III… vừa là học trò
Sáng nào cũng vậy, mới mờ đất, dòng suối Lê-nin còn phủ đầy sương trắng, Bác đã thức giấc và đi khắp lán giục mọi người cùng dậy tập thể dục. Bác chọn một quả núi cao nhất và chống gậy, tập leo núi. Bác mang theo một con dao, giả làm người đi nương, Bác dự đắp một cái nền đất nhỏ để tập. Bác làm bốn cái chày, hai cái nhỏ và hai cái to; sáng sáng Bác tập giơ cho kỳ được bốn cái chày đó. Trừ những lúc đánh máy ra, nếu ngồi đọc báo hoặc xem sách, hai tay Bác bao giờ cũng có hai hòn cuội, Bác vừa xem vừa tập nắm, luyện cho cứng cơ bàn tay.
Tài liệu để cho các thầy giáo giảng dạy các lớp huấn luyện chính trị và học văn hóa lúc ấy thật khan hiếm. Bác phải tự biên soạn chương trình và sáng tác nhiều thơ ca, thường là theo thể thơ năm chữ hoặc lục bát dùng làm bài học hàng ngày cho anh chị em. Bác viết hẳn một cuốn lịch sử nước ta, dài hàng trăm câu, mở đầu bằng một vài lời khuyên: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”. Phía cuối bài thơ là phần phụ lục. Những năm quan trọng, liệt kê chính xác lịch sử nước từ đời Hồng Bàng cho đến Nam kỳ khởi nghĩa (1941) và… một lời tiên đoán bất hủ: Việt Nam độc lập năm 1945! Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, tài liệu để nghiên cứu hết sức thiếu thốn (nếu có cũng không dám lưu trữ), Bác phải làm việc hoàn toàn bằng trí nhớ. Trong nhiều bài viết của Bác, tôi thấy Bác không hề làm lẫn một chi tiết lịch sử nào, thậm chí còn bổ sung đôi chỗ cần thiết. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Bác đã biên soạn tới hai mươi sáu bài địa lý tự nhiện các tỉnh miền Bắc và một bài có tính chất tổng kết là hai mươi bảy! Bác kể lại khá tỉ mỉ về sông ngòi, núi non, dân số, dân tộc của từng tỉnh… Qua những bài học quý giá này, chúng tôi càng thấy tự hào về quê hương, đất nước của mình, về tương lai của dân tộc mình. Đây là một đoạn Bác viết về tỉnh Cao Bằng:
Cao Bằng Đông bắc giáp Tầu,
Hà Giang, Bắc Cạn ở vào phía Tây,
Nam giáp tỉnh Lạng gần đây
Bốn nghìn tám dặm tỉnh này gồm bao
Pia gia Pia- vắc thật cao
Hơn hai ngàn thước xôn xao một hàng
Sông to thì có Bằng Giang
Xê Lao, Trà Lĩnh chạy ngang hai dòng…
Chao ôi! Buổi đầu đi theo Bác, chúng tôi chỉ có một tấm lòng! Chúng tôi đã hiểu biết gì đâu. Bác đã mở cho chúng tôi thấy nhiều điều mới lạ về bản làng mình, về con người của mình. Giấy không có, Bác phải viết vào giấy bản. Viết được một bài, Bác lại đem đọc cho chúng tôi nghe và hỏi ý kiến chúng tôi. Chỉ khi nào chúng tôi gật đầu, ra ý hiểu, Bác mới cho in lên báo. Chúng tôi là những người được Bác trực tiếp dạy học chữ, Bác đề ra một nội dung chặt chẽ và Bác gương mẫu thực hiện đúng, Bác động viên tôi:
- Làm việc gì cũng phải có kế hoạch. Nấu cơm cũng vậy, đó là một việc dễ nhưng nếu không có kế hoạch, lúc nào gánh nước, lúc nào nhóm lửa, vo gạo… thì cơm ăn không ngon, tốn củi thì giờ vô ích. Cháu gắng tập làm kế hoạch cho quen đi. Giờ nào học bài, giờ nào khâu giầy, công tác…
Hàng ngày Bác quy định mỗi ngày người phải học thuộc một bài(một đoạn thơ) hoặc là về địa lý, hoặc là về lịch sử. Mỗi buổi sáng, trước giờ làm việc, mọi người ngồi vây quần thành vòng tròn, hồi hộp đợi tới giờ kiểm tra bài cũ. Bác để cho một người xung phong đọc trước, rồi cứ lần lượt người ngồi bên tay phải đồng chí đó tiếp tục đọc cho đến hết. Chúng tôi đọc, Bác làm thầy giáo và chấm điểm cho từng người. Ai đọc tốt trơn tru, chứng tỏ là có tinh thần chịu khó, Bác biểu dương ngay và chấm điểm cho đồng chí đó được đi máy bay; Ai đọc ở mức trung bình, không sai sót mấy, Bác gật đầu bảo “được” và cho đi ô tô; Ai đọc còn ư, a nhiều, phải đợi nhắc hoặc không thuộc bài, Bác tuyên bố người ấy phải đi xe bò. Và cố nhiên, sau đó, học viên này phải học lại bài cũ để hôm sau Bác kiểm tra lại. Cách cho điểm tượng trưng ấy của Bác có sức lôi cuốn chúng tôi rất mạnh, Bác là người biên soạn và sáng tác ra bài nhưng đến lượt Bác đọc, Bác cũng gấp sách lại rồi đọc thuộc lòng đoạn như anh em và Bác để cho chúng tôi bình chấm điểm cho Bác. Hôm nào cũng thế, tất cả chúng tôi, cái tập thể “thầy giáo” nho nhỏ này đều cảm thấy sung sướng và hãnh diện về Bác Hồ người “học trò” xuất sắc nhất của “lớp” mình!
Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Theo baclieu.gov.vn
Thanh Huyền (st)