Tuyên Quang có địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc, nhân dân một lòng đi theo Đảng, đã vinh dự trở thành trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam, là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, Tuyên Quang đã vinh dự và tự hào có nhiều địa điểm được chọn làm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Làng Sảo, Tân Trào, Lũng Tẩu, Vực Hồ, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan, Hùng Lợi... Trong đó có địa điểm Bác Hồ đã ở tới ba lần như lán Hang Bòng.

small 108999
Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961). Ảnh: Tư liệu

Tháng 5-1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.

Tại đây, đầu tháng 6-1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu Giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu Giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tháng 8-1945, Người chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Ngày 2-4-1947, Người về đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tuyên Quang. Một lần nữa, Thủ đô Khu Giải phóng năm xưa đã trở thành Thủ đô kháng chiến, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ ngành, cơ quan trung ương. 11 bộ, 65 cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại các huyện, thị xã trong tỉnh.

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại Tuyên Quang với thời gian trên 6 năm. Trong thời gian này, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… quyết định những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Kim Bình (Chiêm Hóa); Đại hội toàn quốc thống nhất Việt minh - Liên Việt; Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt  - Lào, Campuchia; Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc; Quốc hội khóa I, thông qua Luật Cải cách ruộng đất. Kim Quan (Yên Sơn) là nơi Bác Hồ ở, làm việc, trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953 -1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dự Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng (khóa III), chuyển cách mạng nước ta sang giai đoạn mới. Cũng từ đây Người lên đường về Thủ đô Hà Nội.

Tại Tuyên Quang, Bác Hồ đã có những hoạt động ngoại giao quan trọng như: Làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, đoàn cố vấn Trung Quốc; đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô…

Vinh dự là nơi chở che cho cách mạng, Tuyên Quang cũng vinh dự là nơi ghi dấu nhiều bài viết, bài phát biểu về đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên; các sáng tác thơ văn của Bác Hồ.

Ngày 19 và 20-3-1961, một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang là được đón Bác Hồ về thăm. Bác đã đến thăm xóm Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang), Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, Trường bổ túc văn hóa  tỉnh, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Người đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III; nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang tại sân vận động thị xã; thăm và nói chuyện với nhân dân Tân Trào (Sơn Dương) nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Một lòng kính yêu và khắc ghi lời Bác, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đoàn kết một lòng, phấn đấu không ngừng xây dựng Tuyên Quang thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày một ấm no, xứng đáng với truyền thống của Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.             

Theo Báo Tuyên Quang online

Ma Lệ Minh (st)

Bài viết khác: