LỜI GIỚI THIỆU

          Bản Trường ca viết về Bác Hồ kính yêu của tác giả Trương Văn Mão, do GS,TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Tư vấn Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực, gửi đến.

           Đây là những vần thơ mộc mạc, nhưng toát lên tấm lòng chân thành của bác Trương Văn Mão đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn.

          Sau đây là Lời giới thiệu của GS,TS Hoàng Chí Bảo về bản Trường ca của bác Trương Văn Mão:

          Người viết bản Trường ca “Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác” là đồng chí Trương Văn Mão, trên 70 tuổi đời và 40 tuổi Đảng, một cán bộ đã nghỉ hưu, nay sinh hoạt đảng tại Đảng bộ xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tác phẩm này được viết trong dịp kỷ niệm lần thứ 119 Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1980 – 19/5/2009), cũng đồng thời là kỷ niệm 40 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Bác. Với tình cảm chân thành và xúc động, tác giả đã viết nên bản trường ca 240 câu thơ gồm 3 chương, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cao quý của Bác Hồ.

Bản trường ca là tiếng nói tự đáy lòng tác giả, hồn nhiên, giản dị mà sâu lắng, toát lên tình cảm yêu thương, kính trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Hồ, lòng mong muốn của mỗi người chúng ta, nguyện sống, học tập, lao động, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại. Vì lẽ đó, những điều tâm huyết của tác giả thể hiện qua bản trường ca này chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của đông đảo anh em, bạn bè, đồng chí.

Tôi bày tỏ sự trân trọng, quý mến đối với tác giả về việc làm có ý nghĩa này. Có thể nói, đây là một tấm gương tốt, người thật, việc thật về một đồng chí đảng viên cao tuổi đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xứng đáng để mỗi người chúng ta noi theo.

Xin trân trọng giới thiệu trường ca “Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác” với các bạn đọc xa gần:

                 

                                 

BẢY MƯƠI CHÍN MÙA XUÂN CỦA BÁC HỒ

                                                         Trường ca

                                                                      Trương Văn Mão

 

Chương I: Quê hương, gia đình và tình thương

 

Vua Hùng xưa dựng nước non

Nay Bác cùng với cháu con giữ gìn

Bốn nghìn năm, triệu trái tim

Sáng ngời chân lý giữ gìn núi sông.

 

Quê hương xứ Nghệ miền Trung

Địa linh nhân kiệt đã sinh ra Người

Ngay từ khi tuổi thiếu thời

Bác phải sống giữa cuộc đời tối tăm.

 

Thực dân đế quốc xâm lăng

Nhà tan nước mất lầm than đoạ đày

Thương nòi nước mắt đắng cay

Mơ Tổ quốc chắp cánh bay Tiên Rồng.

 

Sẵn lòng truyền thống cha ông

Cha Nguyễn Sinh Sắc đồng lòng với con

Mẹ làng Sen – Hoàng Thị Loan

Xe tơ dệt vải nuôi con học hành.

 

Đời mẹ chẳng được an lành

Ba mươi ba tuổi thoát vòng trần gian

Đau thương lòng Bác ngập tràn

Kính dâng hoa huệ, cung đàn mẹ đi.

 

Tuổi trẻ cực khổ trăm bề

Hai bàn tay trắng rời quê xuống tàu

Làm thuê, phụ bếp quản đâu

Một viên gạch ấm bạn bầu sớm hôm.

 

Bác đi tìm ánh thái dương

Cứu dân thoát khỏi con đường khổ đau

Lênh đênh biển Bắc trời Âu

Quê hương hai tiếng khắc sâu lòng Người.

 

Pari nước Pháp đây rồi

Là nơi Bác đến quyết đòi đấu tranh

Trang vàng với những bút danh

Năm châu bốn biển ngọn ngành tâm can.

 

Ở đâu nô lệ trần gian

Ở đâu cũng cảnh lầm than gông cùm

Chế độ đế quốc beo hùm

Ghi vào tim Bác nỗi niềm xót xa.

 

Nơi đây Bác đã tìm ra

Con “Đường cách mạng” đó là đấu tranh

Bác gia nhập, là thành viên

Quốc tế Cộng sản ở miền Á Đông.

 

Đại hội Tua đã tán đồng

Thời cơ đến, Bác thấy lòng nở hoa

Bác tìm đến đất nước Nga

Lý luận Mácxít - đây là ánh dương.

 

Chủ nghĩa xã hội thiên đường

Độc lập dân tộc vầng dương sáng ngời

Người dân làm chủ cuộc đời

Quyết tử cho Tổ quốc thời quyết sinh.

 

Màn đêm rạng ánh bình minh

Con đường cách mạng bóng hình tự do

Lòng vui vô bến vô bờ

Mệnh trời, vận nước bây giờ là đây.

 

Đường về Bác đến Quảng Châu

Đông Dương Cộng sản bước đầu lập ra

Đánh hơi mật thám tìm ra

Bốn tháng Bác ở Nhà tù Quảng Châu

 

Lạc quan Bác chẳng buồn đâu

Chỉ là thử thách bước đầu đấu tranh

Thân thể tuy bị cực hình

Tinh thần Bác vẫn lung linh sáng ngời.

 

Ngục trung nhật ký ra đời

Những vần thơ Bác mặt trời dịu êm

Ba mươi năm Bác đi tìm

Dáng hình Tổ quốc tạc lên bản đồ.

 

Dưới chân tượng thần Tự do

Mà như thấy bóng sao cờ tung bay

Tình yêu với Đảng dâng đầy

Điều chân thiện mỹ đời này tôn vinh.

 

Ơi! Việt Nam Hồ Chí Minh

Lời ca vang mãi tâm tình nơi nơi

Danh nhân văn hoá trên đời

Là sợi chỉ đỏ sáng ngời đường đi.

 

Chân lý ấy đẹp diệu kỳ

Tự do độc lập chẳng gì đổi thay

Ba mươi năm Bác về đây

Cao Bằng, Pắc Bó những ngày đầu tiên.

 

Bác là ông Ké, ông Tiên

Rau măng cháo bẹ dựng lên cơ đồ

Đánh thắng hai đế quốc to

Người dân áo ấm, cơm no, học hành.

 

Non sông gấm góc đẹp xinh

Bắc Nam một dải hợp thành câu ca

Xây dựng Tổ quốc của ta

Đàng hoàng to đẹp như là Bác mong.

 

Miền Nam anh dũng Thành đồng

Nở hoa biết mấy chiến công đang chờ

Bác luôn tâm niệm, ước mơ

Vào thăm trong đó đỏ cờ, vàng sao.

 

Nỗi niềm Bác vẫn khát khao

Thống nhất để Bác được vào miền Nam

Được gặp du khách dân quân

Vai mang súng, quấn khăn rằn nét duyên.

 

Miền Nam hai tiếng thiêng liêng

Luôn luôn ghi khắc nỗi niềm mến yêu

Quân dân cả nước sớm chiều

Diệt ngụy, đánh Mỹ lập nhiều chiến công.

 

Thắng trận Bác rất vui lòng

“Miền Nam xứng đáng anh hùng” – Bác khen

Bác là một đoá hoa sen

Ngát hương toả sáng tâm hồn tự do.

 

Chương II: Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh

 

Sinh tử Bác chẳng đắn đo

Tự Bác biết được trời cho bằng nào

Bảy mươi tuổi vẫn dồi dào

Tình nghĩa với Đảng chẳng bao phai mờ.

 

Đó là chân lý, ước mơ

Sao dời vật đổi không hề đổi thay

Với dân như bát nước đầy

Chữ “Dân là gốc” ngày ngày nâng niu.

 

Lòng ta kính Bác bao nhiêu

Ta càng phải nhớ những điều Bác răn

Chủ nghĩa xã hội nhân văn

Dù cho gian khổ khó khăn quyết giành.

 

Học tập để rõ ngọn ngành

Đạo đức trong sáng mới thành người ngoan

Đúng, sai phân rõ vẹn toàn

Có tình có lý không hàm cá nhân.

 

Là người nảy mực cầm cân

Phải luôn sâu sát ân cần không sai

Thi đua học tập thành tài

Không màng danh vọng, xa dời quyền uy.

 

Các cháu là thanh, thiếu, nhi

Làm chủ đất nước mọi bề mai sau

Lớp trước dìu dắt lớp sau

Xây dựng đất nước đẹp giàu văn minh.

 

Vì tập thể, gắng sức mình

Làm nhiều nói ít mới thành người hay

Lý luận nắm chắc trong tay

Không gắn thực tiễn - việc này bỏ đi.

 

Mỗi lời nói phải nghĩ suy

Lợi dân ích nước ắt thì có ta

Chuẩn mực Bác đã đề ra

Cần kiệm liên chính mới là người trung.

 

Chí công vô tư ghi lòng

Như trời Xuân HThu Đông bốn mùa

Bốn phương đất chẳng để  thừa

Đông Tây Nam Bắc nắng mưa thuận hoà.

 

Một mùa thiếu chẳng thành trời

Bốn phương thiếu một, đất thời chẳng nguyên

Thiếu một đức - chẳng có hiền

Lời dạy của Bác mọi miền đều hay

 

Cần - Kiệm - Liêm - Chính chung tay

Công bằng xã hội nghèo giàu chẳng phân

Đảng ta tiến bộ muôn phần

Đất nước thêm mạnh, người dân thêm giàu.

 

Không nguồn, nước chảy từ đâu?

Lấy dân làm gốc cây mau thêm bền

Cán bộ đầy tớ của dân

Bao dung nhân ái việc cần khắc ghi.

 

Đúng sai phải rõ từng ly

Kính trên nhường dưới người thì mới hay

Bàn tay có năm ngón tay

Nhỏ to dài ngắn điều này ra sao?

 

Dù cho tốt xấu thế nào

Năm ngón chụm lại đừng bao chia lìa

Với mình nghiêm khắc tự phê

Với người thẳng thắn chẳng hề đắn đo.

 

Phê rồi nhớ phải sửa cho

Biết lỗi không sửa, lỗi to hơn nhiều

"Dĩ bất biến" đấy là điều

Ứng với "vạn biến" thêm nhiều chiến công.

 

Biết rằng rộng biển dài sông

Đổ bao nhiêu nước cũng không bị thừa

Chén nhỏ một giọt cũng thừa

Lời Bác đạo lý ngàn xưa để đời.

 

Thông minh, mưu trí hơn người

Hoà mình, bỏ cái chữ " tôi" thấp hèn

Cá nhân chủ nghĩa bon chen

Phải xoá, chớ để nhỏ nhen trong lòng.

 

Lòng Bác cao rộng mênh mông

Với các cháu, Bác là ông Tiên già

Bác thường thăm hỏi từng nhà

Cho trẻ bánh kẹo, người già áo khăn.

 

Lòng Bác toả sáng nhân văn

Hạn khô, úng lụt, Bác thăm cánh đồng

Thương bộ đội nhớ dân công

Đêm đêm gác đứng trời đông ngoài rừng.

 

Hũ gạo cứu đói Bác cùng

Nhuận bút viết báo Bác dành em thơ

Đời vui như thể trong mơ

Tấm lòng của Bác bây giờ còn đây.

 

Chiều chiều Bác cũng đi câu

Được con cá lớn Bác mau đem về

Mọi người được bữa hả hê

Chú bảo vệ cứ mải khoe công mình.

 

Bác cho chuyện đó thường tình

Hôm sau đánh dấu cá mình đã câu

Bảo vệ hối lỗi xin cầu

Ân cần Bác nhắc lần sau nhớ đừng.

 

Không được bịa chuyện linh tinh

Sửa ngay kiểu nhận công mình, ba hoa

Đồng chí phải thật chan hoà

Không được xúc phạm kẻo mà tổn thương.

 

Phải có đức tính khiêm nhường

Sai thì phải sửa kẻo vương lỗi lầm

Với dân phải thật quan tâm

Nói cho dân hiểu, dân tin dân làm.

 

Bác tới thăm mỗi xóm làng

Tự nhiên Bác cũng  chẳng cần đón đưa

Có lần Bác đã hỏi đùa

“Heo này hợp tác chắc vừa mới mua?”.

 

Bao người đỏ mặt chịu thua

Không giấu được Bác hứa chừa từ nay

Bác dặn: “ Sai phải sửa ngay

Cần kiêm liêm chính điều hay mới về”

 

Chương III: Lời nguyện ước

 

Xa Bác bốn chục năm trời

Làm sao viết hết cuộc đời Bác đây

Tôi chưa gặp Bác một ngày

Nhưng hình bóng Bác dâng đầy trong tim.

 

Bác là Bác Hồ Chí Minh

Cùng Đảng dìu dắt dân mình đi lên

Ba Đình năm ấy không quên

Việt Nam độc lập vang trên toàn cầu.

 

Đạo đức sáng mãi ngàn sau

Trái tim dân Việt một màu khắc sâu

Gần Bác sáng dạ, sáng đầu

Như tấm gương lớn để mau sửa mình.

 

Con gọi Bác: Hồ Chí Minh

Tự hào với đất nước mình Việt Nam

Bác ơi hơn bốn mươi năm

Kính Người yên giấc suối vàng ngàn Thu.

 

Việt Nam đại thắng kẻ thù

Non sông gấm vóc ta thu về rồi

Dân ta tám sáu triệu người

Xây dựng đất nước đẹp tươi huy hoàng.

 

Dân được, mặc, học hành

Đại đoàn kết xây bức thành núi sông

Đảng dân cùng lập chiến công

Đưa đất nước xứng con Rồng Á Châu.

 

Cùng với bốn biển năm châu

Cân Dần tiếp bước ngày sau vững vàng

Bác vui ban ánh hào quang

Lá cờ đỏ thắm sao vàng tung bay.

 

Búa liềm luôn chắc trong tay

Vẫn như có Bác trong ngày hội vui

Cháu con mãi mãi bên Người

Chúng con xin kính dâng lời hát ca.

 

Bác ơi nay Bác đi xa

Nhưng tình Bác vẫn chan hoà núi sông

Việt Nam con Lạc cháu Hồng

Dân giàu nước mạnh thoả lòng Bác mơ.

 

                        19/5/2009 – 3/2/2010

Theo Viện nghiên cứu nhân tài và nhân lực

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: