Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ. Người đã gắn việc giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc với giải phóng phụ nữ; thức tỉnh phụ nữ giải phóng dân tộc và từ đó giải phóng chính mình. Và, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, Người giành cho phụ nữ sự quan tâm đặc biệt, niềm tin tưởng và kính trọng. Với phụ nữ Nghệ An, trong sự quan tâm và tình cảm sâu nặng Người giành cho quê hương, Người đặc biệt quan tâm và giành tình cảm sâu sắc cho phụ nữ.

Trong lần nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An dịp về thăm quê ngày 14-6-1957, khi nói đến những thành tích của tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp, Bác nhấn mạnh đến vai trò của chị em phụ nữ, Bác nói: "Tôi muốn nêu một công trạng của chị em phụ nữ tỉnh ta. Đó là phong trào chăn nuôi gia súc". Bác khen: Phụ nữ Anh Sơn, Nghi Lộc phong trào nổi trội hơn và Bác căn dặn phụ nữ Anh Sơn, Nghi Lộc phải cố gắng hơn nữa, để có kết quả cao hơn, để làm mẫu, làm gương cho chị em khác cùng thi đua. Còn chị em các huyện khác phải thi đua cho kịp với chị em Anh Sơn, Nghi Lộc... Tiếp đó, Bác biểu dương chị Trương Thị Tâm ở Nghĩa Đàn một mình nuôi 300 con gà, 4 con lợn, chị còn làm ruộng, tham gia công tác xã hội, làm tổ trưởng phụ nữ. Bác nói "Đây là một phụ nữ anh hùng... Anh hùng không phải "Đông chinh Tây phạt", hoặc cứ làm cái gì kỳ khôi xuất chúng. Nuôi được nhiều lợn, nhiều gà, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tham gia công tác xã hội tốt, như thế là anh hùng, như thế là chiến sĩ”... “Các chị em ở đây cứ cố gắng thì ai cũng có thể làm anh hùng, chiến sĩ”. Những lời căn dặn của Bác thật cụ thể, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc. Làm theo lời Bác để trở thành anh hùng, chiến sĩ không phải chuyện gì quá xa xôi. Mỗi chị em chúng ta hãy làm tốt những việc giản dị, bình thường hàng ngày trong gia đình, thôn xóm, bản làng, cơ quan, đơn vị.

Ngày 9-12-1962, Bác đến thăm nhà máy Cơ khí Vinh. Nói về những sáng kiến trong cải tiến sản xuất của công nhân nhà máy, Bác hỏi "thế thì các cháu trai có sáng kiến nhiều hơn hay các cháu gái có sáng kiến nhiều hơn?". Được biết các cháu trai có nhiều sáng kiến hơn, Bác nhẹ nhàng động viên "Các cháu gái phải cố gắng".

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác Hồ nhiều lần gửi thư động viên, khen ngợi các mẹ, các chị phụ nữ Nghệ An đã chịu nhiều hy sinh, đóng góp xương máu, công sức tham gia phục vụ kháng chiến. Ngày 1-5-1949, Bác gửi thư cho Hội mẹ chiến sĩ Liên khu IV, Bác viết: “Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước... các bà thì thương yêu săn sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến”. Ngày 16-3-1967, Bác gửi thư cho cán bộ và nhân viên nhà thương Nghệ An. Trong thư Bác viết “hầu hết cán bộ và công nhân viên của Nhà thương là phụ nữ... các cô, các cháu đã vượt khó khăn gian khổ, quyết tâm xây dựng một Nhà thương tốt... Bác rất vui lòng khen các cô, các cháu và mong tất cả mọi người đoàn kết tốt và tiến bộ nhiều”.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Nghệ An là điểm nút quan trọng, địch ngày đêm bắn phá ác liệt, nhằm cắt đứt các tuyến đường giao thông, ngăn chặn nguồn tiếp tế từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Các đội thanh niên xung phong Nghệ An đã không quản mưa bom, bão đạn sửa cầu, làm đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngày 27-1-1969, Bác gửi thư khen ngợi Đội thanh niên xung phong số 333 tỉnh Nghệ An. Bác viết: “Đội phần lớn là các cháu gái đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm cầu đường được thông suốt luôn... Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng". Bác còn căn dặn: giặc Mỹ đã thua to, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố. Vì vậy, các cháu phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá để ngày càng tiến bộ; đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Bác vừa căn dặn phụ nữ tích cực lao động, chiến đấu nhưng cũng phải cố gắng học tập, nhất là các cháu gái. Nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14-6-1957, khi biết số lượng học sinh gái ít hơn nhiều hơn so với học sinh trai, Bác đã không vui. Bác nói “Tỉnh ta có 7 vạn học sinh. Thế là khá, nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh gái ở cấp III và 865 học sinh gái cấp II là còn ít. Thế thì các cháu gái phải cố gắng, các vị cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con gái ở nhà, không cho các cháu đi học”. Đến thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An (ngày 9-12-1961), Bác hỏi thăm học sinh các dân tộc. Khi Bác hỏi đến các cháu học sinh dân tộc Tày, có một học sinh nam đứng dậy, Bác hỏi: "chỉ có một cháu thôi à? Sao lại không có cháu gái? lần sau phải có cháu gái"

Được tin các cụ, các bà trong Hội Mẹ Chiến sĩ Liên khu IV tuổi đã cao mà vẫn cố gắng học tập, Bác rất xúc động. Bác viết thư động viên: "Nhiều cụ, bà tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý. Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà".

Để phụ nữ thật sự tiến bộ, bình đẳng, Bác mong muốn phụ nữ cần cố gắng để góp sức vào mọi công việc, cả trong việc lãnh đạo, quản lý. Trong Di chúc Bác viết vào tháng 5-1968, Người căn dặn: "Đảng, Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Trong thư gửi đồng bào tỉnh nhà vào tháng 8-1949, Bác vui mừng khi biết xã nào cũng có phụ nữ tham gia vào hội đồng nhân dân. Bác viết: "Tôi rất vui lòng rằng xã nào cũng có phụ nữ tham gia hội đồng nhân dân... Phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn và thiết thực hơn nữa...”. Nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (ngày 8-12-1961), Bác hỏi: Ban Chấp hành Đảng bộ ở đây có tất cả bao nhiêu đồng chí?... “Có mấy đồng chí gái? (“Dạ, 3 đồng chí”). Thế là thế nào? Các đồng chí gái không được 10 phần trăm. Như thế thì đồng chí gái ít quá. Các chú có nhận thấy thế không? Không được một phần mười. Ít quá!". Tiếp đó, ngày 9-12-1961, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh, Bác nói: Tỉnh ta có hơn 61 vạn phụ nữ, tức là một nửa dân số, là lực lượng lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, "so với nam giới thì địa vị của phụ nữ trong xã hội còn quá thấp kém. Thí dụ: Ở hội đồng nhân dân các xã, phụ nữ chỉ được 15 phần trăm tổng số đại biểu. Ở các cấp đảng uỷ và chi uỷ có 5 phần trăm là nữ đồng chí". Để khắc phục tình trạng đó, Bác đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển: "Chúng ta phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong thời gian qua, phụ nữ Nghệ An đã không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn và có nhiều đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực. Ngày nay, trước những yêu cầu, thách thức mới của thời đại, đòi hỏi phụ nữ Nghệ An phải nỗ lực hơn nữa. Những bức thư, những lời căn dặn, những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm chu đáo của Bác Hồ với phụ nữ Nghệ An tiếp tục có ý nghĩa quan trọng, là sức mạnh, là định hướng, là nguồn cổ vũ to lớn để phụ nữ Nghệ An vượt qua những khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế, yếu kém vươn lên trở thành người phụ nữ có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang./.

Hoàng Hiền

Theo http://nghean.gov.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: