Câu chuyện về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm được dư luận đặc biệt quan tâm thảo luận tại nhiều diễn đàn khác nhau. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ảnh minh họa.
Nhận diện về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo
Có thể thấy "dám nghĩ" là những tư duy đột phá, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, định kiến, trở ngại để có những định hình mục tiêu, con đường rõ ràng, thể hiện quyết tâm mãnh liệt muốn thay đổi.
"Dám nói" chính là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, suy thoái về chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đồng thời bảo vệ những quan điểm đúng nhưng ở thời điểm hiện tại chưa chắc được chấp nhận một cách suôn sẻ....
“Dám làm” không có nghĩa là làm ẩu, làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “chân đi, miệng nói, tay làm”, vì cái chung.
"Dám chịu trách nhiệm" chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người đứng đầu, “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước trước khó khăn và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn.
Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Dù đường lối của Đảng đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cán bộ, đảng viên và tổ chức.
Để làm rõ vấn đề này tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đã nêu lên việc có một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý ngại sai, không dám làm việc, qua đó làm cản trở việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chỉ đề cập đến nguyên nhân là do vướng mắc chính sách, pháp luật thì chưa đủ. Đại biểu cho rằng, qua nghiên cứu, tìm hiểu, nguyên nhân chính là do con người, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Có thể chia ra làm 3 nhóm còn “ngại việc”, không dám làm việc. Thứ nhất, nhóm cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ, không dám làm. Nhóm thứ hai là những người có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, làm việc theo kiểu “nghe ngóng”, né tránh. Nhóm thứ ba là nhóm cán bộ không muốn làm, không dám làm, làm cầm chừng bởi vì cán bộ tiền nhiệm làm không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, cho nên nay làm đúng thì sẽ làm phát sinh ra những vấn đề sai phạm trước đây.
Các đại biểu cho rằng, Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó ở dưới, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn có tâm lý ngại sai, không dám làm việc. Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt, cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và công tác phục vụ nhân dân.
Để khắc phục tình trạng này, rất cần có quy định cụ thể để giải tỏa, khắc phục cho được tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm; một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên.
Hiện thực hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ
Một trong những đột phá quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Để khắc phục tâm lý trên, vừa qua Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc.
Kết luận nêu rõ: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Có thể nói bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XIII) mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, trong công tác cán bộ, Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyết tâm cao xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Đồng quan điểm trên vừa qua Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết đã xin Ban Tổ chức Trung ương thí điểm áp dụng trước một số cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo trong nội bộ Đảng, chính quyền. Bởi hiện nay trong nội bộ Đảng vẫn còn tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai, bởi sai sẽ bị xử lý theo cả dây chuyền, không rõ ai trách nhiệm chính. Về việc này từng có ý kiến “chẳng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử”. Mỗi vụ việc nếu có sai phạm cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính, chứ không phải xử lý theo dây chuyền hết. Đảng bộ cần mạnh dạn bảo vệ cán bộ để đội ngũ nhìn vào đó tự tin, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Việc xử lý sai phạm phải rất đúng người, đúng việc và tâm phục, khẩu phục. “Đảng có câu kế hoạch một phần thì biện pháp mười, kiểm tra, uốn nắn hai mươi để kịp thời phát hiện, giảm đi những sai phạm nguy hiểm”, ông Nên nói.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Nội vụ chủ trì khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023./.
VM
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thanh Huyền (st)