lượng làm công tác tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu”, hơn lúc nào hết người làm công tác tuyên truyền “Phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”,

Đối với công tác tuyên truyền trên mặt trận báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ quan điểm tư tưởng của mình. Đó là cách viết. Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Cách viết thế nào? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ. Viết phải gọn gàng, vắn tắt, nhưng phải có đầu có đuôi, viết phải thiết thực, chớ ham dùng chữ”. Bác còn căn dặn “để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa”. Bác xác định rõ mục đích của báo chí: “Báo chí phải phục vụ ai? Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội…Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”…

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Đức Lâm

Theo http://daklak.gov.vn

Phương Thúy (st)

Bài viết khác: