Sáng 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao.
Dự án Luật Đất đai năm 2024 đã trải qua quy trình xây dựng hết sức đặc biệt “có một không hai” với 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
Với 16 Chương, 260 Điều, Luật Đất đai năm 2024 là dự án luật có qui mô đồ sộ, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo điều 252, Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Tuy nhiên, sẽ có hai điều luật có hiệu lực thi hành sớm ngay từ ngày 01/4/2024, để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai: Đó là điều 190 và điều 248 của Luật Đất đai năm 2024.
1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động lấn biển
1.1. Theo Điều 190 Luật Đất đai 2024, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ để thực hiện các hoạt động lấn biển. Đồng thời, cũng có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.
1.2. Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động lấn biển cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;
- Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;
- Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
1.3. Đối với một số khu vực đặc biệt, hoạt động lấn biển chỉ được phép thực hiện khi có sự chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
- Di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng đã được công bố theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về lâm nghiệp;
- Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật về thủy sản;
- Khu vực cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, vùng nước để xây công trình phụ trợ khác theo quy định của pháp luật về hàng hải;
- Cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
1.4. Trường hợp khu vực biển được xác định để thực hiện hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì việc quản lý, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển như đối với đất đai trên đất liền.
1.5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển được quy định như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển; thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý khu vực lấn biển theo quy định của pháp luật;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động lấn biển; ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động lấn biển;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, giao đất, cho thuê đất để lấn biển, thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng khu vực lấn biển trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
1.6. Việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
2. Sửa Luật Lâm nghiệp năm 2017
Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 quy định sửa nhiều điều khoản của Luật Lâm nghiệp năm 2017 liên quan đến giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng, cụ thể:
2.1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng:
- Phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
- Ngoại trừ các dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định thì không thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
2.2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 15 Luật Lâm nghiệp: Khi giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải căn cứ vào kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2.3.Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Lâm nghiệp: Bổ sung thêm một trường hợp Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng.
2.4.Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 Luật Lâm nghiệp: Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
- Bổ sung thêm quy hoạch Tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp Huyện vào điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
2.5. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Lâm nghiệp như sau:
“Điều 20. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí.”.
2.6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 23 Luật Lâm nghiệp về Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng:Bổ sung quyền thu hồi rừng cho UBND cấp huyện đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai 2024.
2.7.Sửa đổi tên gọi, bổ sung nội dung Điều 53 Luật Lâm nghiệp:
- Sửa đổi tên gọi Điều 53. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 53: Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bổ sung khoản 6, Điều 53:
“6. Nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng quy định như sau:
a) Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học;
c) Hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
2.8. Sửa đổi tên gọi, bổ sung nội dung Điều 56 Luật Lâm nghiệp:
- Sửa đổi tên gọi Điều 56. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ
- Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 56: Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bổ sung khoản 6, Điều 56:
“6. Nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ quy định như sau:
a) Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học;
c) Hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
2.9.Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 60 Luật Lâm nghiệp về sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất:
“Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Có thể thấy hai điều của Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội phê chuẩn có hiệu lực sớm từ ngày 01/4/2024 đều là những vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách. Việc Điều 190 và Điều 248Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lấn biển, cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, giáo dục, khoa học, du lịch trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tiễn./.
Lê Minh (tổng hợp)