Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

Một nhà báo, nhà văn kiêm họa sĩ người Trung Quốc đã dành thời gian nửa năm để vẽ tranh minh họa cho các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh với điểm nhấn ô cửa sổ là ranh giới phân chia không gian trong nhà lao và thế giới tự nhiên bên ngoài.

nguoi ban trung quoc
Cát Kiến Phương với tập thơ Nhật ký trong tù.

Cát Kiến Phương quê ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, là phóng viên, biên tập viên cao cấp, đồng thời cũng là họa sĩ vẽ tranh biếm họa thời sự. Ngoài ra, chị còn là thành viên của nhiều tổ chức hội nghề nghiệp như hội viên Hội nhà văn Trung Quốc, thành viên Ủy ban nghệ thuật tranh biếm họa thuộc Hiệp hội Mỹ thuật tỉnh Thiểm Tây, thành viên Hiệp hội nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Thiểm Tây. Cát Kiến Phương đã có tác phẩm đoạt Giải thưởng tản văn toàn quốc Trung Quốc.

Trong một lần tác nghiệp phỏng vấn, chị đã được giới thiệu và biết đến tập thơ Nhật ký trong tù bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư duy sáng tạo và góc nhìn độc đáo của một họa sĩ, Cát Kiến Phương đã nảy sinh ý tưởng vẽ tranh minh họa cho các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù.

Để bắt tay vào thực hiện ý tưởng này, Cát Kiến Phương đã dành nhiều thời gian tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh lịch sử thời kỳ đó, đặc biệt là đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần tập thơ Nhật ký trong tù để có thể đồng điệu được với cảm nhận của tác giả đang trong cảnh lao tù.

nguoi ban trung quoc 2
Nhà báo, nhà văn, họa sĩ Cát Kiến Phương trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Theo Cát Kiến Phương, trong khoảng thời gian 13 tháng bị đầy ải, giam cầm tại mấy chục nhà lao của mười mấy huyện tại Quảng Tây, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác hơn 100 bài thơ bằng chữ Hán. Câu chữ trong các bài thơ này giản dị, mộc mạc, tràn đầy năng lượng, tinh thần lạc quan. Điều này hoàn toàn trái ngược với tâm trạng tuyệt vọng, lo âu, sợ hãi giữa sự sống và cái chết như thường thấy ở các tù nhân.

Điều khó nhất khi vẽ tranh minh họa là phải thấm được cái hồn của bài thơ, đồng cảm được với thi sĩ - tù nhân, Cát Kiến Phương chia sẻ: “Khi cầm tập thơ trên tay, tôi đã đọc đi đọc lại, tưởng tượng ra cái khung cảnh nhà lao, nhưng rốt cuộc tôi vẫn ở trong nhà của mình bởi tôi là người tự do. Và rồi, tôi đã hư cấu ô cửa sổ nhà mình thành ô cửa sổ của nhà lao với những chấn song sắt lạnh lẽo cùng những bạn tù ở bên cạnh đêm ngủ mà vẫn bị cùm chân”. Vì vậy, ô cửa sổ nhà lao là ranh giới để phân chia không gian tù túng bên trong với cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn bên ngoài, là “cánh cửa” để cảm nhận thơ của Bác Hồ.

nguoi ban trung quoc 3 1
Tranh minh họa cho bài thơ đầu tiên trong “Nhật ký trong tù” (ảnh trái) và tranh minh họa cho bài thơ “Đi đường” (bên phải).

Cát Kiến Phương không phải là người học chuyên ngành mỹ thuật, vì vậy hiểu biết và góc nhìn của chị về mỹ thuật cũng sự khác biệt, khá độc đáo. Trong khi phần lớn các họa sĩ đều chú trọng vào kỹ thuật tạo hình nhân vật, phối trộn màu sắc, chất liệu tranh... thì Cát Kiến Phương lại hướng đến hiệu quả thị giác của bức tranh đối với người xem và đã có nhiều suy ngẫm khi lựa chọn giữa vẽ tranh minh họa màu hay đen trắng.

Ở thời điểm những năm 1942 - 1943, điện ảnh thế giới đa số vẫn chỉ là những thước phim đen trắng, vì vậy chị đã quyết định dùng các đường nét màu đen để thể hiện tranh minh họa trên nền giấy trắng, giản dị và mộc mạc như từng câu chữ trong thơ của Bác Hồ.

Các bức tranh minh họa của Cát Kiến Phương đều không có nét phác thảo ban đầu, mà là các nét vẽ tùy ý kết nối với nhau nhưng lại tạo thành bố cục vô cùng sống động, phóng khoáng, giống như tinh thần lạc quan, tràn đầy năng lượng tích cực của thi sĩ đang trong cảnh tù đày.

Cát Kiến Phương cho biết, chị mất hơn 5 tháng để hoàn thành những bức tranh minh họa cho các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù. Hầu hết trong những bức tranh minh họa của Cát Kiến Phương đều có hình ảnh ô cửa sổ nhà lao với những chấn song sắt nặng nề, đó là nơi để nhà thơ giao tiếp với thiên nhiên bên ngoài là những khung cảnh hoa cỏ, cây cối, đồi núi, đồng ruộng...

nguoi ban trung quoc 4 1 1
Tranh minh họa cho bài thơ “Nghe tiếng gà gáy” (ảnh trái) và bài thơ “Không ngủ được”
 (bên phải).

Thông qua những bức tranh minh họa này, tác giả muốn truyền tải thông điệp nếu mỗi người trong chúng ta có lý tưởng cách mạng cao đẹp, thì sẽ không bao giờ gục ngã trước khổ đau cũng không bao giờ phải sống mãi trong khổ đau, mà sẽ đấu tranh để hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Cát Kiến Phương cho rằng, ngày hôm nay, chúng ta đọc lại Nhật ký trong tù trong bối cảnh mới của lịch sử, để ôn lại những năm tháng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đối diện và vượt qua khó khăn, gian khổ với tinh thần kiên cường, bất khuất, lạc quan, yêu đời. Với tình cảm yêu mến và kính trọng đối với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc, Cát Kiến Phương muốn thông qua những tác phẩm tranh minh họa của mình để bày tỏ sự cảm kích và tri ân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại một “tài sản tinh thần vô giá” cho hậu thế trong một hoàn cảnh rất gian khó, để chúng ta biết trân quý hiện tại, sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi khó khăn, thách thức./.

 

HỮU HƯNG - HỒ QUÂN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Theo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: