Thứ tư, 25/12/2024

Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc che chở của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nhiều chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mãi là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

1. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, là lực lượng chủ yếu, chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định phải “Tổ chức ra quân đội công nông”(1), tiến tới “lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động”(2). Từ chủ trương của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, qua thực tiễn cao trào cách mạng 1930 - 1931, các Đội tự vệ Đỏ - mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đã xuất hiện và tỏ rõ sức mạnh là lực lượng nòng cốt trong thực hiện chức năng bảo vệ các cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Trải qua thời kỳ cách mạng dân chủ 1936 - 1939, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng đã hình thành với những quan điểm chủ yếu, như: khởi nghĩa vũ trang là phương thức cơ bản để giành chính quyền về tay nhân dân; đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến tháng 5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập các đội tự vệ cứu quốc và những tiểu tổ du kích cứu quốc làm lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Trên cơ sở phát triển của phong trào cách mạng, sự trưởng thành của lực lượng tự vệ, du kích và thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lực lượng ban đầu gồm 34 cán bộ, chiến sĩ. Trong Chỉ thị thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lúc này đội quân chính quy phải hoạt động theo phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”(3), phải dựa vào lực lượng chính trị để phát triển lực lượng vũ trang. Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tổ chức tập kích đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần giành thắng lợi, mở đầu truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

quan doi nhan dan viet nam
Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung. Nguồn: TTXVN

Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Đảng ta phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, chuẩn bị điều kiện thuận lợi tiến tới tổng khởi nghĩa. Trong cao trào này, các chiến sĩ tự vệ và tự vệ chiến đấu là lực lượng nòng cốt trong các đoàn mít tinh, biểu tình vũ trang, trở thành lực lượng bảo vệ quần chúng, chống lại sự đàn áp của địch, tạo thời cơ để thiết lập chính quyền cách mạng tại các địa phương. Khi thời cơ cách mạng chín muồi, trong thời điểm lịch sử rất khẩn trương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(4). Chấp hành Lệnh Tổng khởi nghĩa và Lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các ủy ban khởi nghĩa, đơn vị giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc và các chiến khu nhanh chóng tiến về các địa phương phối hợp, hỗ trợ cho đội quân chính trị của quần chúng vùng lên giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, tại Hà Nội, cuộc mít tinh ở Nhà hát Lớn với sự tham gia của 20 vạn người có lực lượng tự vệ làm nòng cốt đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của quần chúng, giành chính quyền về tay nhân dân, tạo bước ngoặt quyết định, thúc đẩy cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi trên khắp các địa phương và cả nước.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần lễ (13 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra đồng loạt, mạnh mẽ và nhanh gọn trên phạm vi toàn quốc, giành được những thắng lợi căn bản, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhờ sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt, có lực lượng vũ trang làm chỗ dựa và đấu tranh vũ trang hỗ trợ, phong trào cách mạng quần chúng mới phát triển nhanh, mạnh, liên tục. Nhờ có đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và lực lượng quân sự cách mạng đóng vai trò chế áp lực lượng đối phương nên Cách mạng Tháng Tám 1945 mới giành được thành công nhanh chóng ở các địa phương, thành phố lớn cũng như ở trung tâm đầu não của địch. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khẳng định các đội vũ trang và bán vũ trang thực sự là nòng cốt, hỗ trợ hiệu quả, tích cực cho lực lượng chính trị đông đảo của quần chúng cách mạng vùng dậy giành chính quyền; đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành của Việt Nam Giải phóng quân - Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đứng trước cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được; trong đó, hết sức coi trọng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. 

Tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn. Đến cuối năm 1945, Vệ quốc đoàn đã có 50.000 bộ đội chủ lực, được tổ chức thành 40 chi đội cùng hàng chục vạn người thuộc các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, du kích không thoát ly sản xuất, trực tiếp bảo vệ chính quyền cách mạng ở cơ sở(5). Đến giữa năm 1946, Vệ quốc đoàn đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam và phát triển lực lượng lên gần 82.000 bộ đội chủ lực cùng hơn 1 triệu tự vệ, du kích tại các địa phương(6). Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, lực lượng này trở thành nòng cốt trên mặt trận đấu tranh quân sự, chỗ dựa vững chắc của quần chúng nhân dân, vừa chiến đấu bảo vệ dân, vừa hỗ trợ nhân dân tản cư ra vùng kháng chiến, chuẩn bị tiềm lực cho cuộc kháng chiến lâu dài. 

Thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân quy mô lớn tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc, nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực, phá hủy tiềm lực kháng chiến của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta nhanh chóng giành lại thế chủ động và làm nên thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Việt Bắc - Chiến dịch đầu tiên giành thắng lợi của Quân đội ta. Chiến thắng này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội cách mạng cả về trình độ kỹ thuật, chiến thuật cũng như khả năng tiêu diệt địch, đặc biệt là sự phối hợp chiến đấu hiệu quả giữa các lực lượng vũ trang.

Sau thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, thực dân Pháp buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, lấy càn quét, mở rộng chiếm đóng và bình định làm biện pháp chủ yếu, kết hợp vơ vét sức người, sức của để duy trì chiến tranh. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Chỉ huy quyết định phân tán 1/3 số đơn vị chủ lực thành các đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền và tuyên truyền xung phong, tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm để gây cơ sở, giúp đỡ và phối hợp với dân quân, du kích đánh địch, làm chỗ dựa cho chiến tranh du kích phát triển. Thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, từ năm 1948, hàng trăm đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch hậu, hỗ trợ nhân dân nhiều nơi, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ đồng loạt nổi dậy phá tề.

Cùng với ra sức bảo vệ, củng cố hậu phương, lực lượng vũ trang nhanh chóng phát triển lực lượng, hoàn thiện tổ chức và rèn luyện cách đánh. Ngày 07/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quy định Quân đội quốc gia Việt Nam gồm hai thành phần là quân đội chính quy và quân địa phương. Với sắc lệnh này, lực lượng vũ trang ba thứ quân chính thức hình thành, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân; dân quân du kích, tự vệ là lực lượng vũ trang của quần chúng cách mạng. Sự ra đời các đơn vị chủ lực cơ động mạnh cấp đại đoàn, trung đoàn đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của Quân đội nhân dân Việt Nam(7) đáp ứng bước đầu chủ trương tiến lên vận động chiến.

Dựa trên sự lớn mạnh, hoàn thiện về mọi mặt của lực lượng vũ trang ba thứ quân, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên giới (16/9 - 14/10/1950) tiến công quân địch với quy mô tổ chức đại đoàn bộ binh và giành thắng lợi to lớn, góp phần tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Chiến thắng Biên giới đánh dấu bước phát triển về trình độ tổ chức và nghệ thuật tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, nòng cốt là bộ đội chủ lực.

Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát huy vai trò của từng thứ quân trong hoạt động tác chiến. Theo đó, một số đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia, tiến hành những đòn tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó, căng sức chống đỡ trên các chiến trường Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, v.v. Bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, ta đã tập trung lực lượng chủ lực lớn, kết hợp cùng nghệ thuật chiến dịch đặc sắc, tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở các chiến trường phối hợp trên cả nước, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.\

3. Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được củng cố, tăng cường về mọi mặt, giữ vững vai trò nòng cốt, cùng cả nước đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế

Trong bối cảnh miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới là bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, tích cực tham gia sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp quản vùng mới giải phóng. Ở miền Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương phát triển các lực lượng vũ trang đến một mức độ nhất định, nhằm đối phó âm mưu phá hoại Hiệp định Gieneve của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

quan doi nhan dan viet nam 2
Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Trước hành động khủng bố, tàn sát đẫm máu đồng bào miền Nam của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15, ra nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”(8). Thực hiện chủ trương đó, phong trào nổi dậy của quần chúng nhanh chóng lan rộng, phát triển thành cao trào Đồng khởi khắp miền Nam, tiêu biểu là tại Bến Tre, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, tạo bước chuyển chiến lược từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: “Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”(9). Cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Đảng, tháng 1/1961, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Trong lúc đó ở miền Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện cùng lúc ba nhiệm vụ: bảo vệ miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh; xây dựng lực lượng vũ trang, đưa lực lượng vào miền Nam chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào, Campuchia.  

Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, Quân giải phóng miền Nam vừa phát triển về quy mô, tổ chức, lực lượng, vừa tiến hành xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, tuyến vận tải chi viện chiến lược trên bộ, trên biển, tiếp thu nguồn chi viện từ miền Bắc, kết hợp với hậu cần tại chỗ để thực hiện các trận đánh, chiến dịch có quy mô ngày càng lớn, góp phần đập tan hàng nghìn ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. 

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trước đối tượng tác chiến mới được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, cùng với việc xây dựng quyết tâm chiến đấu, Quân giải phóng miền Nam phát triển lực lượng, bố trí thành ba khối chủ lực cơ động ở Đông Nam Bộ, Khu 5 và Tây Nguyên(10). Đồng thời, đẩy mạnh tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực kết hợp tác chiến rộng khắp của bộ đội địa phương, dân quân du kích, giành được những chiến thắng liên tiếp trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân Mỹ, cùng nhân dân miền Nam đẩy mạnh thế tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch, mở ra thời cơ thuận lợi để thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi đàm phán tại Paris, tạo ra cục diện mới của chiến tranh - cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Đến năm 1969, Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực hiện thủ đoạn “quét và giữ” hòng phá vỡ thế trận, làm suy giảm nguồn hậu cần, gây tổn thất không thể bù đắp cho lực lượng chiến tranh nhân dân của ta. Để duy trì lực lượng chiến đấu, Quân giải phóng miền Nam tổ chức thành nhiều bộ phận, đứng chân ở các vùng lõm căn cứ đồng bằng, vùng giáp ranh hoặc căn cứ miền núi. Trên cơ sở tiếp nhận các đơn vị với đủ quân số, vũ khí, trang bị từ miền Bắc, Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng, đẩy mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và giành thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Cùng với những thắng lợi chiến lược trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ cuối năm 1972, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973), rút hết quân Mỹ và đồng minh khỏi Việt Nam. Ta hoàn thành mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”.

Hiệp định Paris được ký kết đã tạo thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mới của cuộc chiến tranh, các quân đoàn chủ lực cơ động lần lượt được thành lập(11) ở cả hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, cuối năm 1974, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên sức mạnh của quân và dân cả nước để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát huy sức mạnh tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trên các hướng chiến lược, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân đội Sài Gòn, thúc đẩy quần chúng vùng dậy làm chủ địa bàn giải phóng. Lực lượng quần chúng nhân dân tại các địa bàn, địa phương tham gia đấu tranh đa dạng về quy mô, phong phú về hình thức, giành quyền làm chủ, xây dựng chính quyền cách mạng, làm chỗ dựa vững chắc hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy “thần tốc” mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng ròng rã trong 30 năm (1945 - 1975). 

Như vậy, trên chặng đường hơn 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1944 - 1975), Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành lực lượng trực tiếp thực hiện đường lối quân sự, chính trị của Đảng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đội quân chủ lực đầu tiên, xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng về tổ chức, lực lượng, trình độ tác chiến, phát huy vai trò tích cực trong xây dựng, bảo vệ và phát triển căn cứ địa, hậu phương tại chỗ, là lực lượng đi đầu, dẫn dắt, làm chỗ dựa cho phong trào toàn dân đánh giặc. Đồng thời, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra ngày càng gay gắt; xung đột quân sự ở một số khu vực có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Trong nước, sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta xác định bảo đảm quốc phòng, an ninh tiếp tục là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vì vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng”, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn tích cực xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cùng với toàn Đảng, toàn dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống./.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thanh Huyền (st)

__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.

2 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 116.

3 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 9: Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 337.

4 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 418.

5 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 10: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 183.

6 - Sđd, tr. 64.

7 - Từ năm 1950, trên các phương tiện truyền thông, Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 23/9/1954, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 400-TTg chính thức quy định: “Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam”.

8 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 82.

9 - Sđd, Tập 21, tr. 916.

10 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban Nghiên cứu Lịch sử Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 509 - 510.

11 - Quân đoàn 1 ở hậu phương miền Bắc (10/1973), Quân đoàn 2 ở Trị - Thiên (5/1974), Quân đoàn 4 ở Đông Nam Bộ (7/1974), Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên (3/1975).

Bài viết khác: