.5.

ÔNG VUA

Ổn định nơi ăn chốn ở xong, anh Cử Sắc nhận dạy một số học sinh ở gần nhà. Ban đêm thấy anh gò lưng trên bộ ngựa gỗ kê giữa nhà chép sách. Chữ anh viết chân phương, đẹp, bạn bè, nhất là con cái các cụ học cùng lớp với anh ở trường Giám rất thích xem. Chép xong một cuốn vài ba mươi trang, thế nào anh cũng được thưởng một khay nếp hay một cặp gà đem về cho gia đình. Chị Loan thấy cái chái ghế bàn lỏng chỏng, chị bèn dẹp bàn ghế vào một nơi rồi ra chợ Đông Ba mua một cái khung về đặt vào đó dệt vải. Hai cậu Khiêm, Cung hằng ngày lo dọn dẹp nhà cửa xong là dắt nhau đi chơi. Khi thì hai cậu ra sau Hoàng Thành xem tập voi, khi thì đứng ngoài hàng rào trường Anh Danh xem thiếu niên tập võ. Cũng có hôm hai cậu vui chân đưa nhau ra tận hồ Tịnh Tâm đứng xem say mê cảnh cá ngũ sắc lội dưới hồ, chim cu ghì bay quanh đảo Bồng Doanh. Những việc diễn ra trước mắt, hai cậu thấy cái gì cũng lạ. Áo quần đủ kiểu đủ màu, xe cộ có loại thùng đen, có loại thùng vàng, có loại thùng vuông, có loại thùng tròn, anh em Khiêm, Cung không thể nào phân biệt được. Điều lạ nhất các cậu không hiểu là vì sao ở đây lại có lắm người đeo bài ngà kim khánh đến thế chứ! Mỗi bận đi chơi về, hai cậu lại xoay quanh cha mẹ hỏi chuyện, bắt cha mẹ giải đáp cho các cậu về những điều khó hiểu. Có điều cha mẹ giải thích được, có cái thì nói chung chung và cũng có nhiều cái không thể giải thích được. Điều đó làm cho tính tò mò của hai cậu con trai càng thêm bị kích thích. Khiêm, Cung tìm làm quen với các đồng ấu trong xóm để hỏi chuyện Kinh đô. Dần dần rồi hai cậu cũng phân biệt được xe đen thùng vuông: Quan nhỏ; xe đen thùng tròn: Quan to; xe gọng đồng sơn vàng: Quan đại thần; xe bánh gỗ niềng sắt: Người hèn; xe bánh cao su: Người sang. Nhìn khăn áo, bài ngà và xe cộ, hai cậu bắt đầu phân biệt được các phẩm trật các quan. Suốt ngày hai cậu nghe cha dạy: “Quân, thần, phụ, tử”. “Thần, phụ, tử” thì gặp hàng ngày rồi, cho nên hai cậu càng náo nức muốn thấy mặt Quân (vua). Thỉnh thoảng cậu Cung được theo mẹ ra giặt dịa ở Bến Tượng. Thấy ai cũng cúi đầu trước cái tượng đất đặt trên bến. Cung tưởng tượng đến vua. Một hôm cậu hỏi bạn:

- Vua có giống như tượng Phật rứa không?

Thời quân chủ còn thịnh, vua đi ra ngoài, thần dân đều phải trốn, nhà ở dọc hai bên đường phải đóng cửa, ai nhỡ gặp vua ngự ở giữa đường thì lập tức phải phủ phục ngay bên đường. Bởi vì nhìn thấy mặt vua không những bị tội “khi quân” mà còn tin dị đoan làm ăn sẽ gặp rủi ro. Sau năm giặc Pháp chiếm Kinh đô (7-1885) các ông vua bù nhìn do Pháp đặt lên không còn đủ quyền lực để thi hành điều cấm đó. Tuy vậy, dân bách tính vẫn kiêng. Cho nên, khi nghe cậu Cung hỏi thế, bạn bè rất sợ.

Mãi đến một hôm, mặt trời vừa chiếu xiên qua cổng thành Đông Ba, trống trên Ngọ Môn đánh liên hồi, cúng trên cột cờ ùng oàng nổ, đầu đường cuối xóm vang vọng lời rao:

- Ngài ngự! Ngài ngự!

Nghe ra, hai anh em Khiêm, Cung không kịp gài cúc áo, tất tả chạy ra phía cửa Thượng Tứ xem. Đám rước “Ngài ngự” là một đoàn voi, ngựa thắng bành gấm nhúc nhắc đi giữa hai hàng lính đội nón dấu, chân quấn xà cạp vàng. Nổi bật trên đám rước là một chiếc kiệu khảm ngà bên trên che lọng ngũ sắc. Chiếc kiệu di chuyển trên mấy chục đôi vai lực lưỡng. Hai anh em Khiêm, Cung núp dưới một gốc nhãn trên thành, chõ mắt nhìn xuống. Vua Thành Thái đầu chít khăn vàng ngồi chễm chệ trên kiệu, nghiêm trang như pho tượng. Dân chúng đi qua đường, người già thì phủ phục lạy, người trẻ thì quay mặt đi. Thỉnh thoảng cũng thấy một vài người liếc mắt nhìn trộm.

Tối hôm đó về nhà, Cung đứng bên khung cửi thỏ thẻ hỏi mẹ:

- Vua đau chân sao phải khiêng mẹ?

Chị Loan hoảng sợ, con thoi dừng ngang vuông vải:

- Đừng phạm thượng, con! Làm vua thì được ngồi kiệu!

Cung hỏi tiếp:

- Sao thầy không chít khăn vàng như nhà vua cho đẹp mà lại cứ giữ cái khăn đóng đen òm?

Chị Loan lại dừng tay dặn con:

- Màu vàng chỉ để cho hoàng thượng. Làm vua mới được chít khăn vàng, nhớ nghe con!

Cung đưa tay vuốt cái chỏm tóc trái đào. Nét mặt nhăn nhó không vui:

- Rứa răng con cũng thấy lính cũng chít khăn vàng dưới chân, lính không sợ vua quở phạt sao mẹ?

Chị Loan lại hoảng hốt. Chị đứng dậy định chạy đến bịt miệng con. Nhưng vừa bước ra chị lại lùi lại, nói với con như van xin:

- Răng con ăn nói phạm thượng rứa? Ở chốn Kinh kỳ mà không giữ gìn lời ăn tiếng nói thì gông cùm con ơi. Chắc mẹ phải xin thầy gửi con về ở với ngoại thôi.

Thấy mẹ lo lắng về mình như thế, tự nhiên Cung thấy ân hận. Cậu chạy đến hôn mẹ và nói như xin lỗi:

- Thôi, con không dám hỏi nữa. Mẹ đừng gởi con về…Con muốn ở với cha mẹ thôi!

Chị dứng dậy ôm con vào lòng, âu yếm hôn lên đầu con. Tự nhiên hai gọt nước mắt nóng hổi lăn tròn trên má chị. Chị sung sướng có được một đứa con khôn ngoan, nhưng đồng thời chị cũng lo sợ về những điều đến trước tuổi của đứa con thân yêu.

 

.6.

THẰNG GIẶC TÂY DƯƠNG

 

Kinh đô Huế đã lọt vào tay thực dân Pháp hơn 10 năm. Toàn quyền Paul Doumer chủ trương bãi bỏ chế độ bảo hộ và thay vào đó chế độ trực trị. Vua Thành Thái mới hơn 20 tuổi, ông chưa thấy hết thủ đoạn bỉ ổi của kẻ thù. Bọn Pháp tổ chức lại bộ máy cai trị, chấn chỉnh thuộc địa để thực hiện ý đồ mới của chúng. Đó là thời kỳ mà dân ta gọi là “Tây sang giăng dây thép họa địa đồ nước Nam”. Những nấm mồ chôn tập thể những người bị Pháp giết trong biến cố 23 tháng 5 Ất Dậu (5.7.1885) đã quật lên để lấy đất sửa sang hoặc làm đường mới. Đống xương chất cao ngất để cách nhà anh em Khiêm, Cung không xa. Nhìn cảnh ấy, đồng bào Huế vô cùng đau đớn. Họ tự góp tiền làm một cái miếu thờ chung những quan dân đã mất dưới gót giày giặc Pháp. Cái ngã tư có miếu thờ từ đó mang tên là ngã tư Âm Hồn. So với cung điện, đài, gác của nhà vua thì cái miếu này quá nhỏ nhoi, thế nhưng không mấy ai là người Thừa Thiên Huế lại không biết đến. Đó là vết thương chưa cầm máu trên cơ thể một cô gái yêu kiều. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 5 là ngày “quảy cơm chung” hay cúng âm hồn. Vào lúc buổi trưa, bà con thiết bàn thờ ra đường cúng. Lễ cúng to nhất tổ chức tại miếu Âm Hồn, gần nhà hai cậu Khiêm, Cung. Người đứng chủ tế ở đây là một ông Đô Thống hay Chưởng Vệ của triều đình. Phẩm vật cúng dường phần lớn là xôi oản, trái cây, bánh, chuối; cúng xong, ho phân phát cho trẻ em (quan niệm như một loại âm hồn sống). Trong lễ tế đọc một bài văn tế chính thức bằng chữ Hán có ý nghĩa là “Thương thay chi linh, vì đâu nông nỗi, hoặc theo việc quân, hoặc lưu  thành nội. Binh lửa đầy đồng, trải cơn gió bụi, xương khô chất đầy. Phách hồn trôi nổi, trời đất cùng sầu, cỏ cây ngậm tủi. Nói đến bao nhiêu, lại càng thêm rối”. Các nhà yêu nước cũng thường nhân cơ hội này sáng tác thêm những bài văn tế mới, lên án tội ác của giặc Tây, thương tiếc những người đã chết, phấn khích những người còn sống căm thù lũ giặc ngoại ban. Lời lẽ các bài văn tế này súc tích bóng bẩy. Cúng xong đâu đâu cũng nghe lóc cóc tiếng sanh của những người mù hò vè Thất Thủ Kinh đô, tiếng vè uất nghẹn và giục giã làm sao!

Vào những ngày tế Âm Hồn, anh em Khiêm, Cung có mặt ở ngã tư Âm Hồn rất sớm. Đến sớm để được lãnh phần xôi oản bánh trái. Nhưng không ngờ.....mỗi lần nghe Văn tế và hò vè Thất Thủ ai oán não nuột, bà con đến dự lễ sụt sùi trong nước mắt, thấy người lớn khóc, hai cậu Khiêm, Cung cũng khóc theo.

Buổi tối về nhà, Cung đọc cho mẹ nghe câu vè:

Nay mà mắc phải lâm nguy

Sự tình nông nỗi cũng vì giặc Tây

Rồi hỏi:

- Mẹ ơi thằng giặc Tây dương ở mô mà hắn ác rứa mẹ?

Chị Loan đã quen với cái tánh hay hỏi của con nên lần này chị không quở trách con nữa. Thay vào đó là sự dạy dỗ cẩn trọng, chị ghé vào tai con nói thầm thì về lai lịch thằng giặc Tây dương. Nghe mẹ kể Cung không được thỏa mãn. Trên khuôn mặt cậu bé thoáng một nét buồn trầm tư. Buổi tối hôm đó lên giường ngủ Cung lại hỏi cha. Nhưng cha cũng không làm cho cậu hiểu biết thêm được  điều gì. Đêm ấy Cung nằm cựa quậy như người khó ngủ. Phải chăng lần đầu tiên trên vần trán thơ ngây của cậu bé Cung đã hằn lên một nếp nghĩ về bọn giặc cướp nước!

 

.7.

ÔNG TƯỚNG ĐEO TRÁP TRƯỚC NGỰC

 

Tại ngã tư Anh Danh, ở về phía chái đông ngôi nhà anh Cử Sắc là dinh thự ông Đô Thống trong ngũ quân triều đình. Tuy là một ông tướng rất lớn nhưng lại chỉ điều khiển được dăm anh lính hầu. Bởi vì toàn bộ binh lính lúc này điều bị giải tán hay sung vào quân của Pháp. Ông tướng ở gần nhà anh Cử Sắc có cái dáng rất oai, mặt đỏ, râu ba chòm, mũi cao, áo rộng, trước ngực có thêu một con hổ màu đỏ tía. Mỗi lần thấy ông ra đường bọn đồng ấu trong Thành Nội đều chạy dạt ra rất xa, không đứa nào dám nhìn kỹ mặc ông. Chỉ có một điều chúng thắc mắc chưa giải thích được là: Các quan tướng đi đâu hay đeo tráp bên hông, hay có lính hầu mang theo bên cạnh, tại sao ông tướng này ra đường cứ mang lè kè cái tráp trước ngực? Thấy cậu Cung ở gần nhà quan tướng, bọn đồng ấu súng lại hỏi. Cung thắc mắc điều ấy mà cũng chưa có dịp hỏi.

Nhờ ở gần nhà Cung đã làm quen được với người những lính hầu của ông Đô Thống, cuối cùng Cung cũng biết được: Ông Đô Thống có hai vợ, bà vợ lớn ở nhà riêng, bà vợ nhỏ ở Nghệ Tĩnh người trẻ đẹp ở với ông tại công thự. Bà vợ nhỏ hay ghen và có uy quyền với chồng. Để đề phòng ông Đô Thống về thăm bà vợ lớn, cứ mỗi lần trước khi vắng nhà, bà vợ nhỏ hay cuộn râu ông tướng bỏ vào cái tráp khóa chặt nắp lại. Nhưng khi bị vợ khóa râu mà có việc phải ra đường, ông Đô Thống không còn cách nào hơn là đeo cái tráp lủng lẳng mà đi.

Cung đem chuyện ông Đô Thống bị khóa râu ra làm quà cười cho các bạn đồng ấu. Các bạn rất phục tài “điều tra” của Cung. Rồi từ đó, mỗi lần thấy ông Đô Thống khệ nệ mang tráp đi, bọn đồng ấu không những không sợ nữa mà còn xáp lại trêu chọc ông: “Ê..., ê... ngài bị vợ ghen hả?”. Ông Đô Thống rất ức nhưng không có cách nào trị được đám đồng ấu, bởi lẽ ông chạy theo đám trẻ con thì cái tráp sẽ lôi râu ông xuống đau đớn lắm. Anh Cử Sắc biết chuyện ấy đã phải than: “Ôi cái thời buổi gì mà một ngài Đô Thống đã trở thành trò cười cho lũ trẻ đồng ấu”.

 

.8.

CHUYỆN BẮC CẦU TRƯỜNG TIỀN

 

Một buổi tối cuối năm 1897, anh đầu xứ San từ An Hòa vào thăm anh Cử Sắc. Hai người cùng quê lâu ngày mới gặp lại nhau, mừng rỡ chào hỏi, nói năng oang oang. Anh đầu xứ ghé miệng vào bên tai anh Cử hỏi với giọng nóng hổi:

- Này, này....lũ giặc Tây dương sắp bắt cầu qua sông Hương Giang phải không? Như rứa là lính Tây dương ở Mang Cá liên lạc được với đồng bọn ở Tòa Khâm rồi!

Anh Cử kéo anh đầu xứ ngồi vào bộ ngựa gỗ kê giữa nhà, rồi bước tới đóng kín các cánh cửa, vừa để đỡ lạnh vừa ngăn bớt sự tọc mạch của những người vô ra từ đường Đông Ba. Anh đáp lời bạn:

- Đúng như vậy. Nhưng có gì anh phải lo lắng?

Anh đầu xứ ngạc nhiên:

- Bắc cầu Trường Tiền để cho quân lính cuả chúng liên lạc với nhau, nhưng chúng sẽ lấy lý do làm cầu cho dân đi mà bắt dân phải cám ơn chúng, phải nạp thêm tô thuế. Rứa mà không lo sao được?

Anh Cử Sắc cười:

- Chúng lấy tiền thuế ra bắc cầu cho dân đi là còn may. Chúng không bắt cầu mà vẫn lấy thuế nặng để mua súng bắn vào đầu dân mình mới nguy chớ. Còn dân mình có biết ơn Bảo hộ khai phá cho không, thì tôi chắc là không bao giờ!

Anh đầu xứ hơi bực mình, đứng dậy, cái đãy đeo trên vai rơi xuống tay. Anh định phản đối lời anh Cử Sắc nhưng bỗng thấy chị Loan từ sau nhà bưng lên một cái mâm cỗ có hai cái cốc và một bầu con đựng rượu để mời khách, anh lại thôi. Gặp lại người bạn gái từng có mặt trong các cuộc thi hát ví dặm ở quê nhà, lòng anh bỗng thoáng lên một kỷ niệm xưa. Anh nhìn chị Loan khép nép trước mặt, nói giọng hết sức trìu mến:

- Chào chị Cử, bề tôi không ngờ lại gặp anh chị ở đây. Vào kinh có vui không? Gặp chị tôi nhớ các buổi đi hát ví dặm quá.

Chị Cử vốn là người ít nói và bao giờ cũng dành cho chồng nói chuyện với khách, nên chị chào cho phải phép rồi lui ra:

- Dạ vui lắm. Mời anh đầu xứ uống chén rượu cho ấm. Trời mùa đông ở Huế lạnh lắm!

Chị Loan ra sau nhà anh đầu xứ uống một ngụm rượu rồi tiếp câu chuyện còn bỏ dở:

- Anh nói dân không tin không đúng đâu. Mười người có tám người không tin chớ cũng có hai người tin chớ. Như thế, nội bộ dân mình đã không đồng nhứt với nhau, làm sao có thể đánh Tây được!

Anh Cử Sắc nói giọng chán nản:

- Tôi không tin bọn nhà Nho mình còn có thể đánh được Tây. Tình thế đã khác rồi. Hoàng thượng còn phải bó tay, cố gắng làm được cái gì lợi cho dân thì làm, còn chuyện đánh Tây phải chờ...

Anh đầu xứ tỏ ra là người am hiểu tình thế:

- Giặc ở trong nhà không đánh được hôm nay thì phải tìm cách hôm mai đánh. Vô lẽ đầu hàng ngồi chờ sao. Hoàng thượng bây giờ cũng chỉ là một anh tù. Sở dĩ Pháp chưa đóng gông Hoàng thượng vì chúng còn phải lợi dụng được danh nghĩa của ông để bóc lột dân mình! Đến khi không lợi dụng được thì... có khó gì.

Anh Cử Sắc lại lạc quan hơn:

- Còn dân, còn vua thì thế nào cũng lấy lại được xã tắc!

Anh đầu xứ giọng cảm thông cho bạn:

- Anh còn tọa Giám, anh phải nghĩ như thế thôi. Rồi ra anh sẽ hiểu sự thật cay đắng hơn nhiều.

Câu chuyện giữa hai người cứ lai rai trao qua, đổi lại, kéo dài cho đến khuya. Anh Cử và anh đầu xứ không ngờ rằng tất cả nội dung câu chuyện đã lọt vào tai cậu bé Nguyễn Sinh Cung, cậu đang giả đò nằm ngủ ở cái chõng tre kê bên trong tấm sáo ngăn cách giữa bộ ngựa gỗ và cái chái tây. Sáng hôm sau, thấy trời tạnh ráo, cậu bé Cung rủ anh Khiêm ra Trường Tiền xem Tây bắc cầu qua Hương Giang.

Lần đầu tiên hai cậu thấy một đám người Tây không phải là quan cai trị hay lính săn - đá hung dữ mà là những người thợ làm cầu hiền lành. Họ cũng mắt xanh, mũi lõ nhưng nét mặt họ vui vẻ. Thấy đám đồng ấu đến gần, họ không xua đuổi mà một vài người còn ngoắc đám trẻ đến cho kẹo hay cho vài hộp diêm. Cung không thích người Tây, bởi vì người Tây trong vè Thất Thủ anh đã nghe kinh khủng quá. Tuy nhiên, thấy người Tây làm việc với những dụng cụ tiện lợi, làm nhanh và đẹp. Cung rất thích nhìn. Mấy cái vai cầu vừa ráp xong đặt trên bờ sông. Cung thấy nó to như một quả núi. Mấy anh thợ đu trên vai cầu tán ri-vê nhanh nhẹn chẳng khác nào một ông Tề Thiên đại thánh trong tuồng hát bội. Dưới mỗi nhát búa tán ti-vê tóe ra lửa trông kinh quá. Nhưng hấp dẫn Cung nhất là cái cần cẩu cao nghệu, trông mãnh không mà có thể nhấc những miếng sắt to đem đến cho thợ ráp vào cầu. Mới nhìn đã thấy chóng mặt, thế mà nó cứ làm việc đều đều.

Buổi tối về nhà, Cung có nhận xét với mẹ:

- Sao hôm nay con thấy cái khung dệt của mẹ như bé hơn!

- Vì sao vậy? Chị Loan thắc mắc hỏi con.

- Con cũng không biết nữa. Cung đáp rồi hỏi mẹ:

- Cũng là người Tây sao mấy ông quan, mấy ông lính săn-đá lại ghét trẻ con mà những người làm cầu lại gọi tụi con tới cho kẹo và cho hộp diêm?

Chị Loan lại nhìn con trân trân. Dù biết tính con hay hỏi, nhưng mỗi lần nghe hỏi, lại một lần chị thấy bất ngờ. Chị không biết nói làm sao cho con hiểu rằng chính chị cũng chưa hiểu, cho nên chị nói trớ đi cho qua câu chuyện:

- Sao con không hỏi thầy mà cứ hỏi mẹ hoài vậy?

Cung sợ mẹ quở trách nên cậu hứa với mẹ từ nay cậu không dám làm cho mẹ bận bịu thêm nữa.

            (Còn nữa)

 

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: