Bác Hồ của chúng ta chính là người đã nhìn rõ nhất vai trò của giai cấp vô sản và chủ nghĩa Mác - Lênin trong cuộc đấu tranh cứu nước: "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới".

"Tìm lối đi cho dân tộc cùng đi"

Ở Việt Nam ta, kể từ sau năm 1917, cuộc đấu tranh giành lại tự do, độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân cũ đã mang một màu sắc khác hẳn trước. Mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã tỏ ra quá hèn yếu trước lực lượng xâm lăng và đô hộ Pháp, nhưng với truyền thống hàng nghìn năm dựng và giữ nước, thấm nhuần tư tưởng "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", ở Việt Nam ta dưới ách thống trị của người Pháp luôn luôn lúc âm ỉ, lúc bùng cháy những ngọn lửa khởi nghĩa.

Không ít bậc chí sĩ đã không tiếc đời tiếc sức để đi tìm con đường cứu nước. Tiếc thay, nói như một câu thơ ái quốc phổ biến thời đó, "tìm mãi mà đêm chẳng lối ra!". Các cụ đã không thể tìm ngoại lực ở những nước TBCN phương Tây vì suy cho cùng, đó cũng là một giuộc với chủ nghĩa thực dân Pháp.

Các cụ cũng phải thất vọng về tư tưởng "đồng da vàng" của những nước châu Á phát triển hơn ta lúc đó, vì họ, nếu có cử chỉ nào đó giúp cho phong trào ái quốc của Việt Nam, thì cũng theo đuổi trước tiên là những mục tiêu vị kỷ, dân tộc chủ nghĩa của chính họ. Chỉ tới khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917, nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam mới dần dà tiếp nhận được nguồn cổ vũ lớn lao từ tư tưởng và phong trào XHCN.

Một bậc túc nho như cụ Phan Bội Châu, sau những bôn ba và cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật Bản, Đức, đã không thể không cảm thấy thất vọng vì các nước tư bản đó và cuối cùng tìm tới gần nguồn sáng từ cuộc cách mạng Nga: "Tôi nhận thấy phong trào hiện nay đã dần dần khuynh hướng về với cách mạng thế giới..." (Tiếc thay, như chính lời "ông già Bến Ngự" về sau tâm sự, cụ chưa kịp thực hiện những ý tưởng của mình trong thực tế thì đã bị bọn thực dân, đế quốc bắt đưa về nước an trí).

Tuy nhiên, dự định thủ tiêu chính đảng tư sản kiểu cũ như Việt Nam quang phục hội đã được cụ Phan Bội Châu khởi xướng, đánh dấu bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường chủ nghĩa dân chủ kiểu cũ sang tính chất dân chủ mới ở những nhà chí sĩ lớp trước.

Các nhà cách mạng trẻ Việt Nam trong những năm 20 đã tìm thấy ở tư tưởng XHCN một nguồn lực mới để tạo nên cuộc cách mạng vừa giành lại được độc lập tự do cho đất nước, vừa xây dựng được một xã hội khả dĩ có thể mang lại ấm no cơm áo cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tất nhiên, không phải ai cũng biết tiếp nhận những góc độ thiên thời, địa lợi, nhân hoà nhất trong kho tàng đồ sộ học thuyết Mác - Lênin để tư tưởng cách mạng vô sản hòa đồng với truyền thống dân tộc và hoàn cảnh lịch sử cụ thể thời bấy giờ.

Bác Hồ của chúng ta mới chính là người đã nhìn rõ nhất vai trò của giai cấp vô sản và chủ nghĩa Mác-Lênin trong cuộc đấu tranh cứu nước: "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới".

Đọc lại hàng loạt những lá thư mà Bác Hồ từng gửi cho Quốc tế Cộng sản những năm 30 của thế kỷ trước, rất dễ nhận ra cách hành xử đầy tài trí và tinh thần vì nước quên thân của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.

Bác đã hành động đúng như Bác nói rằng Bác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin vì thấy ở đó con đường duy nhất có thể giúp cứu dân tộc mình, Tổ quốc mình khỏi ách thuộc địa. Được soi rọi bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác vẫn biết cách tiếp thu những tinh hoa lý tưởng khác của nhân loại để làm giàu có thêm gia tài lý luận của những người cách mạng Việt Nam trên con đường cứu dân, cứu nước.

Bác Hồ có cái nhìn anh minh về các hệ tư tưởng khác nhau. Người biết chắt lọc tinh hoa trong kho tàng trí tuệ nhân loại để đúc kết nên những hạt mầm nhân bản mang tính vĩnh cửu.

Người viết: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm ở sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của chúng tôi. Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm vị học trò nhỏ của các vị ấy".

Với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, cứu nước gắn với cứu dân bao giờ cũng là nhiệm vụ hàng đầu: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" và "giai cấp vô sản muốn được giải phóng trước hết phải giải phóng dân tộc".

Quan điểm rõ ràng này đã giúp cho cách mạng vô sản Việt Nam ngay từ đầu đã mang một sắc thái giải phóng dân tộc rõ rệt và không bị lôi cuốn quá đà theo những sai lệch hoặc bốc đồng đã từng có trong phong trào cách mạng vô sản thế giới ở một số thời điểm nhất định. Từ Việt Nam cách mạng đồng chí hội tới những nhóm cộng sản đầu tiên thành lập trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta đã có những bước tiến dài căn bản.   

Gốc ở nhân dân

Trên những con đường bôn ba thế giới lúc nào Nguyễn Ái Quốc cũng canh cánh bên lòng mục tiêu cứu nước, cứu dân. "Dân duy bang bản, Bản cố bang ninh" (Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên) - Sách cổ Trung Hoa "Hạ thư" đã từng ghi vậy.

Là người thấm nhuần tinh hoa văn hóa phương Đông cũng như phương Tây, sinh thời, Bác Hồ vĩ đại trong mọi suy nghĩ và hành động đã thể hiện rõ tư tưởng "gốc là dân" và nhất quán quan điểm vì dân tộc mình tới tận cùng tức là sẽ gặp gỡ nhân loại. Càng biết nhiều, càng trung thành và chung thủy hơn với mục đích cứu nước, cứu dân, lấy đại đoàn kết toàn dân làm gốc.

Chính nhờ biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, "lực lượng vĩ đại hơn hết" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, nên những người Cộng sản đã lãnh đạo thành công đất nước đứng lên đánh đổ các ách thống trị thực dân và phát xít, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa.

Lại nói theo lời Bác Hồ, "đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta". Từ nhân dân mà ra và cùng nhân dân mà chiến thắng - đó là một trong những bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của toàn bộ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và XHCN ở Việt Nam. Một nhân dân đã được giác ngộ và đi theo Đảng rõ ràng đã là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà trong bản "Tuyên ngôn độc lập" do Bác Hồ đọc trong lễ độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, những từ được nhắc tới thường xuyên nhất là "đồng bào ta", "dân ta", "nhân dân ta" và "toàn dân Việt Nam"...

Cũng chính vì nhân dân là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản nên mọi hoạt động của chính quyền mới đều xuất phát từ tình yêu nhân dân sâu sắc và nhằm mục đích vì hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Làm cho nhân dân được tự do hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng của cách mạng và của những người cộng sản Việt Nam. Mô hình xã hội tốt nhất là mô hình mà trong đó, mọi cơ chế và chế độ đều nhằm mục đích tạo điều kiện để cho người dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, của tổ quốc mình. Khác đi tức là đã chệch hướng, đã như "cây lìa cội".

Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân nhưng luôn là một bộ phận khăng khít của dân tộc và ở trong nhân dân chứ không phải ở trên dân tộc hay nhân dân. Có thế, Đảng mới thực sự là sự chọn lựa tốt nhất của dân tộc, của nhân dân. Điều này đã được Bác Hồ quán triệt ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới. "Dân chủ" đã là một trong những từ được Bác Hồ nhắc tới nhiều nhất trong các bài viết của Người trong những năm đầu của của chế độ mới và cả sau này nữa…

(Còn tiếp)

Theo Báo An ninh thế giới

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: