Tháng cuối năm, nhiều vấn đề nóng. Nhưng có lẽ nóng hơn cả là chuyện giảm đầu mối, tinh giản biên chế. Hội nghị Trung ương đã họp bàn thảo và quyết định những công việc cần tập trung làm thật tốt, trong đó chủ yếu là bàn về sắp xếp, củng cố bộ máy Ðảng, Nhà nước sao cho gọn hơn, mạnh hơn.
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25/11.
Ảnh | ĐĂNG KHOA
Trung ương đã nhất trí rất cao việc tới đây các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải tổng kết thật kỹ Nghị quyết 18 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đó nêu quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, quyết liệt.
Ý Đảng gặp lòng Dân. Chủ trương lớn đã sớm được triển khai, được nhân dân quan tâm, cùng hiến kế và bàn cách thực hiện, tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chúng tôi tham dự một cuộc tọa đàm không cốt trả lời câu hỏi “thấy gì”, “vì sao” mà cần hơn là lời đáp “làm thế nào”? Một nhà quản lý nhắc tới câu nói nổi tiếng của V.I. Lênin: “Thà ít mà tốt”. Câu nói này như một thành ngữ, một cống hiến lý luận và xây dựng Nhà nước của vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới. Cách đây hơn một thế kỷ, tháng 3 năm 1923, bài viết được đăng Báo Sự Thật - tiếng nói của Đảng Cộng sản Liên bang Nga.
Trong lúc các nước đế quốc đang tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của Nhà nước Xô viết, Lênin vẫn không ngần ngại khi nêu lên những yếu kém của bộ máy nhà nước lúc đó. Người chỉ rõ: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”. Theo Lênin, một bộ máy nhà nước mạnh không phải do số lượng và quy mô, mà chủ yếu do chất lượng hoạt động của bộ máy ấy. Cải tổ bộ máy nhà nước cần phải có thời gian, nhưng lại phải làm ngay từng bước, sẽ rất khó khăn, nhưng không thể không làm.
Những chỉ dẫn nêu trên của Lênin cho đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Dù trong thời chiến hay trong thời bình đều cần có một bộ máy tinh gọn, vững mạnh, “người cầm lái có vững thuyền mới chạy” như Bác Hồ từng căn dặn. Ở Việt Nam, năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, để dồn sức cho cuộc kháng chiến, giảm tải sự đóng góp của nhân dân, Bác nói về củng cố tổ chức như sau: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”.
Vẫn biết mỗi lần tách ra, nhập vào các đầu mối cơ quan, đoàn thể, địa phương đều có lý, cái lý chung nhất là, tình hình mới, nhiệm vụ mới phải có bộ máy phù hợp. Ao nông thì “ngắn sào dễ chở”. Ao sâu, ao rộng, phải dùng thuyền to, xuồng máy. Gần nửa thế kỷ qua, kể từ 30/4/1975, sau khi nước nhà thống nhất, chúng ta đã có nhiều lần thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính địa phương; sáp nhập, chia tách các bộ. Con số cụ thể là: năm 1975, cả nước có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đến đầu năm 1976, việc sáp nhập được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Trong một thời gian ngắn, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thế rồi vào những năm 90, cứ vài năm lại có thêm các tỉnh tách ra, để thuận lợi trong quản lý và phát triển sản xuất, với lời hứa đinh ninh “chia tỉnh không chia tình”. Và đến năm 2024, cả nước có 63 tỉnh, thành phố.
Các bộ, ngành cũng tương tự. Giai đoạn 1992-1997, Chính phủ có 36 bộ, ngành. Nhiệm kỳ 1997-2002, tăng lên 48 đầu mối. Đến nhiệm kỳ 2002-2007, Chính phủ có 38 đầu mối, gồm 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ. Bước sang nhiệm kỳ 2007-2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp gọn lại, chỉ còn 30 đầu mối (22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ). Thay đổi liên tục cho nên có những Bộ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tách ra nhập vào nhiều lần. Tách ra thì cán bộ vui hơn, thêm trụ sở, thêm ghế cho cán bộ, thêm biên chế, tăng ngân sách, nhưng Nhà nước thì “nặng gánh”. Hiện nay ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên. Cứ kéo dài tình trạng này thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Dứt khoát phải thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Năm tao bảy tuyết từng “hạ quyết tâm”, từng “hô khẩu hiệu”, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Những anh “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” lại là người lời to tiếng nhỏ nhiều nhất, rằng “giảm biên chế tăng ghế phòng ban”, “xin anh chớ vội hỏi thăm/giảm đâu thì giảm đừng nhằm vào em”. Mới chỉ có chủ trương sắp xếp lại tổng cục này, vụ kia, phòng nọ đã thấy rối như canh hẹ, tiếng đồn ra cả... nước ngoài, điện thoại khuyên can, góp ý, “xin” cho con cháu réo suốt ngày đêm. Những thông tin bịa mà như thật loang khắp mạng zalo, facebook, kèm theo hình họa, biểu đồ, chỉ thiếu “chữ ký tươi”. Chẳng hạn tin đồn về sắp xếp lại các tỉnh, thành phố, những nơi nào ô-tô chỉ lượn một giờ đồng hồ đã đi hết tỉnh, do diện tích tự nhiên quá nhỏ, mật độ dân số đông, quỹ đất teo tóp, sẽ bị ... mất tên.
Vẫn biết là cần sáp nhập nhưng sẽ có lộ trình, làm thí điểm, tính toán thật kỹ lưỡng, cho nên tin đồn nhập địa phương mà nhanh như thợ mộc lắp ghép bàn ghế thì rõ là không đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thế nên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã kịp thời lên tiếng. Rằng đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương, sau đó mới sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc tổ chức sáp nhập một số tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Vậy là theo cách nói trong quân đội, mệnh lệnh nào được đưa ra cũng có dự lệnh và động lệnh. Bởi giảm đầu mối, tinh giản biên chế là công việc hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh mỗi con người, vì lợi ích chung mà đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung, sự dũng cảm hy sinh trong thời bình vốn không dễ dàng chút nào!
Mục tiêu thu gọn bộ máy các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương là để sắp xếp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết; phân cấp, phân quyền một cách thực chất. Nhưng thu gọn như thế nào cho khách quan, khoa học, để người tài đức có đất dụng võ, nhất là chọn đúng người đứng đầu, “ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Thu gọn như thế nào để người bất tài kém đức tự giác đi tìm “đất” khác. Bởi nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đụng đâu cũng vướng. Vướng về sắp xếp cán bộ. Vướng về việc bàn giao, sử dụng trụ sở, công sản. Vướng về thủ tục giấy tờ. Trong những năm qua đã có những Nghị định của Chính phủ quy định rất cụ thể, song cuộc sống lại lắm nhiễu nhương, nhiều phiền toái, khi nó bị chi phối bởi các mối quan hệ nhằng nhịt, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương, “mua chức, mua chỗ” bằng tiền bạc. Bởi vậy, rất cần những chính sách ưu tiên, khéo vận dụng trong điều kiện cụ thể cho những cán bộ, công chức vì sắp xếp bộ máy mà tự nguyện xin thôi chức, xin nghỉ hưu sớm; những cán bộ có năng lực nhưng cơ quan cũ không còn, cơ quan mới “không có nhu cầu”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương, hôm 25/11, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
Vừa chạy vừa xếp hàng, đó là tinh thần khẩn trương nhưng thận trọng, không làm ẩu, làm cho xong việc. Có người nói rằng giảm biên chế một cách cơ học tuy có giảm số “chum vại”, nhưng phần thân, phần đáy của nó lại phình to hơn, như thế là “đánh bùn sang ao”.
Hướng tới kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, con người lần này được tiến hành với tinh thần và quyết tâm mới, nói đi đôi với làm và làm ngay./.
TRẦN QUANG
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)