1. Nghị định số 155/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, có hiệu lực từ ngày 01/02/2025
Nghị định số 155/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, bao gồm:
(1) Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn;
(2) Vi phạm quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
(3) Vi phạm quy định về truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
(4) Vi phạm quy định về quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn;
(5) Vi phạm quy định về cung cấp, khai thác, sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;
(6) Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
(7) Vi phạm quy định về tác động vào thời tiết;
(8) Các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn quy định tại Nghị định này.
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
2.Nghị định số 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, có hiệu lực từ ngày 02/02/2025
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm, Nghị định số 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau:
(1) Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
(2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự...
(3) Xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự.
(4) Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.
(5) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.”.
Nghị định số 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sungtiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ bao gồm:
(1) Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn quốc gia;
(2) Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên;
(3) Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 héc-ta trở lên.
3. Thông tư số 08/2024/TT-TTCP ngày 18/12/2024 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, có hiệu lực từ ngày 03/02/2025
Thông tư số 08/2024/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Theo đó, Thông tư quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh trađược thực hiện theo quy định tại Phụ lục gồm 51 mẫu được ký hiệu từ 01/TT đến 51/TT. Thông tư số 08/2024 cũng nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định và triển khai thực hiện...
4. Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT ngày 19/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 03/02/2025
Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT quy định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại.
Theo đó, các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định bao gồm:
(1) Các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết; quy trình kỹ thuật thu gom cơ giới chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở tiếp nhận; quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến cơ sở tiếp nhận, từ trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý; quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải cồng kềnh từ điểm thu gom đến cơ sở xử lý;
Quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, điểm thu gom đến cơ sở xử lý hoặc điểm lưu giữ chất thải nguy hại; quy trình kỹ thuật vận chuyển nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến cơ sở xử lý; quy trình kỹ thuật vệ sinh điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt;
(2) Các quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; quy trình kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng thiết bị ép; quy trình kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không sử dụng thiết bị ép;
(3) Các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải thực phẩm thành mùn; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng để phát điện; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt không thu hồi năng lượng; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT quy định về yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau:
- Đảm bảo tiếp nhận, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng chủng loại, lịch trình được phân công;
- Đảm bảo thu gom toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí thu gom theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư;
- Không tiếp nhận, vận chuyển chất thải vượt quá tải trọng hoặc thể tích chứa của phương tiện. Che phủ kín đối với phương tiện trong trường hợp không có nắp đậy khi di chuyển;
- Kịp thời khắc phục sự cố trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại và thông báo cho người có thẩm quyền theo quy định.
5.Thông tư số 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đăng ký thuế, có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Thông tư số 86/2024/TT-BTC quy định cụ thể về đối tượng đăng ký thuế như sau:
(1) Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.
(2) Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.
(3) Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, mã số thuế do cơ quan thuế cấp có cấu trúc như sau:
N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10 - N11N12N13
Trong đó:
- Hai chữ số đầu N1N2 là số phân khoảng của mã số thuế.
- Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
- Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
- Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.
- Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.
Thông tư số 86/2024/TT-BTC quy định về nội dung, hình thức và thời hạn công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế, bao gồm:
(1) Nội dung công khai: Các thông tin ghi trên Thông báo về việc người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Thông báo về việc người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
(2) Hình thức công khai: Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
(3) Thời hạn công khai: Chậm nhất trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo hoặc cập nhật trạng thái mã số thuế theo quyết định, thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác chuyển đến.
6. Thông tư số 88/2024/TT-BTC ngày 24/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, có hiệu lực từ ngày 07/02/2025
Thông tư số 88/2024/TT-BTC quy định rõ về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.Thông tư được áp dụng đối với năm ngân sách 2025.
Thông tư nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 88/2024/TT-BTC, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.
7. Thông tư số 87/2024/TT-BTC ngày 24/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Như vậy, Thông tư số 87/2024/TT-BTC thực hiện bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, kể từ ngày Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành.
8. Nghị định số 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định số 164/2024/NĐ-CP quy định rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 164/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Công an nhân dân bao gồm:
(1) Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ);
(2) Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Thanh tra Công an tỉnh);
(3) Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục).
Theo Nghị định, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, thanh tra công an nhân dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra, cụ thể như sau:
(1) Được xếp loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liên kề trước năm bổ nhiệm; không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật;
(2) Am hiểu pháp luật và công tác nghiệp vụ của ngành Công an; có kiến thức quản lý nhà nước; biết sử dụng tin học, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số đối với các vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống;
(3) Có bằng tốt nghiệp đại học Công an trở lên hoặc đại học ngành khác trở lên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an.
9. Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Theo đó, nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ được Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định như sau:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
(2) Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra.
(3) Gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đối với các bộ bao gồm:
(1) Thực hiện nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhân lực của ngành, lĩnh vực;
(2) Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực được giao quản lý;
(3) Thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ theo quy định;
(4) Thực hiện trách nhiệm giải trình về hoạt động và chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ trong phạm vi quyền hạn được giao;
(5) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
10. Thông tư số 58/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 14/02/2025
Thông tư số 58/2024/TT-NHNN quy định về trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền giả như sau:
(1) Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Sở Giao dịch), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
(2) Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả theo chương trình của Ngân hàng Nhà nước hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
(3) Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường hợp sau:
- Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
- Tiền giả loại mới.
- Có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch.
- Khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
11. Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 15/02/2025
Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định phạm vi điều chỉnh là hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Về hình thức xử phạt, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Bên cạnh đó, có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính như sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Buộc thực hiện công bố hoặc công bố đúng quy định hoặc thông báo hoặc buộc cải chính thông tin;
- Buộc chuyên gia tính toán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định pháp luật; buộc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô sử dụng chuyên gia tính toán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định pháp luật;
- Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
- Buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
- Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
- Buộc thông báo cho Bộ Tài chính về việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng;
- Buộc thực hiện đúng quy định pháp luật;
- Buộc dừng sử dụng người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm;
- Buộc nộp lại Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam;
- Buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
12. Nghị định số 09/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật, có hiệu lực từ ngày 25/02/2025
Nghị định này quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm: Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Theo quy định, mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) như sau:
- Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): Hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
- Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: Hỗ trợ 30 triệu đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.
- Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: Hỗ trợ 15 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
Nghị định số 09/2025/NĐ-CP quy định về nguồn lực hỗ trợ bao gồm: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật./.
Bảo Ngọc (tổng hợp)