Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ - bậc vĩ nhân của nhân loại, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của mỗi người dân Việt nên trên nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đã có nhiều thành tựu thế kỉ về Người từ văn chương, hội họa cho đến điêu khắc, âm nhạc… trong và ngoài nước. Tuy vậy, đề tài Bác Hồ vẫn là một thách thức lớn với người cầm bút. Chỉ xét riêng phạm vi thi đàn hiện đại nước nhà, người cầm bút khó mà vượt qua được những nhà thơ từng được làng Thơ Việt Nam vinh danh viết về Bác như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Minh Huệ, Thu Bồn, Hải Như… Mới đây, nhân kỉ niệm 123 Ngày sinh của Bác, Vannamnet cũng đã gởi đến người yêu thơ - yêu kính Bác chùm thơ hay viết về Người, Chế Lan Viên (Di chúc của Người), Trần Ninh Hồ (Bác đến), Trần Đăng Khoa (Em gặp Bác Hồ), Nguyễn Đức Mậu (Về thăm nhà Bác)… Trong bài viết trên Đáo Đồng Nai(1) nhà thơ Đàm Chu Văn đã nồng nhiệt giới thiệu những tác giả trẻ làm thơ của tỉnh nhà thuộc thế hệ 8x như Phan Danh Hiếu, Đào Nguyên Thảo, Lê Thùy Dung, Xuyến Chi… Tôi chú ý những dòng anh viết về Hạnh Vân - một tiếng thơ trẻ trung, mới trong giọng điệu, đa dạng đề tài trong chừng mực “không sa vào những cách tân hình thức rậm lời, khó hiểu như một số cây bút trẻ. Đặc biệt, với đề tài truyền thống yêu nước và cách mạng, tấm lòng kính yêu đối với Bác Hồ, chị có những thành công bước đầu”. Tìm hiểu tôi được biết, những bài thơ “Hoa khoai lang trong vườn Bác”, “Hoa râm bụt ở đồi ATK”, “Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông” đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (số 756, tháng 9/2012 và số 772, tháng 5/2013) cùng với bài “Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác” là chùm thơ được giải Nhì của cuộc thi về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức năm 2012. Đến với đề tài Bác Hồ, điều quan trọng có thể nói là bậc nhất với người viết là qua sáng tác cần đọng ở người đọc đôi điều suy ngẫm, đôi điều thú vị sâu sắc về cuộc đời nhân vật mà ai cũng biết đến, cũng nghe kể; những di vật quen thuộc, đời thường ai cũng nhìn thấy, sờ chạm, cầm nắm. Do vậy, nỗ lực tìm tòi, dựng cảm hứng, tổ chức ngôn ngữ văn chương để có những câu thơ hay về Bác quả thật không dễ dàng. Vậy mà tác giả trẻ Hạnh Vân đã có đến bốn bài thơ, và những bài này đều được đặc san địa phương, tạp chí Trung ương lên bài thì đấy là niềm vui cần được chia sẻ.
Đó chính là điều mà nhà thơ Đàm Chu Văn đã đề cập đến, “…Chùm thơ về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Hoa râm bụt ở đồi ATK, Hoa khoai lang trong vườn Bác, Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông, Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác, Hạnh Vân có những tìm tòi, phát hiện để lại nhiều ấn tượng”. Là Phó Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, viết về “ người nhà, gà nhà” (Hạnh Vân sinh năm 1980, dạy học ở Trường THPT Vĩnh Cửu, Đồng Nai), anh khen như thế có quá lời không? Tôi không cho là như vậy. Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở thanh niên đã bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân đến khi trở thành Chủ tịch nước vẫn sống đời thanh bạch giản dị từ nơi ở, bữa ăn, sinh hoạt đến tấm áo mặc, thú vui…ngời sáng tấm gương đạo đức. Nhà thơ Tố Hữu đã từng có những câu thơ mang tính tổng kết phẩm chất cao đẹp một đời vì dân tộc, vì nhân dân của Bác:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…(Bác ơi)
Chế Lan Viên lại chọn và chạm đến nỗi đau đáu sâu thẳm: Niềm ưu dân ái quốc trong tâm hồn Bác bằng một chi tiết nhỏ đắt giá:
Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương…
(Người đi tìm hình của nước)
Chất nhân văn ngời lên ở những dòng cô đúc của nhà thơ Hải Như viết về đôi dép lốp Bác thường đi:
Bác Hồ đi dép lốp cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác.
(Đâu chỉ vì giản dị)
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong một lần về thăm nhà Bác ở Làng Sen đã đưa vào thơ những gì thân thuộc gần gũi với Bác: ...Ngôi nhà Bác thuở thiếu thời/ Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa/ Chiếc giường tre quá đơn sơ/ Võng gai ru mát những trưa nắng hè…(Về thăm nhà Bác)
Trở lại với những bài thơ của Hạnh Vân viết về Bác Hồ…
Với bài thơ Hoa khoai lang trong vườn Bác, Hạnh Vân chọn hoa khoai mà theo lời của hướng dẫn viên du lịch Làng Sen, quê Bác, “Bác thấy hoa khoai lang rất đẹp, củ và lá đều dùng vào bữa ăn hàng ngày…”. Tác giả như bắt được mạch cảm xúc cho tứ thơ và sử dụng phép liệt kê – so sánh với cúc, hồng, huệ, lan để hoa khoai tím dịu nở trong vườn nhà Bác. Bởi một đời Bác làm cách mạng vì nhân dân nên yêu thích vẻ đẹp giản dị của loài hoa khoai: Đẹp ở sắc bình dị, “đẹp” ở sự thiết thực (củ, lá) no bụng, ấm lòng cho người dân.
Lá – củ thảo thơm
dân được no lòng
hoa khoai đẹp từ điều bình dị ấy
Bác thương người nông dân tay bùn chân lấm
nên thương cả loài hoa biết xoa dịu những nhọc nhằn
Hạnh Vân đã chọn hoa khoai, chọn chuyện đời thường để nói về tầm lớn lao nhân cách của lãnh tụ. Và “niềm ham muốn tột bậc” mà Bác từng thốt lên: “…đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2) như lấp lánh trong những câu thơ. Những công bộc của dân thích xa hoa trong hưởng thụ phải chăng xa dân một giây một ngày thì cũng dần xa rời Đảng cần học bài học này: …Con học Bác cách yêu một loài hoa phớt tím/ để tự đáy lòng mình/ cây bình dị/ trổ hoa.
Ở bài Hoa dâm bụt trên đồi ATK, loài hoa dân dã luôn thắm đỏ ở dậu rào nơi làng quê Việt Nam, hoa râm (dâm) bụt lại nở trong thơ của tác giả. Một bông hoa nở thắm chiều/ Một bờ xanh gợi thương yêu quê nhà…Mướt xanh lá, lập lòe hoa/ Nhìn cây lại nhớ mẹ cha xóm làng…Nhịp thơ lục bát êm, đều mở ra khoảng tâm hồn người xa quê bao kí ức tuổi thơ về đấng sinh thành, một ngọn núi, một dòng sông, một loài hoa quê nhà… Với cậu bé Côn – Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này là hàng dâm bụt trước ngõ, ven sân. Khi ở Tỉn Keo, An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên Bác cho trồng hoa quê đỏ thắm cho vợi nỗi nhớ mẹ cha xóm làng. Trong thơ Hạnh Vân, hoa dâm bụt là biểu tượng cho tình quê nước trở thành sức mạnh, niềm tin mãnh liệt để Bác cùng lớp lớp chiến sĩ, đồng bào vượt muôn ngàn gian khổ giành lại độc lập, tự do đưa dân tộc đến ngày toàn thắng. Tác giả đã thành công với dụng ý chọn loài hoa gắn liền với thời tuổi nhỏ của Bác Hoa như bụt hiện giữa trần bình yên. Từ đó khái quát lên phẩm chất ngời sáng của Bác yêu nước sâu đậm, nồng nàn và tận hiến đời mình cho quê hương để khắp trời Tổ quốc Việt Nam “hoa bình yên, hoa hạnh phúc” rạng rỡ thắm tươi!
Bác đi muôn dặm nẻo đường
vẫn nâng niu một sắc hương quê nhà
con về nơi Bác đã qua
thấy bình yên nở đóa hoa dịu lành…
Sẽ trùng lắp và gây nhàm cho bạn đọc nếu cứ tìm đến với hoa, cho nên với bài Ngắm chân dung Bác Hồ từ dây lá buông Hạnh Vân chuyển cách thể hiện: Khắc họa chân dung Người bằng thơ nhưng không từ chất liệu lụa là, đá quý cẩm thạch, hoa cương mà từ lá buông. Một loại lá mọc tràn vùng căn cứ Xuân Lộc. Cư dân nơi này dùng lá buông đan bện lợp mái, dựng vách nhà giờ thành nón lá, tủ khay, giỏ xách. Nghĩa là cũng từ dân dã, quê mùa thần sắc Bác hiện sinh, Những sợi dây không rực rỡ sắc màu/ quyện vào nhau thành chân dung Bác.
…nụ cười dịu hiền
ánh mắt bao dung
hình ảnh Bác từ sợi dây lá buông thêm muôn phần bình dị…
Cùng với bài thơ viết về hoa khoai nói trên, bài thơ này Hạnh Vân đã biết tận dụng ưu thế của thể tự do, ngôn ngữ thơ giản dị (nhưng cũng cần chú ý nếu không vững tay cũng dễ lặp từ/ sa vào dễ dãi) để xúc cảm tuôn dòng rồi lắng lại - nổi lên sự tài hoa khơi vầng sáng mới:
…nghệ nhân lặng thầm thổi hồn vào sợi lá
bện yêu thương trong sáng tối những gam màu
chân dung Bác Hồ giản dị thanh cao…
….tác phẩm quê nhà lặng lẽ gợi bình yên.
Đó chính là tình yêu Bác sáng lên ở phần kết bài, nhẹ nhàng gợi mở. Tình yêu Bác thấm vào tình cảm người đọc qua tình yêu của nghệ nhân, của con dân Đồng Nai miệt mài, lặng thầm làm nên sản phẩm nghệ thuật độc đáo, mang bản sắc của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng, kiên cường (Trần Long Ẩn).
3.
Chọn điều giản dị, đời thường, một nét yếu tính để làm rạng ngời, tỏa sáng một nhân cách của một bậc vĩ nhân như đã nói là một trãi nghiệm cần thiết với người cầm bút. Tôi lại lan man nghĩ, khoảng cách xa – gần của dòng trôi nhân thế, thậm chí khoảng cách địa lí trước một tầm vóc lồng lộng của danh nhân văn hóa thế giới, của một anh hùng thời đại, một đại thi hào…đi nữa có quan ngại gì miễn sao người viết thấu cảm bằng cả tâm tư, cõi lòng tri kỉ dẫu chưa từng tri diện. Nhà thơ Triệu Từ Truyền dựng lên trong thơ bằng ngôn từ rất riêng một huyền thoại bất tử về người anh hùng Che Guervara của xứ sở Châu Mỹ La Tinh vời vợi mà chẳng hề lạ lẫm chút nào:
Che Guervara
Nhập thân vào hoang thú ước mơ
Huyền thoại hòa nhập vào nhau
Không phải lũ giết mướn
Chính hoang thú ước mơ
Nuốt mất Che Guervara…
(Người săn hoang thú ước mơ - Tưởng nhớ Che Guervara )
Nguyễn Việt Chiến, cầm bút làm thơ sau Nguyễn Tiên Điền đến hơn hai thế kỉ vẫn “gặp” cụ ngồi “câu chữ” trên “sông văn, sông thơ” trong một đêm mưa:
Đêm mưa, gặp Nguyễn trên sông
Đầu đội nón lá, chân không mang giày…
Sông văn chảy dọc cuộc đời
Nguyễn ngồi câu chữ dưới trời mưa đêm …
"Truyện Kiều" ông viết trong mơ
Ngoài sông tiếng đập lụa như vẫn còn
Lụa như trăng giặt chẳng mòn
Nàng Kiều đêm ấy vẫn còn trên sông….
(Gặp Nguyễn Du trên sông đêm)
Những dòng thơ tự do, lục bát hay và đầy ấn tượng. Đàm Chu Văn cũng đã đánh giá như thế về tác giả trẻ Hạnh Vân: “… Có những tìm tòi, phát hiện để lại nhiều ấn tượng”. Nhưng theo tôi, ấn tượng mà tác giả toát lên từ thi phẩm của mình đã lặn vào trong tâm thức người thưởng thức ở tầng mức nông, sâu thế nào còn tùy thuộc vào tài năng, bút lực cả tâm thế thể hiện qua bút pháp, ngôn ngữ thi ca, kết cấu nội tại thi phẩm… mới là điều đáng nói.
Và tất cả những điều đó đang vẩy gọi người sáng tạo tiếp tục bứt phá tiến lên. Còn với Hạnh Vân, theo tôi qua những bài thơ trên thật đáng mừng vì đã có “thu hoạch” bước đầu đáng khích lệ khi viết về đề tài Bác Hồ. Như nỗi vui mừng, hồ hởi của nhà văn Khôi Vũ viết về lớp trẻ cầm bút của Đồng Nai. “Vậy là mừng rồi. Mừng vì Đồng Nai có thêm một tác giả trẻ, tuy còn chưa định hình văn hay thơ là chính. Không sao, thời gian sẽ trả lời câu hỏi ấy thôi… Con đường văn chương dài đăng đẳng…” Tôi tin Hạnh Vân sẽ gặt hái những thành công mới ở lĩnh vực sáng tác khác, những mảng đề tài khác nữa (chị vừa in xong tập thơ đầu tay “Ru miền cổ tích”- Nhà xuất bản Hội Nhà văn; chị còn là một cây bút truyện ngắn đáng chú ý trong thời gian gần đây, nhà văn Sương Nguyệt Minh - thành viên Ban Chung khảo cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2011 – 2012- đã bày tỏ sự nuối tiếc những tác giả trẻ không đoạt giải trong đó có Hạnh Vân với hai truyện ngắn “Quán ven sông” và “Tổ ấm” ), như câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân , “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”…
Biên Hòa, cuối tháng 5 năm 2013
(1) Vài gương mặt thơ trẻ Đồng Nai - Đàm Chu Văn, Báo Đồng Nai ngày 23/2/2013.
(2) Ý theo nội dung bài báo "Trả lời các nhà báo nước ngoài" của Bác Hồ trên Báo Cứu Quốc, số 147, ra ngày 21 -1 1946. "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào… Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành….".
(3) Cuộc điểm danh và tôn vinh một thế hệ viết văn trẻ và mới – Nhà văn Sương Nguyệt Minh trả lời phỏng vấn Báo Văn nghệ Trẻ.
Nguyễn Nguyên Phượng
Theo vanchuongviet.org
Kim Yến (st)