Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dạy học lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Người cho rằng chất lượng của công tác này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề thuộc về phương pháp và đã có nhiều chỉ dẫn có liên quan. Bài viết luận giải về phương pháp dạy học lý luận chính trị, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viên trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

ly luan chinh tri
Đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay
theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về dạy học lý luận chính trị

Một là, dạy học lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng. Điều đó xuất phát từ quan niệm lý luận chính trị là sự tổng kết những kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh giữa các giai cấp, dân tộc liên quan đến vấn đề chính quyền. Lý luận có vai trò quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, nhất là trong đấu tranh chính trị - cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, một mất, một còn giữa các giai cấp đối kháng nhau. Do đó, lý luận chính trị càng đặc biệt quan trọng đối với Đảng Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại luận điểm của V.I.Lênin về tầm quan trọng của lý luận chính trị: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”(1). Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của lý luận đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2). Như vậy, dạy học lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, nội dung dạy học lý luận chính trị là chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát và so sánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Do vậy, để xây dựng Đảng, Người đã bắt đầu từ việc giảng dạy lý luận chính trị cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để trên cơ sở đó truyền bá lý luận Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để bảo đảm cho Đảng thực sự vững mạnh về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu công tác xây dựng Đảng về chính trị, coi trọng nhiệm vụ dạy học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên với những nội dung thiết thực. Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là nền tảng tư tưởng để Đảng vận dụng, phát triển, đề ra chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mà còn là điều kiện bảo đảm cho Đảng luôn vững vàng trước mọi khó khăn, gian khổ trong quá trình đấu tranh cách mạng. Với vai trò là nền tảng tư tưởng - chủ nghĩa Mác-Lênin phải được quán triệt, cụ thể hóa trong mọi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc dạy và học nghĩa Mác-Lênin thì phải thường xuyên làm tốt việc dạy và học cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Quân đội “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(4). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung dạy học lý luận chính trị trong Quân đội là dạy học chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, dạy học lý luận chính trị nhằm làm cho cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp trong từng thời kỳ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ cách mạng luôn vận động, phát triển, đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi Đảng phải giải quyết, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”(5). Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải có chủ trương, đường lối đúng đắn với hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp.

Yêu cầu nêu trên chỉ có thể được hiện thực hóa khi Đảng đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của các nước anh em một cách sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(6). Từ đó, Người khẳng định: “phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”(7).

Bốn là, phương pháp dạy học lý luận chính trị phải cụ thể, thiết thực, đề cao tính tích cực, tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng và gắn lý luận với thực tiễn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xác định các phương pháp cụ thể, phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể. Theo Người, phương pháp phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi. Thực tế cho thấy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định được con đường cứu nước đúng đắn là do Người đã sử dụng phương pháp phù hợp, đó là nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, so sánh để khẳng định con đường cách mạng nào là đúng với quy luật khách quan, xu thế thời đại và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân cũng như lý tưởng của Người.

Về phương pháp dạy học lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chương trình, nội dung dạy học phải phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đối tượng người học. Theo Người, dạy học lý luận chính trị phải coi trọng tính thiết thực, chu đáo. Đối với người dạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(8); “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế… phải nhằm đúng nhu cầu… phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng… phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc… phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”(9). Đối với người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả”(10). Do đó, người học phải nêu cao tinh thần tích cực, chủ động và tác phong độc lập suy nghĩ, tránh lối học vẹt.

Giải pháp đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các chủ thể, lực lượng về sự cần thiết đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội.

Thông qua các hoạt động như: quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị về giáo dục, đào tạo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hàng năm; sơ tổng kết học kỳ, năm học; thông qua việc tổ chức, xây dựng kế hoạch học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục về tính cấp thiết, giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, hình thành thái độ tích cực, động cơ đúng đắn, trách nhiệm cao và hành động quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị cần được lựa chọn kỹ, bảo đảm thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống trung thực, lành mạnh, giản dị, gương mẫu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được đào tạo chuyên sâu, đúng chuyên ngành, có phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy. Mặt khác, mỗi giảng viên cần đề cao vai trò chủ thể trong quá trình dạy học, chấp hành nghiêm quy chế giáo dục, đào tạo thực hiện đúng quy trình chuẩn bị và thực hành bài giảng. Chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, coi trọng việc hình thành phẩm chất, năng lực của người học trong quá trình giảng dạy.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, không ngừng hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội.

Chất lượng dạy học nói chung, dạy học lý luận chính trị nói riêng phụ thuộc rất lớn vào giáo trình, tài liệu dạy học. Vì vậy, trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị, thực trạng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở các đơn vị trong toàn quân và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng về giáo dục, đào tạo, cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa chính trị với quân sự; về xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, cách mạng, khoa học và vai trò nền tảng của lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thứ tư, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt học thuật và quy trình sư phạm của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội.

Giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới phù hợp với thực tiễn tình hình thế giới, trong nước và thực tiễn xây dựng Quân đội. Do vậy, việc duy trì chế độ sinh hoạt học thuật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Thông qua sinh hoạt học thuật sẽ tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao về nội dung, phương pháp giảng dạy trong tập thể sư phạm. Mặt khác, cần duy trì nghiêm túc thành nền nếp và có chất lượng các hoạt động phương pháp sư phạm như: thông qua hồ sơ bài giảng; thục luyện; giảng thử; dự giờ… Trên cơ sở đó, chủ nhiệm bộ môn, cán bộ khoa nắm chắc năng lực, phương pháp sư phạm của từng người để có biện pháp bồi dưỡng, giúp đỡ kịp thời, nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy và nhân rộng những ưu điểm, những điển hình tiên tiến trong giảng dạy lý luận chính trị.

Thứ năm, vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học tích cực và phát huy sức mạnh tổng hợp trong đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội.

Phương pháp dạy học tích cực là tổng hợp các cách thức phát huy tính tích cực, chủ động của cả giảng viên và học viên trong quá trình lên lớp. Theo đó, giảng viên đặt ra tình huống bằng các câu hỏi phát vấn và lôi cuốn học viên tham gia trao đổi, phản biện về nội dung mà giảng viên cần truyền đạt. Ngược lại, học viên phải tích cực suy nghĩ, so sánh lý luận với thực tiễn và đặt ra cho giảng viên các câu hỏi liên quan đến nội dung bài giảng. Phương pháp này bảo đảm tăng tính thực tiễn của bài giảng lý luận, làm cho lý luận thực sự là những kết luận được rút ra từ thực tiễn sinh động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”(11). Do vậy, đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị cần chú trọng vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học tích cực nhằm hiện thực hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”(12).

Chất lượng đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị là hệ quả của nhiều yếu tố tác động. Mặc dù mỗi yếu tố có vị trí, vai trò không ngang bằng nhau nhưng đều tác động đến chất lượng dạy học. Do vậy, trước hết cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, mà trực tiếp là chi ủy, chi bộ các khoa giáo viên trong lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học. Mặt khác, cần phát huy cao độ, vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, các cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi người, nhất là trách nhiệm của người học trong đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQGST, H.2011.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H.2021.

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.90.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 217.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 91-92.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.92.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.92.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.356.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.358-360.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.94.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.273.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.95.

 

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Lập - Chủ nhiệm Khoa, Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: