Trong bài nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm họp vào tháng 8/1948, Bác Hồ đã nêu ra 6 yếu tố tạo nên đạo đức cách mạng của người cán bộ cộng sản là trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung. Người cán bộ có đủ 6 yếu tố này mới có thể đạt được “nhân hoà” và thực sự có uy tín trước quần chúng để người dân tin yêu, sống chết cùng mình không sợ hiểm nguy, góp phần đưa cách mạng thành công mau chóng và vững chắc.
Tư duy cổ truyền phương Đông luôn nhấn mạnh tới yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bác Hồ từng lý giải: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: Thiên thời, địa lợi, và nhân hòa.
Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa.
Nhân hoà là thế nào?
Nhân hoà là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”.
Như vậy, theo ý tưởng của Bác Hồ, thu phục được nhân tâm là nhiệm vụ quan trọng trên hết của các cán bộ, “những người tướng của đoàn thể”.
Và để đạt được mục đích “nhân hòa”, các cán bộ cộng sản cần phải Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Cũng trong bài nói chuyện đã dẫn ở trên, Bác Hồ đã giải thích khá cặn kẽ nội dung của các tiêu chí trên. Theo Người, “Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng...”.
Và vì thế người cán bộ cách mạng “tuyệt đối không được khinh địch. Tục ngữ có câu: “Sư tử muốn bắt con chuột phải dùng hết sức mới bắt được”. Khinh địch tất sẽ thất bại”. Trong quan niệm của Bác, “Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng là phải thưởng. Tín còn có nghĩa là tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn, tự cao”.
Bác căn dặn thêm: “Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Còn “Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh...”. Với Bác, “Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung...”.
Bác viết: “Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống...”. Theo Bác, “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon đều là bất liêm”. Bác từng kể ra những hạng người bất liêm trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính viết xong khoảng tháng 6/1949:
Bác Hồ trao đổi công tác quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
“Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư.
Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lận chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ.
Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào.
Người cày ruộng, không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng.
Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào.
Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình.
Đều là tham lam, đều là bất liêm.
Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).
Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo.
Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử.
Đều trái với chữ Liêm...”.
Bác Hồ định nghĩa: “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”. Chữ Trung trong khái niệm mà Bác đưa ra rộng hơn chữ trung của thời cũ...
Nếu đạt được tất cả những phẩm hạnh trên, người cán bộ cách mạng tất yếu “đắc nhân tâm”. Bản thân Bác Hồ đã luôn là một tấm gương mẫu mực về Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Những phẩm chất ấy đã giúp Bác luôn luôn thành công trong việc gây dựng yếu tố “nhân hòa”, dù ở bất cứ tình huống nào và vào bất cứ thời điểm nào của cách mạng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một sĩ phu lão thành ở tuổi “cổ lai hy” ngỡ như đã từng trải mọi sự đời, không còn gì để phải ngạc nhiên nữa, nhưng tháng giêng âm lịch năm 1946, sau lần đầu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ngay lập tức thốt lên: “Dân ta có được Cụ Hồ, quả là hồng phúc!”. Cụ Huỳnh về sau còn lại một bài thơ tự vịnh nhan đề Thất thập tự tiếu (Bảy mươi tuổi, tự cười), như sau:
“Huỳnh Thúc Kháng tiếu kha kha,
Tứ phương, tam kỳ chi gia,
Hương, tộc, quốc, hữu da, vô da?
Đắc nhất tri kỷ kỳ như dĩ lão hà!”
Cụ Huỳnh tự dịch bài thơ đó như sau:
“Nghĩ ta ta cũng nực cười,
Nhà nhà ba cõi, người người bốn phương,
Hỏi đến nước, đến làng, đến họ,
Có hay không? không có? có không?
Bảy tuần đầu bạc như bông,
Được người tri kỷ thôi xong đã già”.
“Người tri kỷ” của Cụ Huỳnh ở đây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì mến phục Bác Hồ nên Cụ Huỳnh đã không nề hà tuổi cao sức yếu tận tụy với sự nghiệp cách mạng của dân tộc cho tới tận hơi thở cuối cùng. Trước khi mất trên đường đi công tác vào ngày 21-4-1947, Cụ Huỳnh đã viết cho Bác Hồ những dòng đầy xúc động mà chỉ những tri âm, tri kỷ đích thực trên đời mới dành cho nhau:
“Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết!”.
Cũng trong giai đoạn sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hoàng Minh Giám, một trí thức nổi tiếng thời đó, mới chỉ được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh một khoảng thời gian ngắn, đã trầm trồ khoe với người bạn học cũ của mình từ Trường Quốc học Huế: “Cụ nhạy cảm vô cùng, thông minh tuyệt vời và có những hiểu biết cực kỳ sâu rộng. Tôi mới làm việc với Cụ một tuần lễ mà đã học tập được không biết bao nhiêu điều bổ ích...”.
Nhà báo Pháp Jean Lacouture, từng được Bác Hồ tiếp tại Bắc Bộ phủ sau Cách mạng Tháng Tám, đã nhận xét rằng Bác “là nhân vật có tài chinh phục người đối thoại với mình ngay từ câu thứ hai”. Thời gian đó, vận nước cam go, quân Tàu Tưởng đã lợi dụng tình hình tràn vào nước ta với danh nghĩa thay mặt Đồng minh giải giáp tàn quân phát xít Nhật. Không khôn khéo, hòa hoãn đối xử với bọn chúng dễ nảy sinh tai họa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng tạo dựng được uy tín ngay cả với những tên tướng vốn rất hay “mục hạ vô nhân” như Tiêu Văn, Lư Hán, Hà Ứng Khâm...
Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Đức Thụy, công tác tại Ủy ban Ngoại giao chính phủ ta trong những năm 1945-1946, Bác đã “rất bình tĩnh, đĩnh đạc” đối xử với tên trung tướng Tiêu Văn, vốn là chỗ đỡ đầu quan trọng nhất của bọn Nguyễn Hải Thần và từng tuyên bố: “Tiêu diệt Việt Minh trước rồi mới giải giáp quân Nhật sau”.
Ngang bướng, “ông kễnh”, Tiêu Văn từ chối tất cả những gì mà Chính phủ ta chuẩn bị sẵn để đón hắn như ngôi nhà cao đẹp cạnh Phủ Chủ tịch, các phương tiện đi lại tốt... Y đến ở tại tư gia của một Hoa kiều. Thấy vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đến thăm xã giao Tiêu Văn tại nhà người Hoa kiều đó.
Cách nói chuyện, ứng xử của người đứng đầu Chính phủ ta đã khiến Tiêu Văn dần bớt hung hăng và hiểu rõ hơn về quan điểm của chúng ta... Thậm chí, tới một thời điểm nào đó, quan hệ cá nhân giữa Bác với Tiêu Văn có thể nói là đã đạt được mức hữu hảo... Với Lư Hán cũng thế, sau vài ba lần tiếp xúc, Bác Hồ đã khiến cho y phải nể trọng. Đồng chí Nguyễn Đức Thủy nhớ lại:
“Mỗi lần Bác đến thì Lư Hán và Mã Anh (Tham mưu trưởng của Lư Hán) đều ra cổng đón và tiễn Bác, đợi xe Bác quay đi rồi mới vào. Bác nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Bác dùng cổ văn và thành ngữ của Trung Quốc nên nói ít mà ý nghĩa nhiều, họ rất khâm phục. Trong các công văn giao thiệp, họ không bao giờ dùng chữ Hồ Chủ tịch mà dùng Hồ Chí Minh tiên sinh. Đó là vì họ chưa công nhận chính quyền của ta. Nhưng lúc nói chuyện với Bác, họ đều xưng hô với Bác là Hồ Chủ tịch. Như vậy họ rất kính trọng Bác...”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của mình, đã không chỉ một lần Bác Hồ thoát được khỏi những tình huống hiểm nguy tưởng như nghìn cân treo sợi tóc chính bởi Người đã “đắc nhân tâm”, bởi Người luôn sống và làm việc không phải vì những mục đích cá nhân, mà thực sự ham muốn tột bậc của Người chỉ là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu vì với vòng danh lợi...” (Trả lời các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946)
Theo Văn Bình An
Huyền Trang (st)