Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Gắn lý luận chính trị với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Nhiệm vụ trọng yếu này không chỉ trang bị cho những người Cộng sản Việt Nam tri thức lý luận sâu sắc để nâng cao nhận thức chính trị và vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, mà còn đồng thời góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.

gan li luan
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lý luận chính trị gắn với thực tiễn là yêu cầu khách quan

V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận) vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp” và thực tế là con người quan hệ với thế giới đầu tiên không phải bằng lý luận mà bằng thực tiễn. Từ trong quá trình hoạt động thực tiễn, cải tạo thế giới, nhận thức, lý luận ở con người mới được hình thành và phát triển. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”[1] và “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[2]. Hơn nữa, lý luận không phải cái gì đứng im, khô cứng, mà luôn luôn cần đến thực tiễn để được bổ sung, hoàn thiện bằng những kết luận mới trong những điều kiện, hoàn cảnh mới, nên “lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế”[3]. Không chỉ có vậy, Người còn nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông… Lý luận luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[4]…

Nhắc lại một vài chỉ dẫn của V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh như trên để thấy được rằng thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý khách quan. Công việc nào xuất phát từ yêu cầu thực tế, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thì sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, thấu đáo và việc gắn lý luận chính trị với thực tiễn cũng không nằm ngoài “vòng cương tỏa” đó.

Ở Việt Nam, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, chủ động, trí tuệ, bản lĩnh trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mà còn đồng thời tiến hành đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, gắn lý luận với thực tiễn để giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ, tư duy, nhận thức, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và khả năng phân tích, thích ứng, dự báo, xử lý các vấn đề phức tạp trong thực tiễn. Việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vừa là một yêu cầu cốt lõi, vừa là trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, cho nên cả người dạy và người học các môn lý luận chính trị đều không phải/không cần/không nhất thiết thuộc làu làu từng câu, từng chữ để đem ra “tầm chương trích cũ”, mà điều căn cốt là phải nắm lấy tinh thần, phương pháp biện chứng/nghĩa là “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”[5]; là để ứng xử với con người và thực hành trong công tác trên tinh thần: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[6] .

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Đảng không chỉ khẳng định việc phải “đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”[7], mà còn đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[8]. Và để hoàn thành sứ mệnh ấy, quá trình dạy và học các môn lý luận chính trị (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) cần phải gắn lý luận “hàn lâm” với thực tiễn “sinh động” để khi đã được đào tạo, bồi dưỡng thì người cán bộ, đảng viên “có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”[9]. Như vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa học tập lý luận chính trị với thực tiễn sẽ đem lại hiệu quả về nhiều mặt đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng trong việc khắc phục bệnh kinh nghiệm, giáo điều, chủ quan, “khinh lý luận và lý luận suông” hay “chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”[10] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Rèn luyện bản lĩnh chính trị để vững vàng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực tế, việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cũng như xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập lý luận chính trị… những nhiệm kỳ gần đây đã góp phần khắc phục những biểu hiện lười/ngại/hình thức/“được chăng hay chớ”, thậm chí học chiếu lệ, học cho đủ “chứng chỉ” các môn lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, sự quan tâm của cấp ủy các cấp, của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng; trong việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên (theo từng đối tượng) đã không chỉ góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, mà còn nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng thích ứng với thực tiễn trong quá trình thực thi công vụ.

Cùng với đó, việc gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với công tác cán bộ (quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật), với quá trình thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới… đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị và phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi người trong thực thi nhiệm vụ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là trong chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn tình trạng học đối phó, có mặt để điểm danh mà chưa tuân thủ đúng quy định chế độ học tập. Cá biệt có người học vì lý do hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm để thăng tiến, chứ không phải để trau đồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường và sự xâm nhập của những luồng tư tưởng chính trị phi mácxít của các thế lực thù địch; sự du nhập của các loại hình văn hóa phẩm độc hại, của lối sống nặng về hưởng thụ vật chất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn khiến “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[11].

Vì thế, để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng kiên định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; kiên định đường lối, chủ trương của Đảng; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và tu dưỡng đạo đức cách mạng; đặc biệt là để rèn luyện bản lĩnh chính trị; để mỗi cá nhân và tổ chức đều bám sát thực tiễn và có “tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3) ngày 31/10/2024 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phải nghiên cứu, học tập lý luận chính trị; gắn lý luận chính trị với thực tiễn để vừa phòng và chống “bệnh”: ngại học; học hình thức, hời hợt; học thuộc làu “khô cứng”, vừa vận dụng linh hoạt lý luận trong thực tiễn, để lý luận bám sát thực tiễn, trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn.

Trên tinh thần đó, việc quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” và Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” gắn với chủ động, nhạy bén, kịp thời trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong cả hệ thống chính trị là hết sức cần thiết. Đồng thời, vì “đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”; là “khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”… như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng đinh, cho nên từng cán bộ, đảng viên đều phải coi việc học tập lý luận chính trị là nhu cầu tự thân và thấm nhuần sâu sắc sự “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị”[12]. Đặc biệt, để hoàn thành trọng trách kép vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân thì mỗi người đều phải nỗ lực học tập ở mọi nơi, mọi lúc, không ngừng, không nghỉ (học ở nhà trường, trong sách vở, học trong cuộc sống, học ở người khác, kết hợp chặt chẽ với việc tự học). Học một cách toàn diện (chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng…) gắn với (lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước) trên tinh thần bám sát thực tiễn đang hằng ngày hằng giờ biến động để không chỉ lấy lý luận chỉ đạo và vận dụng phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị, mà còn phải khắc phục bệnh kinh nghiệm, giáo điều, cực đoan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn để tránh những sai lầm đáng tiếc.

Cuối cùng, cần phải khẳng định là: Để đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, tiến cùng và sánh vai với các cường quốc năm châu… thì mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu, từng cán bộ, đảng viên không chỉ cần phải chủ động đón vận hội, thời cơ và vững vàng đối diện với khó khăn, thử thách, mà còn phải bản lĩnh, kiên trung trước những cạm bẫy vật chất, tiền tài, quyền lực, danh vọng. Đó chính là phải “đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam” để vừa noi theo những tấm gương điển hình tiên tiến, vừa rút kinh nghiệm từ bài học đau xót về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên (vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã, đang bị xử lý nghiêm minh) để mỗi người tự soi, tự sửa mình từ sớm, từ xa. Đồng thời, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tự răn mình nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên để trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào cũng phải kiên định lý tưởng cộng sản và “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cặn dặn./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.96

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.273 - 274

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.94

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.95

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.95

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.668

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.235

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.235-236

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.312

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.275

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.168

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.236

 

Văn Thị Thanh Mai

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: