Pháp luật về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa liêm chính và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới, bài viết khái quát thực trạng và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới.

cong tac can bo
Ảnh minh họa: Internet

Quy định về chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức hiện nay

Từ điển tiếng Việt giải thích đạo đức là: “1. Đạo lý và đức hạnh, quy tắc nên theo trong cuộc sống; 2. Phẩm chất tốt đẹp của con người”(1).

Tiếp cận theo góc độ pháp luật thì chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là tổng hợp các nguyên tắc, yêu cầu, quy định của Đảng, Nhà nước và xã hội, trong đó xác định rõ về phạm vi, giới hạn, tính chất, mức độ có thể được phép, không được phép hay buộc phải thực hiện trong hành vi của mỗi người khi thực hiện hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý, phục vụ, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội.

Những năm qua Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận về chuẩn mực đạo đức CBCCVC, điển hình là: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW).

Theo Quy định số 144-QĐ/TW, đạo đức của cán bộ, đảng viên bao gồm 5 nội dung cơ bản và mỗi nội dung được cụ thể hóa bằng các hành vi, biểu hiện khác nhau, ví dụ: tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân là những biểu hiện của “Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”(2).

Nhà nước đã thể chế hóa quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên thành các quy định pháp luật về chuẩn mực đạo đức CBCCVC, thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ” (Điều 15); các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của CBCC và những việc CBCC không được làm. Khoản 2, Điều 3 Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”; các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm. Chuẩn mực đạo đức công vụ, nghề nghiệp của CBCCVC còn được quy định trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ví dụ, quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC được quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ và Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023, theo đó tiêu chí đánh giá CBCCVC bao gồm: chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nội dung các quy định cho thấy phần lớn các tiêu chí có thể hiện chuẩn mực đạo đức, ví dụ: tư tưởng, tác phong, lối sống, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật. Ngoài các quy định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương còn ban hành quy định về quy tắc ứng xử của CBCCVC.

Bên cạnh những quy định của Đảng, Nhà nước, trong xã hội cũng tồn tại nhiều quy tắc khác nhau để giúp mỗi người có cách ứng xử thể hiện văn hóa trong giao tiếp. Ví dụ như: 06 nguyên tắc “vàng” trong giao tiếp là: xưng hô phù hợp theo độ tuổi, quan hệ; nói rõ ràng, tránh gây hiểu nhầm cho người nghe; hạn chế nói mỉa, móc máy, bóng, gió; tránh nói về những chủ đề nhạy cảm; chú trọng khi sử dụng từ ngữ; không nên sử dụng cách nói mang đến sự tiêu cực(3).

Một số bất cập trong quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức   

Thứ nhất, cho đến nay với nhiều văn bản được ban hành  vẫn chưa cắt nghĩa chính thức và trả lời cho câu hỏi: chuẩn mực đạo đức của CBCCVC là gì? Vấn đề này Luật Viên chức có giải thích thể hiện trên hai phương diện là nhận thức và hành vi, nhưng chỉ giới hạn trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Luật Cán bộ, công chức quy định đạo đức của CBCC với những tiêu chuẩn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhưng cũng chỉ giới hạn trong hoạt động công vụ. Trong khi đó, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP lại diễn đạt tiêu chuẩn đạo đức dưới dạng không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… Việc chậm thể chế hóa theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện và có thể dẫn đến sự thiếu công bằng, khách quan trong đánh giá.

Thứ hai, có nhiều nội dung, quy định trong các văn bản với giá trị chính trị, pháp lý khác nhau, theo đó tạo nên tình trạng: “không nhớ được, không làm được hoặc cứ làm, sai đúng tính sau”. Đây là tình trạng diễn ra ở một bộ phận không nhỏ trong khu vực công cũng như trong xã hội hiện nay “có trên 65% công chức, viên chức không nhớ hết quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”(4). Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của CBCCVC có sự thiếu thống nhất, khó thực hiện. Chẳng hạn, theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các cơ sở giáo dục là trường cao đẳng, đại học, học viện là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà trường, nhưng theo Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, theo đó cơ sở giáo dục (không loại trừ các địa điểm nêu trên) là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà trường và trong phạm vi khuôn viên nhà trường.

Thứ ba, quan điểm trong việc chuyển hóa, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, nội dung áp dụng các văn bản của Đảng với văn bản quy phạm pháp luật (nhất là các văn bản do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành) chưa rõ ràng, thiếu nhất quán gây khó khăn, lúng túng đối với CBCCVC khi thực hiện. Ví dụ: theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ là người được bầu theo nhiệm kỳ; công chức là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch; viên chức là người làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, trong các văn bản của Đảng thì gọi chung là cán bộ, đảng viên. Đảng quy định phải: “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết”, còn quy định của Chính phủ là “Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, Nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân”, khiến cho không ít CBCCVC lúng túng khi thực hiện.

Những chuẩn mực đạo đức theo Quy định số 144-QĐ/TW có phạm vi rộng hơn rất nhiều so với những chuẩn mực về đạo đức là căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC (theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP). Toàn bộ các nội dung (bao gồm cả các quy định chi tiết đối với mỗi nội dung) trong Quy định số 144-QĐ/TW đều thuộc phạm trù chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều nội dung mà văn bản quy phạm pháp luật chưa đưa vào quy định về đạo đức như “Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, Nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân” thuộc về phạm trù chính trị, tư tưởng. Vì vậy, để thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, cần thiết phải ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CBCCVC.

Thứ tư, cùng với những khó khăn thách thức kể trên thì mức độ phát triển kinh tế - xã hội; mức độ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên, của đội ngũ lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm xã hội của công dân; hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo; trình độ, năng lực nhận thức và ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức của mỗi CBCCVC là những yếu tố tác động, theo đó đặt ra khó khăn, thách thức trong hoàn thiện và thực hiện chuẩn mực đạo đức CBCCVC. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã khẳng định: “Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín”, nhưng cũng “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Một số đề xuất hoàn thiện quy định chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức

Một là, trên phương diện nghiên cứu lý luận học thuật, cần định hình rõ quan niệm về chuẩn mực đạo đức của CBCCVC theo hướng tiếp cận pháp luật làm cơ sở hình thành các quy định liên quan đến vấn đề văn hóa liêm chính. Để thực hiện nội dung này, cần rà soát, thống kê các quy định giải thích từ ngữ trong các văn bản hiện hành liên quan đến chủ đề của khái niệm, quan niệm. Phải định hình nội hàm thuật ngữ, khái niệm theo hướng trả lời một số câu hỏi như: đạo đức của CBCCVC là gì, bao gồm những chuẩn mực nào với từng chủ thể thực hiện, hình thức thể hiện ra sao, kết quả cần đạt được thế nào?

Hai là, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chuẩn mực đạo đức của CBCCVC, văn hóa liêm chính theo hướng đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng với quy định của pháp luật để áp dụng đồng thời với đảng viên là CBCCVC trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp; đồng thời khắc phục những mâu thuẫn trong các quy định của pháp luât. Căn cứ Quy định số 144-QĐ/TW, các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản để đảm bảo thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất giữa văn bản của Đảng với văn bản của Chính phủ trong quản lý, sử dụng, đánh giá CBCCVC.

Ba là, khắc phục tình trạng các quy định nằm tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, cần nghiên cứu ban hành đạo luật về đạo đức của CBCCVC. Theo đó, luật này cần thể chế hóa đầy đủ 05 nội dung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên được quy định tại Quy định số 144-QĐ/TW với tinh thần khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ CBCCVC. Cần chỉ rõ những tiêu chuẩn nào được áp dụng chung cho cả CBCCVC; đồng thời có những quy định riêng về tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với tính đặc thù của từng chủ thể. Chẳng hạn, công chức là chủ thể hoạt động công vụ nhân danh quyền lực nhà nước; viên chức là chủ thể hoạt động mang tính nghề nghiệp, không mang tính quyền lực nhà nước nên các tiêu chuẩn về đạo đức cũng cần có những nội hàm riêng. Bên cạnh đó, cần có những quy định chuẩn mực đặc thù cho CBCCVC lãnh đạo, quản lý về sự nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

Bốn là, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình hoàn thiện pháp luật về chuẩn mực đạo đức của CBCCVC nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý lồng ghép, đưa vào hoặc không đưa vào trong văn bản quy phạm pháp luật các quy định với mục đích phục vụ, đáp ứng hoặc bảo vệ lợi ích riêng của một nhóm người hoặc lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp mà lợi ích đó có tính chất không chính đáng, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Nhân dân - thực chất là hành vi vi phạm đạo đức trong thi hành công vụ.

Năm là, nghiên cứu cải tiến hệ thống hóa các quy định theo hướng hình thành sổ tay hoặc cẩm nang về văn hóa liêm chính, chuẩn mực đạo đức CBCCVC để kịp thời phục vụ việc tra cứu, áp dụng các quy định một cách thuận lợi, cũng như phục vụ việc nghiên cứu rà soát, phát hiện những bất cập trong quá trình thực thi công vụ, thực hiện hoạt động nghề nghiệp để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuẩn mực đạo đức của CBCCVC./. 

-------------------------------

Ghi chú:

(1) Nguyễn Ngọc Bích, Trần Thu Hằng, Chu Anh Tuấn, Quang Úy, Quang Minh, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, H.2005, tr.282.

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

(3) https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/ky-nang-giao-tiep-ung-xu/.

(4) Tạ Ngọc Hải (Chủ biên), Áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nxb Tư pháp, H.2023, tr.72.      

    

TS Vũ Ngọc Hà, Học viện Chính trị khu vực I

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: