Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ, quyết liệt, đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, lợi dụng những sai phạm, lãng phí của một số dự án, công trình, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục khoét sâu để chống phá với nhiều luận điệu xuyên tạc, hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề cần được làm rõ và đấu tranh, bác bỏ.

chong tham nhung
Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Ảnh Văn Điệp/TTXVN

Viện cớ vào một số vụ việc lãng phí mà các cơ quan chức năng đã và đang điều tra, xét xử, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, phủ nhận những kết quả công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta. Trên các trang mạng, như: BBC Tiếng Việt, Chân Trời Mới Media, Việt Tân,… họ đưa ra luận điệu: công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta chỉ là “khẩu hiệu suông”, thiếu thực tiễn và tính khả thi do tất cả các công trình, dự án mà Nhà nước làm chủ đầu tư đều bị tham nhũng, lãng phí! Và, quy chụp rằng, mọi nguyên nhân dẫn đến lãng phí đều bắt nguồn từ sự quản lý yếu kém của chính quyền các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì theo họ, chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo đất nước nên bị mất dân chủ, không có sự giám sát của nhân dân và sự phản biện của các tổ chức chính trị xã hội trong nước và quốc tế dẫn đến tệ lãng phí ngày càng nghiêm trọng, bởi Đảng đã suy thoái trầm trọng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, không có bản lĩnh, trí tuệ để lãnh đạo đất nước. Từ đó, hô hào “chỉ có tự do chính trị mới giúp Việt Nam phòng, chống được lãng phí”. Rồi họ tuyên truyền, kích động nhân dân rằng: muốn phòng, chống lãng phí phải chống độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi phải đa nguyên, đa đảng để đảm bảo “tự do, dân chủ”. Họ ra sức tuyên truyền, bịa đặt, lèo lái dư luận theo hướng công tác phòng, chống lãng phí mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành chỉ là hình thức nhằm che đậy những hành vi quan liêu, tham nhũng và những hạn chế, yếu kém của bộ máy chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn đều phản bác lại sự xuyên tạc này. Bởi trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi lãng phí là tệ nạn, căn bệnh nguy hiểm đối với sự phát triển đất nước, dân tộc. Do đó, cùng với quyết tâm diệt trừ  “giặc nội xâm”, công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước ta đề cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Lãng phí tuy khác với tham ô... Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”1, bởi nó xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, cả trong gia đình, cơ quan, đơn vị và xã hội, nó biểu hiện bằng nhiều hình thức: lãng phí về thời gian, lãng phí về sức lao động, lãng phí tiền của, v.v. Đồng thời, Người chỉ rõ nguyên nhân, biện pháp và cách thức đấu tranh phòng, chống lãng phí trong toàn Đảng, hệ thống chính trị cũng như ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định: “Phòng, chống lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2.

Về mặt pháp lý, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết,… tạo khuôn khổ pháp luật để tiến hành công tác phòng, chống lãng phí. Trong đó, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2005 và năm 2013); gần đây nhất, ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công). Đặc biệt, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã chỉ rõ: cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời yêu cầu phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất, v.v.

Cùng với đó, Chính phủ cũng vào cuộc quyết liệt đối với công tác phòng, chống lãng phí. Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025, nêu rõ: “Chính phủ sẽ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc”. Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó khẳng định: năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, do đó đã tạo nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Đặc biệt, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã và đang được các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt chính là giải pháp quan trọng để giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia và tạo mọi nguồn lực để phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.

Về mặt thực tiễn, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta, nhất là từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (ngày 14/8/2024), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An; hoàn thành các cuộc kiểm tra liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trên cả nước đã khởi tố, điều tra 734 vụ/1.681 bị can, truy tố 591 vụ/1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 1.002 vụ/2.703 bị cáo. Các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can, trong đó có 169 vụ án/347 bị can, nâng tổng số vụ án khởi tố mới ở các địa phương từ đầu năm 2024 đến nay là 613 vụ án/1.350 bị can. Ngày 31/10/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Tiếp theo, ngày 03/11/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh và các đơn vị liên quan trong việc khai thác quặng Titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; khai thác, xuất bán quặng Titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, công tác phòng, chống lãng phí được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống lãng phí, nhưng quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và những thành quả đã đạt được là điều không thể xuyên tạc, phủ nhận. Kết quả đó khẳng định: công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành không phải là “khẩu hiệu suông”, hay chỉ “nói” mà không “làm”, “phát” mà không “động”. Đồng thời, là bằng chứng đanh thép nhất bác bỏ luận điệu xuyên tạc, kích động, cho rằng việc phòng, chống lãng phí mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc chỉ để xoa dịu dư luận xã hội, che đậy sự quan liêu, nạn tham nhũng của chính quyền các cấp mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn rêu rao nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa, tiếp tục củng cố niềm tin và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác quan trọng này.

Đại tá, TS. PHẠM VĂN THUẬN, Trường Sĩ quan Chính trị

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thanh Huyền (st)

__________________      

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 141.

2 - ĐCSVN – Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/02/2012, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Bài viết khác: